Mở đường cho khu vực tư nhân kiến tạo tương lai năng lượng Việt Nam

Nếu so sánh mức giá điện trung bình tại Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy bức tranh đa chiều.

Việt Nam hiện đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc, Ấn Độ – những nền kinh tế quy mô lớn với nhu cầu tiêu thụ điện khổng lồ. So với các quốc gia như Bangladesh hay Malaysia – nơi có lợi thế về thủy điện hoặc dầu khí nội địa – giá điện của Việt Nam cao hơn. Tuy nhiên, khi đặt cạnh các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines hay Singapore, mức giá này lại thấp đáng kể, trong đó Singapore đã tiệm cận với mặt bằng giá của Nhật Bản.

Không chỉ là ‘cao hay thấp’- Cốt lõi là cơ chế giá phản ánh đúng chi phí

Từ lát cắt so sánh ấy, theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn: câu chuyện không nằm ở việc giá điện 'cao hay thấp' một cách tuyệt đối, mà ở chỗ giá điện có đang phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất và cơ chế thị trường hay chưa. Đây cũng là vấn đề then chốt mà nhiều quốc gia đang từng bước cải tổ – hướng tới một thị trường điện minh bạch, ổn định, thu hút đầu tư dài hạn và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn

Chuyên gia Hà Đăng Sơn: "Nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không đảm bảo cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững về lâu dài. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh. Việc này đòi hỏi sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường."

Không chỉ điều chỉnh giá, mà cần cải cách thể chế toàn diện

Để giải quyết bài toán này một cách căn cơ và có hệ thống, theo ông Sơn, chính sách không thể dừng ở việc điều chỉnh giá, mà cần đồng thời cải cách thể chế – đặc biệt là tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và nhất quán. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được xem là một tín hiệu chính sách quan trọng, mở đường cho những thay đổi mạnh mẽ và thực chất trong ngành điện.

Chuyên gia Hà Đăng Sơn: "Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới ban hành là một bước ngoặt rất quan trọng. Nghị quyết này nêu rõ các nhiệm vụ: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo minh bạch, thông thoáng, dễ tiếp cận; Khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong thực thi chính sách, giữa Trung ương – địa phương, và giữa các bộ, ngành; Thử nghiệm các mô hình cơ chế đặc biệt cho các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, điện hydrogen…; Xác lập cơ chế thanh toán, hợp đồng, giá bán rõ ràng, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – đầu tư; Tăng khả năng tiếp cận vốn cho các dự án điện. Nếu thực hiện đầy đủ và đúng tinh thần của Nghị quyết 68, tôi tin rằng các vướng mắc lớn trong ngành điện sẽ dần được tháo gỡ một cách căn cơ và bền vững."

Mở đường cho khu vực tư nhân kiến tạo tương lai năng lượng Việt Nam

Nghị quyết 68 đã xác lập rõ định hướng cải thiện thể chế, tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực chiến lược, trong đó có năng lượng. Nếu được triển khai nhất quán và quyết liệt, nghị quyết này sẽ không chỉ góp phần giải quyết các điểm nghẽn lâu nay trong ngành điện, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân – những chủ thể năng động, sáng tạo và tiên phong trong kiến tạo tương lai năng lượng Việt Nam.

Đào Tuấn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/mo-duong-cho-khu-vuc-tu-nhan-kien-tao-tuong-lai-nang-luong-viet-nam-102250507180825731.htm
Zalo