Mở đường cho đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ

Chiều 13.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Với 49 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, phản ánh sự quan tâm lớn của Quốc hội đối với dự thảo luật có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức và xây dựng nền tảng khoa học công nghệ vững chắc cho quốc gia.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – “cánh cửa” cho công nghệ mới

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc đưa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vào luật là bước đột phá quan trọng. Tại Điều 23 của dự thảo, cơ chế này cho phép triển khai thử nghiệm có rủi ro trong phạm vi được kiểm soát, qua đó khuyến khích sáng tạo và thử nghiệm cái mới mà không bị xử phạt ngay nếu xảy ra sai sót.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc đưa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vào luật là bước đột phá quan trọng

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc đưa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vào luật là bước đột phá quan trọng

Bà Trân nhận định, trên thực tế nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu đã không được ứng dụng vào thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm niềm tin vào đầu tư khoa học. Việc luật hóa cơ chế thử nghiệm sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để các mô hình công nghệ mới – như AI, y tế số, chuyển đổi số – được ra đời và phát triển an toàn, hợp pháp và hiệu quả.

Đại biểu đề xuất cần quy định rõ đối tượng được phép thử nghiệm, cơ chế miễn xử lý đối với những sơ suất trong phạm vi thử nghiệm, cũng như vai trò điều phối của Chính phủ trong việc phê duyệt, kiểm soát và đánh giá thử nghiệm một cách minh bạch, đồng bộ và công khai.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong đổi mới sáng tạo, bởi bản chất của nghiên cứu là có thể thất bại. Tuy nhiên, bà cảnh báo nếu thiếu cơ chế minh bạch, quy định này có thể bị lạm dụng. Đại biểu đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (như sai số, thất bại trong thử nghiệm) với những hành vi sai phạm nghiêm trọng (như gian lận, vi phạm đạo đức nghiên cứu).

Đồng thời, bà đề xuất thành lập hội đồng đánh giá rủi ro chuyên sâu và độc lập; xây dựng quỹ riêng dành cho nghiên cứu mạo hiểm theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đặt trọng tâm vào tiềm năng sáng tạo thay vì chỉ căn cứ vào kết quả đầu ra.

Hoàn thiện cơ chế miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong hoạt động thử nghiệm

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh, dự thảo Luật đã bước đầu thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo ông, quy định tại Điều 21 mới chỉ loại trừ ba loại trách nhiệm pháp lý – dân sự, hành chính và hình sự – đối với cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp được phép thử nghiệm. Trong khi đó, trách nhiệm kỷ luật chưa được đề cập.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú phát biểu góp ý cho dự thảo Luật

Đại biểu Nguyễn Danh Tú phát biểu góp ý cho dự thảo Luật

Ông đề nghị bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân đã thực hiện đầy đủ quy trình thử nghiệm theo đúng quy định, tránh việc bị xử lý kỷ luật dù không có vi phạm chủ quan. Ngoài ra, cần đảm bảo cá nhân được cấp phép thử nghiệm cũng được hưởng cơ chế miễn trừ tương tự tổ chức và doanh nghiệp, đúng với tinh thần của Nghị quyết 57.

Phát biểu tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, “Khoa học công nghệ có mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn vươn lên thành cường quốc phải đi đầu trong lĩnh vực này.”

Đánh giá cao 28 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng cho biết ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống người dân và tạo nền móng cho nền kinh tế sáng tạo, tự chủ và bền vững.

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/mo-duong-cho-doi-moi-sang-tao-va-phat-trien-cong-nghe-134394.html
Zalo