'Mở cửa' công nghiệp đường sắt
Theo các chuyên gia, để sớm phát triển công nghiệp đường sắt, cần tranh thủ sự ủng hộ và tham gia của các doanh nghiệp trong nước.

Ảnh minh họa đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: AI
Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị tới đây rất lớn, các doanh nghiệp Việt đều nhận định đây là cơ hội lớn để làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt. Không chỉ các doanh nghiệp xây dựng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất vật liệu cũng đã và đang rốt ráo "bắt tay" những phần việc cụ thể từ đào tạo nhân lực đến lên phương án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát sẽ đầu tư nhà máy sản xuất thép ray đặt tại Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ tập trung sản xuất các loại thép ray để làm đường ray, ga tàu, hầm chui… Với dự án sản xuất thép chất lượng cao này, Hòa Phát mong muốn không chỉ tham gia vào Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam mà sẽ đóng góp vào tất cả dự án trọng điểm của ngành đường sắt.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp đường sắt còn thấp, chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Công nghiệp đường sắt chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho đường sắt hiện hữu với công nghệ cũ. Hầu hết thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu phải nhập khẩu, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết, theo định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhu cầu sản phẩm công nghiệp đường sắt tập trung ở 4 nhóm: công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt (gồm hạ tầng dưới ray như cầu, đường, hầm và kiến trúc nhà ga; sản xuất vật liệu là ray, ghi, tà vẹt); đầu máy, toa xe; hệ thống thông tin, tín hiệu cho đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa; hệ thống điện sức kéo (gồm đường truyền, trạm biến áp, cấp điện cho phương tiện). Liên quan đến cơ khí, công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt cần khoảng 28,7 triệu m ray; 11.680 bộ ghi; 46 triệu thanh tà vẹt…
Với lượng công việc lớn như vậy, PGS. TS Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng cho rằng, cần xây dựng được lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia gắn liền với việc phát triển mạng lưới đường sắt với tầm nhìn đủ dài; đồng thời thực hiện một cách nhất quán và kiên định.