Ô tô cũ nhập khẩu: Lợi bất cập hại cho châu Phi
Ô tô đã qua sử dụng chiếm 60% số xe được đăng ký hàng năm tại châu Phi, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm, an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng.
Trang tin của Viện các vấn đề quốc tế Australia (AIIA) vừa có bài viết cho biết theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), xe đã qua sử dụng chiếm 60% số xe được đăng ký hàng năm tại châu Phi.
Tuy nhiên, những chiếc xe này tiểm ẩn nhiều nguy cơ. Đầu tiên, chúng chủ yếu chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và thường quá cũ, gây ô nhiễm cao, dễ bị trục trặc và va chạm, từ đó gây ra các vấn đề về sức khỏe cộng đồng và môi trường, bao gồm chấn thương, bệnh hô hấp và tim mạch.
Thứ hai, những người làm việc trong lĩnh vực xử lý chất thải thường có ít hoặc không có thiết bị bảo hộ, khiến những người lao động này phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và an toàn cá nhân, nghề nghiệp, dẫn đến các bệnh mãn tính và truyền nhiễm.
Ngoài ra, một lượng lớn xe đã qua sử dụng xuất khẩu sang châu Phi cuối cùng lại được đưa đến các bãi chôn lấp do năng lực quản lý chất thải của khu vực không đủ. Những hoạt động quản lý chất thải không phù hợp này thường gây ô nhiễm nước, đất, thực phẩm, không khí và các dạng ô nhiễm khác cho những nhóm dân cư và cộng đồng ở gần đó.
Ngày nay, mối lo ngại ngày càng tăng khi các nước giàu bắt buộc phải sử dụng xe điện (EV) để đẩy lùi các cuộc khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, nên nhiều xe động cơ đốt trong (ICEV) cũ, lỗi thời, không an toàn… sẽ được xuất khẩu sang châu Phi và các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình khác. Thực tế này làm suy yếu các mục tiêu toàn cầu là hướng tới giao thông an toàn và ít carbon. Chính vì vậy, cần phải quản lý tốt hơn việc xuất khẩu xe đã qua sử dụng.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Anh cung cấp tổng cộng 90% xe đã qua sử dụng cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (ngoài EU), trong đó châu Phi là điểm đến của 40% xe hạng nhẹ đã qua sử dụng được xuất khẩu. Khi các nền kinh tế giàu có này điện khí hóa hệ thống giao thông của họ, một số lượng lớn hơn nữa các xe đã qua sử dụng sẽ “cập bến” châu Phi.
Ngoài ra, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng thị trường xe đã qua sử dụng kể từ khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vào năm 2019. Bốn quốc gia châu Phi – Angola, Benin, Djibouti và Nigeria được xếp hạng trong 5 điểm đến hàng đầu cho xe đã qua sử dụng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2021.
Năm 2023, các nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Giao thông Quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán xuất khẩu xe đã qua sử dụng của Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi có thể vượt qua xuất khẩu của tất cả các quốc gia OECD cộng lại trong 10 năm tới. Phân tích của họ cũng chỉ ra rằng đến năm 2050, 15-20% xe ở châu Phi có thể đã được sử dụng lần đầu tiên tại Trung Quốc.
Châu Phi đang trải qua một sự thay đổi rõ rệt trong thành phần phương tiện, với xe hai bánh và ba bánh ngày càng thay thế xe bốn bánh trở thành phương tiện giao thông chủ yếu. Châu Phi hiện chiếm khoảng 20% số xe máy đã đăng ký trên thế giới, nhưng chỉ chiếm 2% lượng xe ô tô toàn cầu. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi khả năng chi trả, khả năng cơ động và tiện ích của xe máy ở các trung tâm đô thị đông dân và các khu vực vận tải phi chính thức. Điều quan trọng là hơn 90% số xe máy này được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, bằng chứng thực nghiệm cho thấy xe máy do các nhà sản xuất Trung Quốc và Ấn Độ xuất khẩu sang châu Phi thường không phù hợp với điều kiện địa phương, với các thông số kỹ thuật thiết kế không đáp ứng được các hoạt động thương mại thường xuyên quá tải và sử dụng nhiều trên địa hình đường gồ ghề. Do đó, tuổi thọ thực tế của những phương tiện này, đặc biệt là pin của chúng, có thể giảm đáng kể so với mốc thời gian mà nhà sản xuất quảng cáo.
Việc thiếu cơ sở hạ tầng vững chắc và năng lực kỹ thuật chuyên biệt để quản lý tình trạng pin càng khiến xe máy điện và các bộ phận pin bị xuống cấp sớm. Khi lượng nhập khẩu tăng lên, lượng pin độc hại và các chất thải linh kiện khác cũng tăng theo. Điều này có thể gây ra những rủi ro đáng kể về mặt xã hội - môi trường.
Những rủi ro này còn phức tạp hơn khi các cơ sở tái chế và xử lý an toàn ở nhiều quốc gia châu Phi vẫn còn non trẻ. Tình trạng này làm dấy lên những câu hỏi cấp bách về tính bền vững lâu dài của các chiến lược điện khí hóa hiện tại trong lĩnh vực vận tải ở châu Phi.