Mở cửa các thị trường xuất khẩu giúp dừa tự tin hướng tới kim ngạch 'tỷ đô'

Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ để xuất khẩu đi Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Các hiệp định thương mại được ký kết đang tạo điều kiện thuận lợi để dừa thực sự trở thành cây công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đòi hỏi cần có chiến lượng phát triển bền vững để các sản phẩm từ dừa đáp ứng được tiêu chí ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 13/12.

Đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: Càphê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa).

Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và được kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu diện tích dừa trên toàn quốc đạt trên 200.000 ha. Các vùng trồng dừa trọng điểm là Đồng bằng Sông Cửu Long (175.000ha) và Duyên hải Nam Trung bộ.

Thời gian qua, phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm. Nhà chức trách đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đầu tư phát triển công tác nghiên cứu giống, quy trình canh tác như phối hợp Đại học Trà Vinh nghiên cứu lai tạo giống dừa để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển, đạt được các mục tiêu đề ra.

 Ký kết hợp đồng mua bán dừa giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Ký kết hợp đồng mua bán dừa giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Bà Thủy cho biết nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa, phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam và từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng.

Cần cập nhật và tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu

Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Đây là lợi thế lớn trong xuất khẩu dừa của Việt Nam.

Trong nhóm thị trường trọng điểm, Trung Quốc hiện đang là thị trường có nhu cầu lớn nhất và có nhiều thuận lợi. Vào tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam.

Lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa sang thị trường Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS) Việt Nam cho biết dừa tươi xuất khẩu gồm dừa có vỏ xanh và dừa đã gọt phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên cổng CIFER.

“Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%,” ông Nam nói.

 Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cung cấp thêm thông tin về các quy định của Trung Quốc, ông Nam cho hay Trung Quốc không có chính sách MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng) mặc định, không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Thay vào đó, Trung Quốc cập nhật quy định 2 năm một lần và liên tục bổ sung các MRL mới.

Chia sẻ thêm các hướng dẫn xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật Sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật nhấn mạnh các lô hàng trước khi xuất khẩu sẽ được lấy mẫu kiểm dịch thực vật, nêu không đạt yêu cầu, như phát hiện sinh vật gây hại còn sống, có tàn dư thực vật, hoặc không tuân thủ tiêu chuẩn, sẽ bị từ chối xuất khẩu. Chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp theo tiêu chuẩn ISPM 12 với nội dung ghi rõ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được phê duyệt.

“Tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra hồ sơ và giấy tờ để hoàn tất quy trình kiểm dịch. Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng có thể tiến hành đánh giá bổ sung, kiểm tra vùng trồng và cơ sở đóng gói, hoặc cử chuyên gia sang Việt Nam để giám sát. Phía Việt Nam sẽ hợp tác và chịu mọi chi phí liên quan,” bà Hiền cho hay.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến thị trường Trung Quốc mà cần cập nhật các thông báo của thị trường EU. Trong năm 2024, thị trường này có 3 thông báo thay đổi MRL của các hoạt chất: Fenbuconazole, Penconazole và Zoxamide. Dù xuất khẩu đi thị trường nào cũng phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu của thị trường đó.

Hiện, dừa tươi Việt Nam đã xuất khẩu sang 15 thị trường trên thế giới. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhấn mạnh: “Với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây dừa đã trở thành một cây công nghiệp do đó chiến lược và phát triển định hướng cây dừa cũng sẽ có những điểm khác. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các FTA thế hệ mới nên đã đến lúc chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không còn là hạ giá”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/mo-cua-cac-thi-truong-xuat-khau-giup-dua-tu-tin-huong-toi-kim-ngach-ty-do-post1001905.vnp
Zalo