Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách: Không đơn thuần là chuyện cần câu hay con cá (bài 2)

Tín dụng chính sách càng phát huy được hiệu quả khi có sự chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội với Chỉ thị số 40-CT/TW, tập trung các nguồn lực hướng về Nhân dân không để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị bỏ lại phía sau.

Bài 2: Hướng tín dụng về Nhân dân

Một mũi tên trúng nhiều đích

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh tại Chỉ thị 40. Điều này thể hiện rõ nhất trong mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng mang tính đặc thù, gắn kết chặt chẽ các tổ chức này trong hoạt động tín dụng chính sách.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thông qua hoạt động ủy thác, tổ chức chính trị xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng xã hội. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm; chủ động vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống; từng bước tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa và quan hệ tín dụng “có vay - có trả”; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ cấp phát, cho không của Nhà nước.

Các tổ chức chính trị xã hội cũng có điều kiện lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; hỗ trợ hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Từ đó, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động hội; thu hút, tập hợp hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở; cán bộ hội có điều kiện nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, quản lý tài chính, tín dụng…

Gắn kết mối quan hệ giữa cán bộ tín dụng và người dân

Gắn kết mối quan hệ giữa cán bộ tín dụng và người dân

Và với sự đồng hành đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đến được với người dân tại 141 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, không có thôn, bản trắng tín dụng chính sách. Chất lượng tín dụng nhờ đó cũng đã được nâng cao. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.329 tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiệm vụ kết nối hội viên góp phần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng thời hạn.

Lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, ngoài thực hiện tuyên truyền về sử dụng vốn hiệu quả, Hội còn song hành với các hoạt động vận động phụ nữ chuyển đổi hành vi - thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội đã tranh thủ nhiều nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực, phối hợp truyền thông thúc đẩy thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Với sự vận dụng sáng tạo, Hội đã giúp phụ nữ từng bước thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo, chủ động vay vốn tín dụng mở rộng hoạt động kinh doanh, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với mô hình khởi nghiệp của mình, giúp phát triển kinh tế bền vững, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Tăng cường nguồn lực đầu tư

Một trong bốn nội dung quan trọng được nhắc đến trong Chỉ thị 40 của Ban Bí thư là tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của NHCSXH. HĐND, UBND các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn vay vốn.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và 3 năm thực hiện Kết luận 06, nguồn vốn cho hoạt động tín dụng chính sách đang được ưu tiên. Nhìn từ góc độ vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tập trung nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho vay dưới nhiều hình thức: bố trí ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp vốn thực hiện một số chương trình tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước (tiền gửi 2%); có cơ chế nâng hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; cấp bù chênh lệch lãi suất đối với nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường… Thì tại các địa phương, việc quan tâm, ủy thác vốn qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay cũng được triển khai.

Tín dụng chính sách nối dài những giấc mơ

Tín dụng chính sách nối dài những giấc mơ

Số liệu từ NHCSXH Việt Nam cho thấy, hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với tỷ lệ 12,7%/tổng số vốn. Và tại Thừa Thiên Huế con số này dù có khiêm tốn hơn nhưng vẫn khẳng định được sự nhập cuộc của các tổ chức, cơ sở Đảng trong vai trò chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc của chính quyền các cấp đã góp phần quan trọng đưa nguồn vốn tín dụng chính sách phủ sóng khắp các vùng núi, vùng biển, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cấp tỉnh đến cấp huyện chuyển sang NHCSXH tỉnh không ngừng tăng lên, tất cả các địa phương cấp huyện đều đã trích ngân sách địa phương hàng năm chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay theo định hướng của địa phương.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 272,4 tỷ đồng, tăng 240,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40, trong đó nguồn vốn ủy thác cấp tỉnh là 175,4 tỷ đồng, tăng 151,6 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác địa phương cấp huyện là 91,5 tỷ đồng, tăng 89,2 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị; nguồn vốn chủ đầu tư khác 5,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đầu năm 2024, tỉnh đã bổ sung 40 tỷ đồng sang NHCSXH chi nhánh tỉnh để cho vay đối với chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho vay người chấp hành xong án phạt tù.

Ngoài nguồn vốn ủy thác từ cấp tỉnh, huyện, nhiều địa phương cấp xã tại Thừa Thiên Huế cũng đã mạnh dạn, tận dụng nguồn vốn kết dư từ dự án phi chính phủ tài trợ ủy thác sang NHCSXH để cho vay một số chương trình ưu tiên của địa phương. Có thể kể tên xã Phú Mậu, TP Huế; phường Hương Xuân, Hương Vân, Hương Văn thuộc thị xã Hương Trà…

Ông Trần Lưu Đức - Chủ tịch UBND phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế cho hay, năm 2017, tận dụng nguồn vốn kết dư từ dự án phi chính phủ tài trợ, UBND phường Hương Xuân đã thu hồi và chuyển giao số tiền 149 triệu đồng sang NHCSXH thị xã để bổ sung thêm nguồn vốn giải quyết nhu cầu vay của các hộ dân trên địa bàn phường. Dù nguồn vốn này không lớn nhưng cũng phần nào bổ sung được thêm nguồn lực giải quyết nhu cầu vốn tại chỗ cho người dân. Cùng với bổ sung vốn, Đảng ủy, UBND phường đã tăng cường tuyên truyền huy động người dân tham gia gửi tiết kiệm, huy động thêm nguồn lực để đồng hành tốt nhất cùng hoạt động tín dụng chính sách.

Thực tế, việc xác định rõ về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đó là lý do Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế định hướng sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, Kết luận 06, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Việc lan tỏa phong trào "Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và đông đảo Nhân dân trên địa bàn là minh chứng rõ nét cho sự đồng hành tạo lập nguồn vốn cho tín dụng chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Tập trung nguồn lực về một đầu mối giao NHCSXH quản lý, chuyển dần hướng sang thực hiện hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi thay vì cho không, tăng tỷ lệ nguồn vốn ủy thác địa phương. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả tích cực, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 tại Thừa Thiên Huế.

Hoàng Loan

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-huy-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-khong-don-thuan-la-chuyen-can-cau-hay-con-ca-bai-2-158805.html
Zalo