Minh bạch hơn chất lượng tài sản nhà băng
Với lộ trình gần 2 năm để các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng cho các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn có thể là tín hiệu tích cực.
Biện pháp tình thế
Những tuần cuối năm, câu hỏi được không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đặt ra là, liệu Thông tư 02/2023/TT-NHNN có tiếp tục được gia hạn (so với thời điểm 31/12/2024) hay không. Liên quan đến Thông tư 02, vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm liên quan đến việc giấu nợ xấu. Nhiều người e ngại rằng, nếu Thông tư 02 không được gia hạn, từ đầu năm tới, ngành ngân hàng sẽ lộ ra những khoản nợ xấu lớn.
Để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của Thông tư 02, có lẽ cần quay lại mục đích ban đầu của thông tư này. Đầu năm 2023, sau một năm 2022 đầy khó khăn, thách thức do hậu quả từ giai đoạn đại dịch Covid-19 để lại, nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề thanh khoản hoặc khó khăn tạm thời trong kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN với mục tiêu hỗ trợ các tổ chức tín dụng và khách hàng. Theo đó, Thông tư cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là giải pháp có ý nghĩa to lớn, vừa giảm áp lực tài chính trước mắt cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng.
Rõ ràng, Thông tư 02 là một biện pháp “trì hoãn” thời hạn trả nợ cũng như ghi nhận nợ xấu cho các khách hàng của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia phân tích đều chung nhận định, đây không chỉ là đặc thù của Việt Nam, mà còn phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á. Các ngân hàng trung ương thường áp dụng các chính sách như vậy để thị trường có thêm thời gian phục hồi. Thông tư này cũng mang một sứ mệnh quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng vượt qua khó khăn và giúp các ngân hàng cơ cấu lại danh mục tín dụng của mình.
Dẫu vậy, điểm lưu ý của Thông tư 02 là, dù các doanh nghiệp được giữ nguyên nhóm nợ, nhưng tổ chức tín dụng vẫn phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này. Cụ thể, đến ngày 31/12/2023, tối thiểu 50% dự phòng phải được trích lập và đến ngày 31/12/2024, 100% số tiền dự phòng phải hoàn tất. Nói cách khác, chi phí trích lập đã được ghi nhận trong hai năm qua, chứ không phải đến khi hết thời gian cơ cấu nợ, lộ ra các khoản nợ xấu từng được cơ cấu, ngân hàng mới trích lập dự phòng.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết cũng cho thấy, chi phí dự phòng quý I/2024 của nhóm này tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; quý II/2024 ghi nhận mức tăng 15,7%; quý III/2024 tăng 9,7%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, chi phí dự phòng của các ngân hàng niêm yết tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Đáng chú ý, có sự khác biệt đáng kể về chi phí dự phòng giữa các ngân hàng tư nhân và ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối.
Cụ thể, tăng trưởng mạnh mẽ của thu nhập lãi thuần (NII) đã hỗ trợ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân linh hoạt hơn để tăng cường bộ đệm dự phòng, dẫn đến chi phí dự phòng quý III/2024 tăng 23,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước đã chủ động giảm chi phí dự phòng trong quý III/2024 (giảm 5,6% so với cùng kỳ) để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, lợi nhuận ròng của các ngân hàng có vốn Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lần lượt tăng 19,4% so với cùng kỳ và 16,7% so với cùng kỳ.
“Nhìn chung, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 và 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 16,2% và 17,6% so với cùng kỳ. Trong quý cuối cùng của năm 2024, với nợ xấu được kiểm soát và tỷ lệ dự phòng phần nào được cải thiện, các ngân hàng niêm yết không còn động lực để tăng cường trích lập dự phòng, khiến chi phí trích lập dự phòng của ngành dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định.
Tín hiệu tốt nếu không được gia hạn thêm
Những thông tin trên phần nào cho thấy, từ ngày 31/12/2024, các khoản nợ cơ cấu có đầy đủ dự phòng sẽ giúp các ngân hàng ổn định tài chính và giảm phụ thuộc vào Thông tư 02. Thực tế thị trường đã có gần 2 năm để chuẩn bị cho tình huống không gia hạn Thông tư 02.
“Nếu chính sách này không được gia hạn, tôi cho rằng, đó còn là một tín hiệu tích cực. Khi quyết định không trì hoãn thêm, Ngân hàng Nhà nước đã có đủ thông tin và sự tự tin để thực hiện chính sách”, ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nêu quan điểm.
Việc không gia hạn Thông tư 02 còn được thị trường nhận định sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại đầu tư vào các ngân hàng, bởi luôn đánh giá cao sự minh bạch. Việc không rõ ngân hàng nào đang giấu bao nhiêu nợ xấu, ngân hàng nào trích lập đúng hay không đúng khiến thông tin trở nên bất cân xứng. Chiến lược đầu tư vào ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ dựa trên hiệu quả kinh doanh, mà còn phải cân nhắc đến các yếu tố vĩ mô và sự chuyển dịch trong dòng vốn quốc tế. Đây là lý do tại sao nhóm ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng có chiến lược tăng trưởng bền vững thường thu hút sự quan tâm lớn hơn từ các quỹ đầu tư so với các ngân hàng tập trung vào tín dụng cá nhân - vốn đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biến động kinh tế, đặc biệt là khi tiêu dùng chưa hoàn toàn phục hồi.
Đây là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu ngân hàng, đẩy định giá cổ phiếu ngân hàng xuống mức thấp. Hiện nay, định giá cổ phiếu ngân hàng dao động trong vùng trung bình 1 - 1,2 lần giá trị sổ sách, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Dù các ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận nhưng chất lượng lợi nhuận lại là vấn đề.
Theo ông Ân, để cổ phiếu ngành ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc rất lớn vào chính sách trích lập dự phòng của từng ngân hàng. Nếu Thông tư 02 không được gia hạn, nhà đầu tư sẽ có cơ hội nhìn rõ hơn bức tranh toàn cảnh về sức khỏe tài chính của nhà băng. Những gì tốt sẽ tiếp tục tốt, những gì xấu sẽ lộ rõ, tạo cơ sở cho thị trường đánh giá minh bạch hơn. Việc không gia hạn Thông tư 02 sẽ là một bước đi tích cực, giúp giảm sự phụ thuộc vào các biện pháp trì hoãn. Khi thị trường trở nên rõ ràng hơn, mức độ rủi ro sẽ được phản ánh chính xác hơn trong định giá.
“Tôi cho rằng không gia hạn Thông tư 02 là một quyết định đúng đắn, mang lại niềm tin cho cả thị trường trong nước và quốc tế”, ông Ân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Hiền nói: “Nếu tiếp tục kéo dài Thông tư 02, số liệu nợ xấu sẽ luôn không rõ ràng, không mang tính chất xếp loại ngân hàng, cũng như giảm niềm tin của nhà đầu tư vào các ngân hàng đang niêm yết”.
Thực tế, trên thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư rất quan tâm đến cổ phiếu ngành ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng 1.600 công ty niêm yết, nhưng chỉ có 27 ngân hàng trong số đó. Mặc dù số lượng ít, 27 ngân hàng này lại chiếm tới 40% vốn hóa và hơn 50% lợi nhuận toàn thị trường. Điều này cho thấy vai trò vô cùng quan trọng và sức ảnh hưởng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.