Mildred Harnack, nữ điệp viên bí ẩn bị chính Hitler ra lệnh xử tử

Bị xử tử theo lệnh của chính Hitler, Mildred Harnack là điệp viên tầm cỡ trong Thế chiến thứ hai. Nhưng có một nghịch lý: Nhà tình báo nữ huyền thoại này lại không được hậu thế biết đến nhiều suốt nhiều thập kỷ sau đó.

Phiên tòa đặc biệt ở Tòa án binh

Chỉ ít phút trước thời điểm 9 giờ sáng ngày 15/12/1942, Mildred Harnack bước vào phòng xử án ở Berlin. Cô mặc một chiếc áo khoác và váy bằng len màu xám. Mái tóc dài màu lúa mì của cô được buộc gọn gàng. Cô đã trải qua 3 tháng rưỡi bị nhốt trong một phòng giam ẩm ướt, và mặc dù đã cố gắng hết sức để làm cho mình trông chỉn chu, cô vẫn không thể che giấu được là mình bị bệnh.

Một cơn ho dai dẳng hành hạ cô, nhắc nhở rằng cô đã mắc bệnh lao trong tù. Cơ thể cô đầy rẫy dấu vết tra tấn. Cô là một ngoại lệ tại Reichskriegsgericht - hay Tòa án quân sự Đế chế, một cơ quan của Bộ Tư lệnh tối cao quân đội phát xít Đức. Thông thường, các bị cáo bị đưa đến phòng xử án này là những người lính Đức bị buộc tội đào ngũ, hoặc các sĩ quan bị buộc tội bất tuân lệnh. Nhưng Mildred Harnack là một thường dân người Mỹ.

Vợ chồng Mildred và Arvid Harnack thời còn hoạt động trong phong trào ngầm chống Phát xít Đức. Ảnh: UW-Madison News.

Vợ chồng Mildred và Arvid Harnack thời còn hoạt động trong phong trào ngầm chống Phát xít Đức. Ảnh: UW-Madison News.

Sinh ra và lớn lên tại Milwaukee (Mỹ), Mildred Harnack theo học tại Đại học Wisconsin, nơi cô gặp người chồng Đức của mình, Arvid, cũng là một nghiên cứu sinh. Cô theo chồng trở về Đức vào tháng 6/1929 và đăng ký vào chương trình tiến sĩ của Đức ngay trước khi Hitler trở thành thủ tướng vào năm 1933. Lo lắng về sự nổi tiếng của Hitler, cặp đôi bắt đầu tổ chức các cuộc họp bí mật tại căn hộ của họ ở Berlin để thảo luận về cách tốt nhất để chống lại đảng Quốc xã.

Khởi đầu như một nhóm nhỏ, gồm sinh viên, bạn bè và bạn của bạn bè, họ đã phát triển trong suốt 1 thập kỷ, giao thoa với các nhóm kháng chiến khác. Các chiến lược của họ rất đa dạng. Họ sản xuất và phân phát tờ rơi lên án chế độ Quốc xã và kêu gọi cách mạng. Họ giúp người Do Thái trốn khỏi Đức bằng cách đảm bảo thị thực nhập cư thông qua các kênh ngoại giao hoặc làm giả thẻ căn cước và giấy tờ xuất cảnh. Một số người âm mưu phá hoại. Một số người đã có được thông tin tuyệt mật về các diễn biến chính trị, kinh tế và quân sự của Đức, và một số đã chuyển thông tin tình báo này cho kẻ thù của Hitler. Mildred Harnack đã tham gia vào hầu hết mọi hoạt động đó.

Theo luật hình sự của phát xít Đức, có hai loại phản quốc: phản quốc chống lại chính phủ (Hochverrat) và phản quốc chống lại đất nước (Landesverrat). Loại trước bị phạt tù từ 3 đến 5 năm; loại sau bị phạt tử hình. Công tố viên - người có biệt danh “Chó săn khát máu của Hitler” - đã buộc tội Mildred Harnack và những đồng sự người Đức của cô là thành viên của một mạng lưới gián điệp Liên Xô rộng lớn bao gồm các điệp viên dày dạn kinh nghiệm ở Moscow, Paris, Geneva và Brussels. Hắn đặt cho nhóm một cái tên: Rote Kapelle, tức “Dàn nhạc Đỏ”. Mildred chưa bao giờ nghe đến cái tên này, và những người khác trong nhóm kháng chiến của cô cũng chưa từng nghe đến.

Một con tem Đông Đức được phát hành năm 1964 để vinh danh vợ chồng Mildred và Arvid Harnack. Trong thời Chiến tranh Lạnh, thông tin về bà bị phương Tây giấu kỹ. Ảnh: Wikimedia.

Một con tem Đông Đức được phát hành năm 1964 để vinh danh vợ chồng Mildred và Arvid Harnack. Trong thời Chiến tranh Lạnh, thông tin về bà bị phương Tây giấu kỹ. Ảnh: Wikimedia.

Đường đến với cuộc chiến chống phát xít

Hơn một thập kỷ trước đó, Mildred Harnack là một nghiên cứu sinh 29 tuổi đang giảng về tiểu thuyết Mỹ tại Đại học Berlin trong khi theo đuổi luận án tiến sĩ. Cô không che giấu quan điểm chính trị của mình. Theo cô, chủ nghĩa tư bản đã sụp đổ. Cuộc “Đại suy thoái” tàn phá cuộc sống của rất nhiều người Mỹ, và người Đức cũng chịu chung số phận: Mỗi ngày cô đều gặp những người Berlin rách rưới, ăn xin, đói khổ.

Các bài giảng tại trường đại học của cô chuyển từ tiểu thuyết của William Faulkner sang sự thống khổ của người nghèo ở Đức và sự trỗi dậy đáng lo ngại của Đảng Quốc xã. Tại Đại học Berlin, cô luôn để mắt đến những sinh viên Đức có vẻ phản đối Đức Quốc xã. Bằng cách thăm dò phản ứng của sinh viên đối với các bài giảng của mình, bao gồm các câu hỏi khai thác về bầu không khí chính trị của Đức, cô đánh giá được những ai có thể tuyển dụng vào phong trào ngầm.

Vào mùa hè năm 1932, Mildred bị đuổi khỏi Đại học Berlin vì khuyến khích sinh viên bày tỏ niềm tin chính trị. Mùa thu năm đó, Mildred bắt đầu giảng dạy tại Berliner Stadtisches Abendgymnasium fur Erwachsene - Trường bổ túc ban đêm Berlin dành cho người lớn, có biệt danh là BAG. BAG tuyển sinh những người Đức thuộc tầng lớp lao động và thất nghiệp, một bộ phận dân số mà đảng Quốc xã không ngừng nhắm tới bằng tuyên truyền. Cô tiếp tục sử dụng lớp học như một diễn đàn để thảo luận chính trị và là nguồn tuyển dụng. Trên thực tế, một số tân binh của Mildred từ BAG nằm trong số những thành viên tận tụy nhất của nhóm kháng chiến của họ, mà cô gọi riêng là “The Circle”.

Sinh năm 1902 tại Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ) với tên nhũ danh là Mildred Fish, nữ điệp viên huyền thoại này sau đó theo chồng là Arvid Harnack về Đức sống. Ảnh: CBC.

Sinh năm 1902 tại Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ) với tên nhũ danh là Mildred Fish, nữ điệp viên huyền thoại này sau đó theo chồng là Arvid Harnack về Đức sống. Ảnh: CBC.

Circle phối hợp với ba nhóm kháng chiến khác - Tat Kreis, Rittmeister Kreis và Gegner Kreis - tạo thành một chuỗi liên kết. Họ gồm công nhân nhà máy và nhân viên văn phòng, sinh viên và giáo sư, nhà báo và nghệ sĩ. Họ là người Do Thái, Công giáo, Tin lành, vô thần. Ban đầu, vũ khí họ chọn là tờ rơi chống Đức Quốc xã. Họ nhét tờ rơi vào hộp thư, để chúng thành đống trong các nhà máy và nhà ga U-Bahn. Nhưng tờ rơi là một vũ khí yếu và dễ dàng khiến họ bị bắt. Mildred hy vọng sẽ hình thành một mạng lưới kháng chiến hiệu quả hơn, một mạng lưới mở rộng ra khắp biên giới nước Đức.

Đúng lúc đó, cô được thuê làm giám tuyển văn học cho nhà xuất bản Rutten & Loening có trụ sở tại Berlin. Công việc này là vỏ bọc hợp lý để Mildred đi đến các quốc gia khác và gặp gỡ những người liên lạc trong lực lượng kháng chiến. Hộ chiếu Mỹ của Mildred rất có giá trị, giúp cô đi lại tự do hơn những đồng chí người Đức. Cô đã đến Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy. Năm 1935, Arvid Harnack nhận được một công việc tại Bộ Kinh tế để có thể tiếp cận các tài liệu mật về các chiến lược hoạt động và quân sự của Hitler. Mildred và Arvid đều tham gia chuyển thông tin tình báo này cho các quốc gia khác.

Từ những hoạt động ấy, Mildred và những người khác trở thành một phần của mạng lưới gián điệp do NKVD - cảnh sát mật Liên Xô - và GRU, hay tình báo Hồng quân, điều hành. Mildred cũng cung cấp thông tin cho chính phủ Mỹ - điều được ghi chép trong các tài liệu lưu giữ tại Viện Hoover và kho lưu trữ Thư viện Tổng thống Franklin Roosevelt, và từ các cuộc phỏng vấn với những người sống sót sau cuộc kháng chiến.

Đến năm 1941, do đầu mối liên hệ chính với Đại sứ quán Mỹ bị cắt đứt, Mildred đã tham gia sâu hơn vào hoạt động gián điệp của Liên Xô. Trong 6 tháng trước đó, Arvid Harnack và Harro Schulze-Boysen, một trung úy Không quân Đức, đã gửi tới Moscow các báo cáo chi tiết về kế hoạch xâm lược Liên Xô của Hitler nhưng rất tiếc là đã bị Stalin bỏ qua. Mildred đã mã hóa các báo cáo được gửi bằng máy phát vô tuyến sóng ngắn đến trung tâm tại Moscow, và những người khác trong nhóm “The Circle” vận hành máy phát vô tuyến này. Nhưng do được đào tạo vội vàng, họ mắc khá nhiều lỗi về bảo mật.

Hình chụp phạm nhân Arvid Harnack trong hồ sơ của mật vụ Đức Gestapo. Ảnh: Times of Israel.

Hình chụp phạm nhân Arvid Harnack trong hồ sơ của mật vụ Đức Gestapo. Ảnh: Times of Israel.

Bị bắt, bị xử tử và bị chôn vùi danh tính

Bốn ngày sau khi Chiến dịch Barbarossa, tức cuộc xâm lược của Đức vào Liên Xô, bắt đầu (22/6/1941), Funkabwehr - bộ phận trinh sát tín hiệu của tình báo quân sự Đức, đã chặn được một thông điệp mã hóa do một máy phát vô tuyến gửi đi. Một năm sau, Funkabwehr đã giải mã được mật mã này.

Từ đầu mối có được, Gestapo đã bắt giữ Harro Schulze-Boysen vào ngày 31/8/1942. Mildred và Arvid Harnack đã trốn khỏi Đức, lên kế hoạch chạy sang Thụy Điển. Một sĩ quan SS cấp cao tên là Horst Kopkow đã lái xe gần 1.000 km lần theo dấu vết của họ ở Lithuania và bắt được cặp đôi vào ngày 7/9/1942.

Mildred và Arvid bị giải về nhà tù dưới tầng hầm tại trụ sở Gestapo ở Berlin. Trong những tuần tiếp theo, các phòng giam chật kín những thành viên của “The Circle” bị bắt. Nhiều người Mildred chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp mà chỉ biết họ qua nhiệm vụ: người đưa tin, người giấu máy phát vô tuyến trong căn hộ của cô, người viết tờ rơi, người phân phát chúng… Toàn bộ đường dây của Mildred đã bị bóc dỡ.

Hình chụp phạm nhân Mildred Harnack trong hồ sơ của mật vụ Đức Gestapo. Ảnh: Times of Israel.

Hình chụp phạm nhân Mildred Harnack trong hồ sơ của mật vụ Đức Gestapo. Ảnh: Times of Israel.

Phiên tòa xét xử Mildred Harnack kéo dài 4 ngày. Vào ngày 19/12/1942, hội đồng gồm 5 thẩm phán đã kết cô là đồng phạm phản quốc và tuyên án 6 năm tù giam. Arvid và những người còn lại bị kết tội phản quốc và lĩnh án tử hình. Nhưng Hitler, người nhận được báo cáo hàng ngày về phiên tòa, đã bác bỏ bản án của Mildred và ra lệnh hành quyết cô. Ngày 16/2/1943, tại Nhà tù Plotzensee ở Berlin, cô bị xử tử bằng máy chém.

Vào năm 1946, Quân đoàn phản gián của Quân đội Mỹ (CIC) đã mở một cuộc điều tra về vụ hành quyết này và phát hiện Mildred Harnack đã tham gia sâu vào các hoạt động ngầm nhằm lật đổ phát xít Đức. Nhưng do tài liệu này được phân loại là S/R [bí mật/hạn chế], CIC dừng điều tra, chôn vùi câu chuyện của nữ điệp viên huyền thoại.

Sau Thế chiến 2, các cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã tuyển dụng những tên phát xít cấp cao, coi chúng là nguồn thông tin có giá trị về hoạt động của Liên Xô. Hai trong số những tên phát xít Đức này đã trực tiếp tham gia vào việc bắt giữ, truy tố, tra tấn và hành quyết Mildred Harnack. Những tiết lộ của chúng đóng vai trò lớn trong việc thay đổi cách mọi người nhớ đến bà. Nhưng do Mildred đã cộng tác với Liên Xô nên trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh, sự thật về bà vẫn không được phía Mỹ công bố.

Đến năm 1998, theo “Đạo luật Tiết lộ tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã”, CIA, FBI và Quân đội Mỹ bắt đầu công bố các hồ sơ từng được phân loại là tuyệt mật. Khi đó, hậu thế mới có góc nhìn và tài liệu đầy đủ để nhìn nhận Mildred Harnack với nhiều sắc thái và chiều sâu hơn. Theo tất cả các hồ sơ, bà là người Mỹ duy nhất trong ban lãnh đạo của lực lượng kháng chiến ngầm của Đức trong chế độ Quốc xã. Bà đã có nhiều cơ hội trở về Mỹ, nhưng đã chọn ở lại Đức và đánh đổi mạng sống của mình cho lý tưởng.

Tại Wisconsin, cơ quan lập pháp bang đã thiết lập “Ngày tưởng niệm Mildred Harnack”, gắn tên bà cho một ngôi trường và vào năm 2019, thành phố Madison đã dựng một tượng đài để tưởng nhớ bà là “Chiến sĩ kháng chiến Thế chiến II”.

QUANG ANH

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/mildred-harnack-nu-diep-vien-bi-an-bi-chinh-hitler-ra-lenh-xu-tu-i755406/
Zalo