Phá thế 'kiềng ba chân' của địch

Ngụy quân Sài Gòn xây dựng thế phòng thủ thành 'kiềng ba chân', gồm thị xã Phước Long, núi Bà Rá và chi khu Phước Bình trên cao điểm 242, với 3 tuyến cơ bản: Tuyến vành đai ngoại vi, tuyến kháng chính và tuyến tử thủ.

Trung tâm thị xã Phước Long gồm nhiều khu vực, có nhiều nhà cửa, đồn trú, chướng ngại phức tạp tạo thêm sự kiên cố, vững chắc. Muốn đánh chiếm được tiểu khu Phước Long, giải phóng thị xã, ta phải phá thế “chân kiềng”, đập tan tuyến phòng thủ ngoại vi của địch, thực hiện đánh “chặt chân, bóc vỏ”.

Quán triệt phương châm “táo bạo, linh hoạt”, ngày 27-12-1974, đồng chí Lê Nam Phong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7 hiện nay thuộc Quân khu 7) nhận và giao nhiệm vụ cho các đơn vị trên bản đồ. Ngay trong đêm 27-12, Trung đoàn 165, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, 2 khẩu đội pháo 105mm bí mật hành quân về khu cao điểm 234 ở Tây Nam Phước Bình 3km để chuẩn bị “bẻ chân kiềng” Phước Bình. Sáng 28-12, Trung đoàn 141 hành quân bằng ô tô, đưa Tiểu đoàn 3 tăng cường cho Trung đoàn 165, còn Trung đoàn 141 (thiếu Tiểu đoàn 3) áp vào phía Tây chuẩn bị đánh “bóc” vòng ngoài thị xã.

 Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ ở Sư đoàn 7, Quân khu 9. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ ở Sư đoàn 7, Quân khu 9. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Sáng 1-1-1975, hai cánh quân của Sư đoàn 7 thọc sâu, tiến công địch tại cầu Suối Dung và Tư Hiền; các cánh quân khác tiến công các ấp chiến lược và xung quanh các đồn, bốt phòng thủ của địch. Vòng vây thị xã Phước Long ngày càng khép chặt. Ta bắt đầu nổ súng tiến công vào thị xã Phước Long, tiêu diệt từng mục tiêu của địch. Quân địch tháo chạy về án ngữ cửa ngõ phía Nam thị xã củng cố tuyến phòng thủ Cây Đa phía Bắc cầu Suối Dung. Ta tiếp tục truy kích vượt cầu Suối Dung, địch dựa vào tuyến phòng thủ Cây Đa đánh trả quyết liệt. Đến ngày 3-1-1975, ta phá vỡ tuyến phòng thủ, đột kích vào trung tâm thị xã. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt trên từng căn nhà, góc phố. Sáng 6-1, sau pháo bắn cấp tập, các mũi, các hướng đồng loạt tiến công cùng với đơn vị bạn đập tan các ổ đề kháng của địch trên đường Cách Mạng, đường Đinh Tiên Hoàng, khu tâm lý chiến.

Khi thấy thời cơ đến, dù không có thêm xe tăng-thiết giáp, Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong đã chớp nhoáng hội ý trong Bộ tư lệnh Sư đoàn và táo bạo quyết định giao nhiệm vụ cho Đại đội 7 sử dụng 4 xe tăng thọc sâu. Chỉ huy Đại đội 7 cho 34 đồng chí ngồi trên xe tăng từ cầu Suối Dung dũng mãnh lao theo đường Mai Văn Mừng, lên đại lộ Cách Mạng, như mũi tên phóng thẳng vào trung tâm thị xã, làm cho kẻ địch bị bất ngờ đến nỗi khi bộ binh, xe tăng ta đánh chiếm ty cảnh sát, chúng mới kịp trở tay đối phó. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” được bộ đội ta cắm lên nóc dinh tỉnh trưởng Phước Long.

Các đơn vị Sư đoàn 7, Quân khu 7 tổ chức huấn luyện trên thao trường. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Các đơn vị Sư đoàn 7, Quân khu 7 tổ chức huấn luyện trên thao trường. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Chỉ huy Sư đoàn 7, Quân khu 7 kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật xe máy. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Chỉ huy Sư đoàn 7, Quân khu 7 kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật xe máy. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Đây là thắng lợi to lớn, toàn diện. Ta đã phát triển tiến công nhanh làm cho địch không kịp đối phó; sử dụng quân ít mà thắng to, thương vong ít, thu nhiều chiến lợi phẩm, giữ gìn và bồi dưỡng chính trị tốt. Chiến thắng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đánh dấu một bước suy sụp của quân ngụy, góp phần tạo ra bước ngoặt quân sự trong những giai đoạn quyết định thắng lợi hoàn toàn của kháng chiến.

Sư đoàn 7 là đơn vị chủ lực nằm trong đội hình Quân đoàn 4, vinh dự được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của chiến dịch (đặc biệt, đây là chiến dịch ra quân đầu tiên của Quân đoàn 4 sau khi được thành lập). Trong một thời gian ngắn, Sư đoàn 7 đã thực hiện liên tiếp 3 nhiệm vụ, bằng nhiều trận đánh cấp trung đoàn đến sư đoàn thiếu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những bài học kinh nghiệm về việc vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, cách đánh sáng tạo và phù hợp; nắm chắc thời cơ, bao vây, chia cắt địch, tiến công tiêu diệt địch trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 thường xuyên vận dụng vào huấn luyện, diễn tập. Đây chính là chiến lệ rất sinh động, sát thực, được xây dựng bằng xương máu của chính bộ đội Sư đoàn 7 thời kỳ bấy giờ, để thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay trân quý và phát huy nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật; góp phần nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá LÊ LƯƠNG QUYỀN, Chính ủy Sư đoàn 7, Quân khu 7

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/pha-the-kieng-ba-chan-cua-dich-810116
Zalo