Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng - Câu chuyện về văn hóa và tín ngưỡng

Lễ Vía Bà Ngũ hành tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc là 1 trong 3 lễ hội tại Long An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngôi miếu nhỏ tọa lạc ngay chợ Long Thượng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc vừa là 'chứng nhân' cho một thời mở đất, vừa mang đậm nét văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt.

Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng tọa lạc xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc

Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng tọa lạc xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc

Vào dịp lễ Vía Bà hàng năm, miếu Bà Ngũ hành thu hút hàng ngàn khách thập phương đến chiêm bái, điều này là lời khẳng định cho việc văn hóa vẫn được bảo tồn, gìn giữ trong dòng chảy phát triển của xã hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc, Long Thượng là nơi có số lượng miếu Bà Ngũ hành nhiều nhất toàn huyện và tỉnh. Xã có 2 ngôi đình, 2 ngôi chùa, 2 Thánh thất Cao Đài, 1 ngôi miếu Bà Chúa Xứ và 13 ngôi miếu Bà Ngũ hành. Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng là nơi còn giữ khá đầy đủ nghi lễ cúng Bà trong khi các miếu Ngũ hành khác thì giảm nhiều nghi thức do các điều kiện khách quan.

Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng ra đời vào khoảng những năm 20-30 của thế kỷ XIX. Dựa vào sự kiện lịch sử nhà yêu nước Nguyễn Hữu Tình hy sinh năm 1864 và được người dân đưa vào thờ phụng trong miếu Bà Ngũ hành Long Thượng, các nhà nghiên cứu có thêm căn cứ khẳng định miếu Bà Ngũ hành Long Thượng được thành lập khoảng giữa thế kỷ XIX.

Nguyễn Hữu Tình là nhà yêu nước hoạt động chống Pháp trong phong trào Trương Định (1861-1863), bị xử chém tại chợ Long Định, trước miếu Bà Ngũ hành Long Thượng. Người dân trong vùng vì yêu thương và nể trọng ông nên bí mật đưa vong linh ông vào thờ phụng trong miếu Bà Ngũ hành Long Thượng. Trong chính điện miếu Bà Ngũ hành, bài vị lãnh binh Nguyễn Hữu Tình được đặt tại bàn thờ các anh hùng liệt sĩ.

“Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng ngoài thờ Ngũ hành nương nương còn thờ nhiều vị thần thánh khác; có sự kết hợp thờ nữ thần phối thờ nam thần, kết hợp nhiên thần và anh hùng liệt sĩ. Những vị thần được thờ phụng ở đây thể hiện những mong ước của người dân địa phương, từ cầu bình an, sức khỏe đến việc hướng đến những giá trị đạo đức truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, qua tính cách của các vị thần được thờ: Nhân hậu, chính trực, hiếu nghĩa,... Do đó, người đến viếng hoặc cúng miếu luôn có đức tin, bất kể là đức tin tâm linh hay đức tin vào truyền thống lịch sử, uống nước nhớ nguồn. Nói cách khác, thành phần khách viếng bao gồm cả 2 nhóm: Đơn thuần về tâm linh và nhóm tưởng nhớ tổ tiên, các bậc tiền hiền. Sự pha trộn ấy phản ánh sự tồn tại song hành vai trò tín ngưỡng - tâm linh và văn hóa - lịch sử của ngôi miếu này” - ông Nguyễn Tấn Quốc khẳng định.

Múa bóng rỗi là một phần quan trọng trong nghi thức lễ Vía Bà tại miếu Bà Ngũ hành Long Thượng (Ảnh: Thanh Nga)

Múa bóng rỗi là một phần quan trọng trong nghi thức lễ Vía Bà tại miếu Bà Ngũ hành Long Thượng (Ảnh: Thanh Nga)

Theo Chánh Hội trưởng Ban Hội hương miếu Bà Ngũ hành Long Thượng - Nguyễn Văn Công, lượng người đến cúng viếng tại lễ Vía Bà Ngũ hành tăng dần theo từng năm, không chỉ có người dân trong tỉnh mà kể cả khách thập phương cũng quy tụ về cúng bái. “Mỗi năm có tới hàng chục ngàn người từ khắp nơi về đây cúng Bà.

Lễ Vía Bà diễn ra từ ngày 18 đến 20 nhưng từ hôm 17 tháng Giêng là đã có khách đến cúng. Trong đó, nhiều nhất là người Hoa tại TP.HCM. Dù là người địa phương hay khách phương xa đều chỉ một tấm lòng hướng về lễ hội, cầu mong năm mới bình an, thuận lợi, mưa thuận gió hòa” - ông Nguyễn Văn Công cho biết.

Còn khoảng 1 tuần nữa là đến Lễ Vía Bà Ngũ hành Long Thượng, những ngày này, Ban Hội hương và người dân xã Long Thượng đã bắt đầu công tác chuẩn bị, chờ đón mùa lễ hội để khởi đầu năm mới bình an, thuận lợi và phát đạt./.

Tục thờ Bà Ngũ hành của dân ta vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính triết lý lại mang tính nông nghiệp. Dân gian thường gọi gộp chung là Bà Ngũ hành hay tách riêng từng bà: Bà Kim, Bà Mộc, Bà Hỏa, Bà Thủy, Bà Thổ. Trong sắc phong và bài vị có đề tước hiệu. Năm Duy Tân thứ năm (tức năm 1911), triều đình nhà Nguyễn sắc phong chung cho 5 Bà với mỹ tự Tư Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần, phân ra các tước hiệu: Thổ Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi.

(Sách Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Mộc Châu

(Lược ghi từ sách Lễ hội Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mieu-ba-ngu-hanh-long-thuong-cau-chuyen-ve-van-hoa-va-tin-nguong-a190157.html
Zalo