Miệt mài làm bài rồi tuyệt vọng vì bị trường nghi dùng AI

Sinh viên đại học rơi vào thế khó khi các công cụ dò AI đưa ra đánh giá không chính xác, khiến những người tự làm bài tập cũng bị 'tố' là dùng trí tuệ nhân tạo để viết bài.

 Những công cụ AI như ChatGPT đang trở thành cánh tay đắc lực của sinh viên khi làm bài tập. Ảnh: Carl Godfrey.

Những công cụ AI như ChatGPT đang trở thành cánh tay đắc lực của sinh viên khi làm bài tập. Ảnh: Carl Godfrey.

Một ngày nọ, Albert (19 tuổi), một sinh viên đại học người Anh, bất ngờ nhận được email thông báo từ nhà trường. Email nêu rằng cậu vi phạm quy định của trường khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm bài tập.

Nếu không tham gia phiên điều trần để giải quyết khiếu nạn của giáo sư, hoặc không trả lời email, Albert sẽ tự động bị cho trượt môn.

Nhưng vấn đề là Albert không hề gian lận.

Đau đớn vì bị buộc tội dùng AI

Khi bị nhà trường buộc tội gian lận bằng AI, nam sinh 19 tuổi rất đau khổ vì cậu đã cố gắng và rất chăm chỉ để hoàn thành bài tập này. Albert khẳng định cậu không dùng AI để viết luận, đồng thời nói rằng cậu cảm thấy bị xúc phạm khi nhà trường đưa ra lời cáo buộc như vậy.

"Tôi cảm thấy như bị tát vào mặt vì công sức học tập chăm chỉ suốt thời gian qua lại bị cho là sản phẩm của AI. Tôi đã học hành rất chăm chỉ và luôn được đánh giá là sinh viên giỏi toàn diện, nhưng một bài luận không tốt lại khiến tôi bị nghi ngờ tôi dùng AI", Albert nói với The Guardian.

Tại buổi điều trần, Albert đối diện với 3 nhân viên của trường và bị yêu cầu cung cấp họ tên, mã sinh viên và mã khóa học. Sau đó, cậu bị hỏi loạt vấn đề liên quan việc dùng AI như "em đã tạo tài khoản ChatGPT bao giờ chưa", "em có dùng Grammarly không"...

Cuối buổi làm việc với trường, Albert gần như bật khóc. "Tôi đã nói với họ là tôi biết bài luận của tôi không hay, nhưng tôi không dùng AI", nam sinh nói với The Guardian.

4 năm kể từ khi Chat GPT-3 được phát hành và làm rung chuyển các ngành công nghiệp, từ phim ảnh, truyền thông và cả y học, giáo dục. Đối với sinh viên, công cụ này giống như thiên thần, cứu vớt bài luận vào phút chót. Nhưng đối với các nhà giáo dục, đây lại là cơn ác mộng.

Theo một khảo sát của Viện Chính sách Giáo dục Đại học Mỹ với hơn 1.200 sinh viên, hơn 50% trong số này nói đang sử dụng AI tạo sinh để làm bài tập và 5% thừa nhận đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để gian lận.

Tháng 11 vừa qua, Times Higher Education cũng đưa tin các trường hợp gian lận bằng AI ở trường đại học cũng tăng mạnh, một số trường báo cáo lượng gian lận tăng gấp 15 lần.

Một số người tin rằng AI sẽ cách mạng hóa việc học, giúp mọi người học tốt hơn. Nhưng một số người lại nói đó là mối đe dọa hiện hữu đối với toàn bộ hệ thống giáo dục, giống như một "thảm họa giáo dục" có thể phá hủy quá trình học tập, nghiên cứu học thuật.

 Các công cụ dò sản phẩm AI vẫn chưa thực sự đánh giá đúng. Ảnh: LeBigData.

Các công cụ dò sản phẩm AI vẫn chưa thực sự đánh giá đúng. Ảnh: LeBigData.

Khó dò AI

Albert không phải là sinh viên duy nhất bị buộc tội sai về việc sử dụng AI. Trong nhiều năm qua, những phần mềm như Turnitin trở thành công cụ chính trong "kho vũ khí" chống gian lận trong học thuật, cụ thể là kiểm tra đạo văn.

Năm 2023, Turnitin ra mắt bộ công cụ mới để phát hiện các sản phẩm dùng AI, có thể đánh giá tỷ lệ sử dụng AI trong một văn bản. Trong bối cảnh xã hội vội vã chống lại các sản phẩm của AI, công cụ này của Turnitin được coi như một viên đạn thần kỳ.

Kể từ khi ra mắt, ứng dụng này xử lý hơn 130 triệu bài viết và chỉ ra 3,5 triệu sản phẩm là do AI viết đến 80%.

Nhưng công cụ này cũng không đáng tin cậy hoàn toàn. Nhiều trường hợp bị kiểm tra sai và một số trường đại học cũng quyết định không dùng ứng dụng này.

Tháng 11 vừa qua, Bloomberg Businessweek đưa tin về trường hợp một sinh viên mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ bị công cụ dò AI buộc tội dùng trí tuệ nhân tạo để viết bài. Những sinh viên mắc chứng rối loạn thần kinh, người dùng tiếng Anh bằng cấu trúc, từ ngữ đơn giản hoặc người sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cũng gặp bất lợi trước những hệ thống này.

Tiến sĩ Mike Perkins, nhà nghiên cứu về AI tạo sinh tại Đại học Anh Quốc Việt Nam, tin rằng các phần mềm phát hiện AI có những hạn chế đáng kể.

"Tất cả nghiên cứu đều nói đi nói lại rằng những công cụ này không đáng tin cậy, chúng rất dễ bị đánh lừa", tiến sĩ thông tin, đồng thời cho biết nghiên cứu của ông cũng phát hiện các máy dò AI chỉ có thể phát hiện các văn bản AI với độ chính xác 39,5%. Nhưng sau một số kỹ thuật "lách luật" cơ bản, độ chính xác giảm xuống chỉ còn 22,1%.

Ông Perkins cũng nhấn mạnh một điều rằng những người quyết định gian lận không chỉ đơn giản là sao chép y nguyên văn bản từ ChatGPT, mà còn chỉnh sửa để biến sản phẩm đó thành của riêng. Các công cụ "con người hóa" như CopyGenius và StealthGPT cũng tự hào tuyên bố có thể tạo ra các nội dung bằng AI mà không bị phát hiện và đã giúp nửa triệu sinh viên tạo ra gần 5 triệu bài luận.

"Những sinh viên duy nhất không dùng AI để làm bài tập thực sự đang gặp khó khăn. Họ là người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sự nghiệp học tập", tiến sĩ nhấn mạnh.

Trước tình trạng máy dò AI hoạt động không như ý, nhiều trường đại học đã điều chỉnh chính sách đối với việc đánh giá, đưa ra các chính sách tích cực với AI.

Dù vậy, các trường vẫn cảnh báo sinh viên không nên quá phụ thuộc vào công cụ này vì nó có thể làm hạn chế khả năng phát triển các kỹ năng tư duy phản biện của sinh viên.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/miet-mai-lam-bai-roi-tuyet-vong-vi-bi-truong-nghi-dung-ai-post1518569.html
Zalo