ChatGPT chính thức đe dọa Google

Việc chính thức tung ra công cụ tìm kiếm miễn phí cho tất cả người dùng biến ChatGPT trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với sự thống trị của Google.

Theo thông báo ngày 16/12 của OpenAI, tính năng tìm kiếm trên ChatGPT sẽ có sẵn cho tất cả người dùng bản trả phí và miễn phí.

Người dùng chỉ cần mở ChatGPT trên web hoặc ứng dụng và sau đó nhấn vào biểu tượng tìm kiếm. So với cơ sở dữ liệu của GPT-4o chỉ được cập nhật đến tháng 6/2024, tính năng ChatGPT Search sẽ có khả năng tìm kiếm thông tin mới trên web theo thời gian thực.

Với việc miễn phí tính năng tìm kiếm, OpenAI với ChatGPT dường như đã chính thức tuyên chiến với mô hình kinh doanh từ quảng cáo trị giá hàng nghìn tỷ USD vốn từ lâu đã bị Google thống trị.

Tham vọng mới của OpenAI

ChatGPT Search là tính năng được ra mắt vào cuối tháng 10, cho phép người dùng truy cập "câu trả lời nhanh chóng, kịp thời" kèm theo liên kết đến các nguồn web có liên quan, loại bỏ nhu cầu chuyển đổi giữa ChatGPT và công cụ tìm kiếm truyền thống như Google.

Không giống như kết quả quảng cáo nặng nề của Google, giao diện của các công cụ “answer engine” (công cụ trả lời) như ChatGPT hay Perplexity đang thay đổi cách chúng ta tương tác với thông tin.

Chúng không chỉ tìm kiếm trên Internet mà còn đưa ra các câu trả lời trực tiếp. Đôi khi chúng đủ chính xác để thay thế nhu cầu truy cập vào các trang web.

Minh họa việc tìm kiếm bằng ChatGPT.

"Chúng tôi thực sự cải thiện trải nghiệm ChatGPT bằng thông tin truy cập web mới nhất", Adam Fry, trưởng nhóm sản phẩm tìm kiếm của ChatGPT nhấn mạnh tầm quan trọng của bản cập nhật.

Theo Gulf News, có 3 cách để ChatGPT cạnh tranh với Google. Đầu tiên là trải nghiệm tìm kiếm theo hội thoại. Cụ thể, chatbot này sẽ cung cấp trải nghiệm tìm kiếm tương tác và cá nhân hóa hơn.

Thay vì phải sàng lọc qua nhiều liên kết, người dùng sẽ nhận được câu trả lời trực tiếp, giống con người, phù hợp với truy vấn của họ và giúp giảm thời gian tìm kiếm thông tin.

Cách tiếp theo là AI tạo sinh. Trong khi Google chỉ kết nối người dùng với các tài nguyên có sẵn, ChatGPT lại có khả năng tự tạo nội dung. Từ viết bài viết, tóm tắt chủ đề, soạn thảo email cho đến viết mã code, AI tạo sinh của ChatGPT sẽ cung cấp các giải pháp khả thi ngay lập tức.

Cuối cùng là việc tự động hóa tác vụ. Theo đó, ChatGPT có thể thực hiện các tác vụ như suy nghĩ ý tưởng, phân tích dữ liệu hoặc hỗ trợ mã hóa, vốn là các vai trò thường yêu cầu người dùng phải dùng thêm các công cụ bổ sung hoặc tìm kiếm thủ công chi tiết trên Google.

Thử thách mới đón chờ ChatGPT

Bản cập nhật này nhấn mạnh tham vọng của OpenAI trong việc định vị ChatGPT trở thành một nhân tố chính trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet, thách thức vị thế gần như độc quyền của những gã khổng lồ như Google hay Bing của Microsoft.

“Việc tích hợp tìm kiếm vào ChatGPT là kết hợp sự tiện lợi của AI đàm thoại với dữ liệu web trực tiếp. Google có thể phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng để đổi mới vượt ra ngoài mô hình phụ thuộc vào quảng cáo của mình”, tiến sĩ Paul Clements, một nhà phân tích ngành công nghệ cho biết.

 Các chatbot AI đang ngày càng chứng tỏ khả năng giải quyết nhiều câu hỏi, thay vì phải tra Google. Ảnh: Wall Street Journal.

Các chatbot AI đang ngày càng chứng tỏ khả năng giải quyết nhiều câu hỏi, thay vì phải tra Google. Ảnh: Wall Street Journal.

Theo báo cáo của Reuters, thị trường công cụ tìm kiếm toàn cầu hiện có giá trị lên đến 180 tỷ USD và chủ yếu được thúc đẩy bởi quảng cáo - một mô hình kinh doanh mà OpenAI dường như chưa thể đặt chân vào bằng thiết kế tối giản của mình.

Tuy nhiên, việc triển khai này cũng có cái giá của nó. Việc mở rộng khả năng tìm kiếm trên web theo thời gian thực cho hàng trăm triệu người dùng sẽ làm gia tăng đáng kể nhu cầu tính toán và chi phí hoạt động của OpenAI.

Ngoài ra, điều quan trọng hơn cả là một công cụ tìm kiếm như Google bao hàm rất nhiều thứ. Bên cạnh những người sử dụng Google để tìm thông tin khoa học phức tạp, phần lớn người dùng chỉ “mượn” nó để tìm đến hòm thư email, website siêu thị để đi chợ online hay tra những câu hỏi đơn giản.

Trên thực tế, Google được yêu cầu làm bất cứ điều gì con người có thể nghĩ ra, hàng tỷ lần mỗi ngày. Vì vậy, câu hỏi đặt cho những công cụ AI muốn thách thức vị thế Google không phải chúng có thể tìm thấy thông tin tốt đến mức nào, mà là có thể làm tốt những điều Google giỏi như thế nào.

Theo các chuyên gia trong ngành, mảng tìm kiếm về cơ bản chỉ có 3 loại truy vấn. Phổ biến nhất là tìm kiếm điều hướng, tức là mọi người chỉ gõ tên của một trang web để truy cập vào nó.

 So với các công cụ tìm kiếm AI, Google giỏi cung cấp đường link cụ thể, thông tin chính xác. Ảnh: Bloomberg.

So với các công cụ tìm kiếm AI, Google giỏi cung cấp đường link cụ thể, thông tin chính xác. Ảnh: Bloomberg.

Hầu như tất cả truy vấn hàng đầu trên Google như “youtube”, “facebook”, “yahoo mail” đều là các truy vấn điều hướng. Trên thực tế, đây là nhiệm vụ chính của công cụ tìm kiếm: đưa người dùng đi đến một trang web.

Đối với các truy vấn điều hướng, các công cụ tìm kiếm AI còn kém hơn Google. Khi bạn tìm kiếm điều hướng trên Google, rất ít khi kết quả đầu tiên không phải là thông tin bạn đang tìm kiếm. “Nó nhanh và hiếm khi sai”, cây bút David Pierce của The Verge nhận định.

Các bot AI có xu hướng suy nghĩ trong vài giây và cung cấp một loạt thông tin hữu ích về từ khóa đó. Tuy nhiên, tất cả những gì bạn cần là một liên kết. Một số AI thậm chí còn không đưa liên kết đến trang web nào.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/chatgpt-chinh-thuc-de-doa-google-post1518838.html
Zalo