Miễn viện phí toàn dân: Người bệnh, bác sĩ kỳ vọng gì?

Các bác sĩ nhìn nhận việc miễn viện phí toàn dân là chủ trương nhân văn, nhưng cần tính toán kỹ nguồn lực để triển khai hiệu quả.

Những ngày qua, sau phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về "tiến tới miễn viện phí toàn dân" đã khiến nhiều bệnh nhân, người dân phấn khởi xen lẫn hy vọng. Trong khi đó, các bác sĩ nhìn nhận đây là chủ trương nhân văn, tuy nhiên cần tính toán kỹ nguồn lực để triển khai hiệu quả.

"Miễn viện phí ai mà không mừng!"

Tại khu vực dịch vụ thanh toán Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, chị Trần Thị Hạnh (ngụ Tiền Giang) vừa thanh toán hơn 1 triệu đồng viện phí cho đợt tái khám bệnh tim. Nghe tin sẽ miễn viện phí trong tương lai, chị Hạnh xúc động: "Nếu được miễn viện phí thì đỡ cho tụi tui lắm. Mỗi lần lên thành phố khám bệnh là tiền xe, tiền ăn, tiền thuốc, chưa kể viện phí. Nhiều người vì nghèo quá, đau cũng ráng chịu".

 Khu vực dịch vụ thanh toán Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: DI LINH

Khu vực dịch vụ thanh toán Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: DI LINH

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Văn Tài (quê Vĩnh Long) đang chăm sóc mẹ bị ung thư. Anh Tài cho biết, viện phí hiện nay với anh là cả gánh nặng.

“Đóng một đợt xạ trị hơn 3 triệu đồng, đó là chưa tính chi phí đi lại, ăn uống, nên nghe tin miễn viện phí ai mà không mừng. Chỉ mong Nhà nước sớm có lộ trình cụ thể, để người nghèo như tụi tôi có thêm cơ hội", anh Tài trần tình.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng - ĐH Y Dược TP.HCM, miễn viện phí toàn dân là chủ trương hết sức tiến bộ, nhân văn, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

"Khi người dân khỏe mạnh sẽ đóng góp được cho xã hội nhiều hơn và việc điều trị sớm, điều trị phù hợp làm giảm đi các biến chứng nặng và các chi phí y tế nói chung. Việc này không chỉ đem lại công bằng hạnh phúc cho người dân mà còn giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về mặt kinh tế xã hội”, BS Dũng nhấn mạnh.

Phát triển từng bước, không ảnh hưởng đến nguồn lực chuyên ngành

Cũng theo BS Dũng, việc miễn viện phí toàn dân là mục tiêu cần có thời gian dài để thực hiện, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chúng ta đã hoàn toàn có thể và nên bắt đầu bằng cách miễn giảm viện phí cho những người thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhất là các trường hợp bệnh lý cấp thiết, chi phí điều trị không quá cao nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.

"Điển hình như bệnh tăng huyết áp, nếu được phát hiện và điều trị sớm với chi phí thấp sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…. Nếu chưa thể miễn viện phí toàn dân, trước hết nên miễn và bỏ yêu cầu đồng chi trả với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua hỗ trợ mua BHYT và sử dụng ngân sách chi trả phần còn lại", BS Dũng nêu.

Việt Nam có lợi thế là một quốc gia xã hội chủ nghĩa nên việc phân bổ nguồn lực y tế tương đối hợp lý, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bên cạnh đó, ngành y tế vẫn được người dân tin tưởng, giúp giảm áp lực từ các cuộc tranh chấp hay kiện cáo – vốn nặng nề ở nhiều quốc gia khác.

Trước hết, theo BS Dũng cần xây dựng một danh mục dịch vụ y tế thiết yếu – tương tự như mô hình “best buys” mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị. Tiếp theo là đánh giá khả năng BHYT tại từng khu vực để xác định phạm vi cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu này, trong đó có phân nhóm người dân theo khả năng chi trả.

Với người nghèo nhất, nhà nước nên hỗ trợ mua BHYT và miễn viện phí hoàn toàn đồng chi trả. Với nhóm còn khó khăn nhưng vẫn có khả năng đóng góp một phần, có thể hỗ trợ họ mua BHYT và đề nghị cùng chia sẻ chi phí điều trị. Với người có đầu vào ổn định, có khả năng tự mua BHYT và chi trả được thì tạm thời chưa đặt vấn đề miễn viện phí trong giai đoạn này.

Trong bối cảnh các bệnh viện đang thực hiện tự chủ, đội ngũ y bác sĩ cũng chỉ hưởng lương như người lao động thông thường, nếu triển khai chính sách miễn viện phí cần có song song các cơ chế đảm bảo nguồn lực, giữ chân nhân lực chất lượng cao và đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng điều trị.

Vì vậy, theo BS Dũng, nếu miễn viện phí được thực hiện có lộ trình sẽ không ảnh hưởng tới cán bộ y tế. Đồng thời khi nền kinh tế phát triển thì thu nhập đầu người cao hơn, tiền đóng phí bảo hiểm cũng cao theo, chắc chắn thu nhập cán bộ y tế cũng tốt dần theo sự phát triển chung.

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/mien-vien-phi-toan-dan-nguoi-benh-bac-si-ky-vong-gi-post844659.html
Zalo