Miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục mưa to, hàng loạt tuyến đường sạt lở nghiêm trọng
Do ảnh hưởng của áp thấp, trong hôm nay, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Hiện đã có 6 người chết và mất tích do mưa lũ. Đáng chú ý, mưa lũ khiến hàng loạt tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài lên tới 9.670m.
Một đoạn đường tại xã Ga Ry (Tây Giang, Quảng Nam) bị đứt gãy sau mưa lũ khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: A.N
Ông Nguyễn Đức Quang - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, sáng nay 27/10, ATNĐ đã suy yếu thành vùng áp thấp và đi vào đất liền tỉnh Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống dưới cấp 6.
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thêm.
Trong hôm nay, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa 50-80mm, có nơi trên 100mm. Từ đêm 27/10 mưa lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giảm.
Từ đêm nay đến ngày 31/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.
Theo ông Quang, hiện lũ trên các sông Trung Bộ và Tây Nguyên đều xuống dưới BĐ1, riêng tại sông Bồ (Phú Ốc) còn trên BĐ1 là 0,29m. Dự báo từ hôm nay đến ngày 28/10, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và thượng lưu sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2.
Sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa), sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), sông La Ngà (Bình Thuận), thượng lưu sông Đồng Nai và các sông ở khu vực Nam Tây Nguyên lên trên BĐ2, có sông lên mức BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến sáng 27/10, đã có 5 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ; 12 nhà bị hư hại. Ngoài ra, các tỉnh miền Trung có khoảng 262 ha lúa, 549 ha rau màu, 153 ha thủy sản bị thiệt hại và 1,2 tấn cá; 11.254 con gia súc, gia cầm, tôm các loại bị chết.
Đáng chú ý, mưa lũ kéo dài liên tục trong nhiều ngày đã khiến hàng loạt tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài lên tới 9.670m. Trong đó, trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) sạt lở 7 vị trí với tổng chiều dài 2.720m, bờ sông Hương tại 3 vị trí với tổng chiều dài 1.200m…
Tại Quảng Nam, các tuyến đường QL 40b, QL 14H, ĐT606, ĐT 617, ĐT618, ĐT 611 cũng bị sạt lở, hư hỏng, ngập lụt cục bộ.
Tại Quảng Ngãi, bờ biển ở xã Phổ Châu (huyện Đức Phổ) bị sạt 2.500m, ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, nguy cơ ảnh hưởng đến 1.200 hộ/4.300 khẩu; bờ sông Trà Bồng, Phước Giang, Trà Khúc cũng bị sạt lở dài 2.900m.
Ngoài ra, có 34 vị trí trên 3 tuyến quốc lộ (24, 24B, 24C) tại 30 vị trí đường tỉnh hư hỏng, sạt lở (Quảng Ngãi) với tổng khối lượng sạt lở 12.687m3. Chưa kể, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã có 106 vị trí bị sạt lở với khối lượng sạt lở 7.623m3.
Mưa lũ cũng khiến còn 2.564m kênh mương các địa phương bị sạt lở; 4 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp, sạt lở 160m bờ sông.
Hàng loạt hồ thủy điện phải điều tiết qua tràn
Do mưa lũ, hiện các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên có 70 hồ thủy điện đang điều tiết qua tràn. Trong đó, một số hồ điều tiết với số lượng nước lớn như Sông Ba Hạ: 800/1.050 m3/s; Sông Tranh 2: 208/684 m3/s; Đăk srông 3A: 609/676 m3/s; Đrây H Linh 1: 440/590 m3/s... Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ có 1.885/2.323 hồ chứa đầy nước, khu vực Nam Trung Bộ có 185/476 hồ đầy nước; khu vực Tây Nguyên có 94/194 hồ đầy nước.