Bờ sông sạt lở, người dân lo lắng

Có khoảng hơn 4.520 hộ dân tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông. Trong đó, khoảng 800 hộ hiện đang sống trong vùng nguy hiểm, cách mép sông dưới 20m.

Bờ sông Thạch Hãn sạt lở vào sát công trình của người dân tại thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị). Ảnh: Nghĩa Văn.

Bờ sông Thạch Hãn sạt lở vào sát công trình của người dân tại thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị). Ảnh: Nghĩa Văn.

Bà Nguyễn Thị Lý (55 tuổi) - trú thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết, các thành viên trong gia đình đang lo lắng vì những năm qua, bờ sông Vĩnh Định đoạn qua thôn Vân Hòa bị sạt lở, “ăn sâu” vào đất liền. Tình trạng này khiến một số hạng mục nhà ở của bà bị nghiêng về phía bờ sông, trên tường xuất hiện các vết nứt.

Còn tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, bà Trần Vân Anh - trú tại thôn Mộc Đức chia sẻ, vào tháng 11/2023 tình trạng sạt lở bờ sông Hiếu đã tạo ra hàm ếch cho tuyến đường giao thông liên xã đoạn qua địa bàn. Ông Mai Chiếm Hiệp - Chủ tịch UBND xã Cam Hiếu cho hay, bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Mộc Đức đã được xây dựng bờ kè, gia cố và hoàn thành vào tháng 8/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, sau các đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 10 - 20/9 và đầu tháng 11 vừa qua, đoạn bờ kè này đã xuất hiện rạn nứt, có dấu hiệu sạt trượt ra bờ sông.

Tương tự ông Hoàng Văn Binh (48 tuổi, trú tại thôn Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho hay, đê bao sông Cựu Vĩnh Định kết hợp đường giao thông phía trước nhà ông cũng bị sạt lở, tạo hàm ếch trong nền đường. “Chúng tôi ở đây, biết tình trạng này rồi nên còn chủ động phòng tránh. Sợ nhất là những xe ô tô từ nơi khác đến không biết, đi vào chỗ đã bị hàm ếch rất dễ gây sập đường bê tông, xảy ra tai nạn” - ông Binh lo lắng…

Ông Hoàng Tấn Thông - Chủ tịch UBND xã Hải Quế xác nhận sự việc trên và cho biết, tình trạng sạt lở đã làm mất đất sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Thông, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đồng thời, báo cáo tình hình đến các cấp, ngành liên quan và đề nghị sớm được quan tâm bố trí kinh phí, xây dựng bờ kè khắc phục sạt lở.

Ông Dương Viết Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, đợt mưa lớn xảy ra từ ngày 26/10 - 6/11 đã gây ngập lụt cục bộ một số nơi trên địa bàn, làm ảnh hưởng về tài sản và đời sống của nhân dân. Trong đó, hơn 3,8km đê bao vùng trũng tại các xã: Hải Trường, Hải Phong, Hải Quế, Hải Định... bị hư hỏng, sạt lở, sụt lún chân đê…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 1/7/2024, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 133,42km bờ sông, bờ biển bị sạt lở (gồm: 26,96km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 72,97km sạt lở nguy hiểm và 33,49km sạt lở bình thường) chưa được khắc phục, xử lý. Trong đó, tùy theo địa chất, bờ sông có mức độ xói lở khác nhau với nơi thấp nhất từ 1 - 2m/năm (như bờ tả, hữu các sông: Thác Ma - Ô Lâu, Nhùng...), nơi cao nhất từ 10m - 15m/năm (như bờ tả, hữu các sông: Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải). Sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn diễn ra hàng năm, nhất là vào mùa mưa bão gây ảnh hưởng đến đất thổ cư, đất canh tác, công trình dân sinh và tuyến đường quốc phòng ven biển.

Tình trạng sạt lở bờ sông đã xâm thực sâu vào đất thổ cư, đất canh tác khiến hơn 4.520 hộ dân sinh sống hai bên bờ sông tại các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 800 hộ hiện đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm, cách mép sông dưới 20m.

Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra. Trong đó, từ năm 2018 đến nay, đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hơn 66km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh… với tổng kinh phí hơn 872 tỷ đồng; trồng hơn 70ha cây chắn sóng bảo vệ bờ ở dọc các tuyến đê cửa sông và đê biển. Tuy nhiên, do Quảng Trị là tỉnh có địa hình đồi núi, sông ngòi ngắn và dốc, lưu tốc dòng chảy lớn kết hợp với tình hình thiên tai diễn ra khốc liệt, dồn dập cả về tần suất lẫn cường độ. Đồng thời, vùng trọng điểm sạt lở thường gắn với khu vực đông dân cư. Vì vậy, xử lý sạt lở cần gắn với việc di dời dân, tái định cư và điều này đòi hỏi một nguồn lực rất lớn để triển khai đồng bộ.

NGHĨA VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bo-song-sat-lo-nguoi-dan-lo-lang-10295670.html
Zalo