Miền Trung mưa lũ khó lường

Mưa lớn trong những ngày qua ở khu vực miền Trung đã khiến 3 người thiệt mạng; dự báo mưa lũ còn diễn biến phức tạp

Ngày 14-10, TP Đà Nẵng tiếp tục có mưa to khiến nhiều nơi ngập nặng. Tại trạm đo Hồ Hố Cau (huyện Hòa Vang), lượng mưa đo được là 285 mm, tiệm cận 75%-80% so với mốc lịch sử ghi nhận vào ngày 14-10-2022.

Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm

Khu dân cư dưới chân Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) bị ảnh hưởng nặng bởi nước kèm bùn, đá, đất bên trên ta-luy tràn xuống. Nhiều người dân phải bỏ công việc để tát nước, ngăn bùn, đất tràn vào nhà.

Mưa lớn khiến hầu hết các quận, huyện tại TP Đà Nẵng - nhất là vùng trũng như huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu - bị ngập sâu. Ngập nặng nhất là khu dân cư ở trong các hẻm đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu), lực lượng chức năng đã sơ tán hơn 3.000 người dân đến nơi an toàn.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ngày 14-10 vẫn còn một số khu vực trũng bị ngập. Quốc lộ 49B và nhiều tỉnh lộ bị ngập một số đoạn nên lực lượng chức năng đã rào chắn, cấm phương tiện giao thông qua lại. Mưa lũ những ngày qua làm sạt lở bờ sông xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền với chiều dài 50 m; đến thời điểm này đã khắc phục xong. Tại huyện Phú Vang, bờ biển và một số đường dân sinh có điểm bị sạt lở.

Đáng chú ý, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 người thiệt mạng do mưa lũ.

Người dân vá lại điểm sạt lở ở thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: VĨNH GIA

Người dân vá lại điểm sạt lở ở thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: VĨNH GIA

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh chiều 14-10, mưa lớn đã khiến em Thái Văn V. (học sinh lớp 8 Trường THCS Cẩm Nhượng, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) bị nước cuốn trôi. Mưa lớn kéo dài những ngày qua cũng gây sạt lở, ngập cục bộ tại một số huyện như Cẩm Xuyên, Kỳ Anh...

Đáng nói, có một số điểm sạt lở kéo dài khoảng 50 m, ăn sâu vào khu vực đất vườn của người dân, đặc biệt có điểm chỉ cách nhà ở của người dân khoảng 2,5 m. Nhận thấy mối nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản của người dân, chính quyền địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng để gia cố, khắc phục các điểm sạt lở.

Trong 3 ngày qua, tại tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Theo ghi nhận của phóng viên ngày 14-10, tuyến Quốc lộ 14H đoạn qua thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) ngập sâu gần 1 m khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn. Quốc lộ 14H qua địa phận TP Hội An cũng bị ngập. Nhiều tuyến đường huyết mạch tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam những ngày qua cũng xuất hiện các điểm sạt lở.

Theo đó, Tỉnh lộ 611 từ huyện Quế Sơn lên huyện Nông Sơn bị chia cắt do sạt lở ta-luy dương đoạn qua đèo Le thuộc địa phận xã Quế Long, huyện Quế Sơn. Đến sáng 14-10, tuyến đường đã thông xe bước 1.

Không bất thường

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết tháng 10 là thời điểm mưa lớn nhất trong năm ở miền Trung. Đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 11-10 tại khu vực này là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh ở phía Bắc liên tục tràn xuống, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ. Cùng lúc đó, trên các tầng khí quyển trên cao từ 1.500 - 5.000 m có đới gió Đông hoạt động mạnh.

Theo ông Hưởng, do ảnh hưởng của tổ hợp hình thái thời tiết nêu trên, từ nay đến ngày 16-10, khu vực từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 250 mm, có nơi trên 450 mm. Tại khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, lượng mưa phổ biến từ 300 - 500 mm, có nơi trên 800 mm. Tỉnh Hà Tĩnh dự báo có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 70 - 120 mm, có nơi trên 150 mm.

Với lượng mưa dự báo như trên, khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng có cấp độ rủi ro thiên tai do mưa là cấp 4 - cấp cao nhất; khu vực tỉnh Quảng Nam ở cấp 3 và một số khu vực khác ở cấp 1, cấp 2.

Từ ngày 17-10 trở đi, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa rất lớn. Dự báo mưa lũ ở khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp.

Về câu hỏi tình trạng mưa lớn, dồn dập ở miền Trung thời điểm này có phải là bất thường, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia khẳng định không bất thường. "Lượng mưa phổ biến ở khu vực này vào tháng 10 hằng năm thường ở mức 600 - 800 mm. Lượng mưa thực tế tại khu vực này hiện không bất thường. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, mưa ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng tương đối lớn so với trung bình nhiều năm" - ông Nguyễn Văn Hưởng giải thích thêm.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc biển Đông - bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa - và khu vực giữa biển Đông có mưa rào và giông mạnh. Vùng biển phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/mien-trung-mua-lu-kho-luong-20231014221907126.htm
Zalo