'Miền thương' - một triển lãm hội họa thú vị

Tôi nhận được giấy mời đến xem Triển lãm mang tên 'Miền thương' hiện đang trưng bày trong không gian tầng 1 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Triển lãm khai mạc lúc 17 giờ ngày 23/12/2024, trưng bày đến hết ngày 29/12/2024. Nói thế nào nhỉ: Thật là lộng lẫy, là mãn nhãn.

Những bức tranh phong cảnh thơ mộng, với sương sớm lãng đãng bay ở Sa Pa của họa sĩ Nguyễn Thị Huyền. Những bức tranh hoa ly, hoa cúc, hoa hồng, hoa sen, hoa hải quỳ… mỗi bức một vẻ đẹp đầy ấn tượng của cả 3 nữ họa sĩ (Nguyễn Thị Huyền, Lê Thiếu Ngân, Trần Thị Trường), bức nào cũng sinh động và đầy cảm hứng, thực hiện bằng chất liệu sơn dầu. Rồi “Sợi rơm vàng”, “Ngày vui”, hay “Bà ơi” là ổ gà mái, là cái nhà treo những bắp ngô vàng, hay cái nồi nhôm đã cũ, một khóm gốc tre… vẽ bằng màu nước của họa sĩ Nguyễn Bá Thanh. Một triển lãm với 4 gương mặt tạo cho tôi nhiều thiện cảm, được tổ chức một cách giản dị nhưng ấm áp.

Nếu họa sĩ Nguyễn Thị Huyền có bút pháp điệu nghệ, màu sắc, bố cục, và xử lý không gian rất tinh tế, mạnh mẽ mà dịu dàng thì tranh của họa sĩ Lê Thiếu Ngân cho tôi một cảm giác tác giả là người kỹ lưỡng, chỉn chu, và giàu nữ tính. Và nếu Nguyễn Bá Thanh uyển chuyển, nhẹ nhàng, mơ màng và có khả năng tiết chế kỹ thuật để tâm hồn cất tiếng thì Trần Thị Trường lại là người quá chú trọng vào cảm xúc mà dường như “bỏ quên” những yếu tố khác.

Tranh phong cảnh của họa sĩ Lê Thiếu Ngân.

Tranh phong cảnh của họa sĩ Lê Thiếu Ngân.

Họa sĩ Lê Thiếu Ngân vốn là cán bộ giảng dạy tại Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia S. Peterburg (Liên bang Nga). Năm 2008, bà học vẽ màu nước tại Tokyo, Nhật Bản với hai họa sĩ Shoko Ohta và Suiko Ohta. Năm 2012, bà học vẽ sơn dầu với họa sĩ Văn Dương Thành. Từ năm 2020 bà học thêm về vẽ sơn dầu với họa sĩ Nguyễn Hải Kiên. Bà từng trưng bày tranh tại Phòng Văn hóa, Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản năm 2009, 2010; tham gia trưng bày trong triển lãm màu nước thường niên cùng các họa sĩ Nhật Bản các năm 2009, 2010, 2011. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân bày triển lãm cá nhân tại Gallery Thu Hương năm 2014. Ngoài ra bà tham gia nhiều triển lãm nhóm và có tranh được treo tại nhiều triển lãm, bảo tàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nguyễn Thị Huyền là cái tên xuất hiện từ lâu trong giới mỹ thuật, có tranh trong một số bộ sưu tập nhưng nữ họa sĩ ít nói, kín tiếng và ngại tiếp xúc thế giới bên ngoài. Sống nội tâm nhiều hơn, Nguyễn Thị Huyền thành công với bút pháp phóng khoáng và chất liệu bột màu. Nhưng khi vẽ sơn dầu chị cũng cho thấy một khả năng làm chủ cảm xúc, biểu cảm dịu dàng về màu sắc mà mạnh mẽ về thể hiện.

Họa sĩ Nguyễn Thị Huyền được sinh ra tại Hưng Yên. Năm chị 10 tuổi, gia đình chuyển lên sống tại Hà Nội, trong khu tập thể của giảng viên Trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Trong các tác phẩm của mình, chị khai thác vẻ đẹp bình dị của những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống. Lần này, chị bày chừng 20 bức, nhiều bức có gam màu xanh và vẻ đẹp thiên nhiên/ con người vùng núi phía Bắc.

Tranh “Làng quê yêu dấu” của họa sĩ Nguyễn Thị Huyền.

Tranh “Làng quê yêu dấu” của họa sĩ Nguyễn Thị Huyền.

“Tôi khai thác sự thay đổi tinh tế của màu sắc, của khối, sự trải nhẹ của ánh sáng. Tuy chúng rất nhẹ nhàng, có vẻ gì đó mong manh nhưng cũng không kém phần sinh động. Một không gian bình yên với sự nhảy nhót của hòa sắc, của ánh sáng dù không dữ dội nhưng vẫn đủ cho ta cảm nhận có một mạch sống căng tràn bên trong. Qua những tác phẩm của mình, ngoài việc muốn lưu giữ lại vẻ đẹp bình dị, thuần khiết ở xung quanh, tôi còn hướng tới sự bình yên trong tâm hồn và cuộc sống” - họa sĩ Nguyễn Thị Huyền tâm sự.

“Hoa hồng” - tranh của nhà văn Trần Thị Trường.

“Hoa hồng” - tranh của nhà văn Trần Thị Trường.

Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường là một gương mặt quen thuộc. Bà được biết đến vì văn chương, nhưng kể từ khi bước vào con đường hội họa thì tên bà được biết đến rộng rãi hơn. Bà là một trong những người vừa tổ chức thành công cuốn sách của 6 nữ sĩ, có tên “Những người gánh sống trăng” với 24 phụ bản hoa hồng của bà vẽ trong năm 2024, gây được ấn tượng mạnh với độc giả văn học.

Nguyễn Bá Thanh, luôn được nhắc đến từ hồi còn trong đại học, thành công với chất liệu màu nước, quê ở Thái Bình, là thành viên của câu lạc bộ màu nước Hà Nội, đã từng tham gia nhiều triển lãm và cuộc thi về hội họa màu nước trong nước và quốc tế. Trước khi gắn bó với chất liệu màu nước, Nguyễn Bá Thanh đã nghiên cứu nhiều chất liệu khác như sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ… Với mỗi chất liệu, anh đều làm việc với sự nghiên cứu nghiêm túc và chỉn chu.

Nguyễn Bá Thanh chọn màu nước làm chất liệu cho sự nghiệp hội họa của mình vì sự trong trẻo của chất liệu này. Thanh từng được giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2023, Giải Nhất cuộc thi “Rực rỡ Ba Lan” do Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức...

“Giấc hồng” - tranh màu nước của họa sĩ Nguyễn Bá Thanh.

“Giấc hồng” - tranh màu nước của họa sĩ Nguyễn Bá Thanh.

Nguyễn Bá Thanh cho biết, con đường phía trước của anh còn dài, anh còn được nhiều thời gian để trải nghiệm nên muốn được cầu thị lắng nghe sự đón nhận của cuộc đời khi tranh của mình được tiếp cận trực tiếp với người thưởng ngoạn. Với mong ước mang nghệ thuật đến với cuộc sống và được sống với nghệ thuật, hội họa với Nguyễn Bá Thanh không chỉ là đam mê mà còn là một nỗ lực không ngừng nghỉ để thành quả của nó sẽ là món quà gửi tới mọi người và cho chính bản thân mình.

*

Nhân triển lãm của 4 họa sĩ hôm nay, những ngày cuối cùng của năm 2024, tôi nghĩ về năm mới và tương lai của chúng ta. Người ta nói, dân giàu nước mạnh, có thực mới vực được đạo, văn hóa nghệ thuật hiện nay đang phản ánh điều đó. Từ kiến trúc đến văn chương, từ hội họa đến âm nhạc, từ sân khấu đến điện ảnh, chúng ta đang bước những bước ngoạn mục.

Những thành quả văn hóa nghệ thuật đang hiện diện khắp nơi trên đất nước ta. Người dân no ấm hạnh phúc thì đời sống tinh thần cũng được chú trọng. Những buổi diễn âm nhạc hàng vạn người xem, rất trật tự, chương trình rất cuốn hút. Sân khấu luôn sáng đèn. Phim Việt được tán thưởng, hội họa thì dường như kín hết các phòng triển lãm trong cả nước. Nhiều công trình kiến trúc đẹp và hiện đại làm vẻ vang cho quốc gia… Xin chúc mừng năm mới 2025 đang đến.

Thương Huyền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mien-thuong-mot-trien-lam-hoi-hoa-thu-vi-i754737/
Zalo