Miền nhớ...

Đã 15 năm trôi qua, kỷ niệm dù vui hay buồn đều trở thành miền nhớ. 15 năm - theo dòng chảy của thời gian, cảnh chùa xưa đã thay đổi khá nhiều, có những người xưa tản mác đi làm Phật sự khắp nơi, cũng có người đã đi về chốn hư vô.

"Nếu mùa xuân trời đã vay huyết mạch của sông dài biển cả, thì từ hạ sang thu, trời cũng trả mưa dầm. Trong vũ trụ vô biên quả có định luật âm thầm. Trời không ghét không thương, trời cứ thản nhiên mưa nắng…” - câu hát cải lương gợi nhắc dòng thời gian âm thầm luân chuyển, đông sang, hạ tàn rồi xuân tới… mang theo biết bao hoài niệm của mỗi đời người.

Tôi có cả một thời thanh xuân gắn liền với mái chùa quê, nơi mà ngay lần đầu tiên, khi được cô Ba dẫn về thăm, tôi đã cảm thấy thân quen một cách kỳ lạ.

Ngày đó, xe cộ đi lại khó khăn, có khi đi từ lúc trời chưa ửng nắng, nhưng mãi khi mặt trời lên đỉnh mới đến chùa, thăm Thầy, dạo một vòng ngắm cảnh, rồi lại quầy quả ra đón xe để về cho kịp buổi hoàng hôn. Gặp ngày cuối tuần, xe nhét kín người, ngồi trong xe mà muốn ngộp thở, đến nơi, bước xuống thấy trời đất lăn quay. Cực vậy, nhưng tôi vẫn cứ tranh thủ rảnh lại chạy về chùa chút xíu, để tìm bình yên cho mình.

Tính tôi kỳ lắm, không ưa chỗ đông người và không thích giao tiếp nhiều. Những ngày đầu mới về chùa, ngoài Thầy trụ trì và cô H.Đ ra, tôi không quen ai cả. Sau này, khi cô H.Đ mất, những khi ra thăm chùa mà Thầy trụ trì bận việc, tôi thường hay ra phía sau nhà tổ, ngồi tựa cột nhìn quanh quẩn, chẳng biết đi đâu, làm gì.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhờ sự từ bi của quý thầy, sự quan tâm, cởi mở của quý cô, tôi dần thoát ra khỏi cái “vỏ ốc” của mình, sống chan hòa, vui vẻ hơn.

Quý cô đã ân cần chỉ dạy từ cách gấp mùng, mền sao cho thẳng, cho gọn; cách xếp quần áo ngay ngắn, đến “bí quyết” giặt đồ, phơi đồ sao cho không bị nhăn nhúm…; rồi hướng dẫn tôi đi dùng cơm quá đường. Tôi nhớ hoài buổi đầu tiên ngồi ăn cơm trên quá đường, khi nghe phục nguyện, lòng nghĩ thầm mỗi ngày các thí chủ đều được nguyện có nhiều ruộng lúa thế thì còn gì bằng. Nhưng còn những người không làm ruộng thì sao nhỉ? Tôi đem thắc mắc đó thưa với Thầy trụ trì, Thầy bật cười: “Ruộng phước thêm nhiều, đạo tâm thêm lớn… chứ không phải ruộng lúa con ơi!”. Sau đó, Thầy đã đưa một quyển sách hướng dẫn các nghi thức và các bài tụng niệm cho học, được cái, tôi thuộc rất nhanh.

Ở chùa, quý cô thường dùng bữa chiều sớm, trong khi ở nhà, tôi quen ăn cơm trễ. Có lần xuống bếp muộn nên bị hết cơm, thấy mặt tôi ỉu xìu, cô T. thương tình đã nhường cho chén cơm của mình. Cô H. đang ngồi gọt xoài chín ăn gần đấy, thấy tôi bưng chén cơm chan nước tương đến ngồi “ốm đói” trước mặt nên cầm lòng không đặng, gọt cho một miếng xoài vào chén, với lời “hăm he”: “Một miếng thôi nhe!”. Nhưng cô cứ vừa bỏ vào chén xong, ngước lên gọt, nhìn xuống là đã thấy hết, nên lại phải bỏ thêm… Cuối cùng, chịu hết thấu, cô phán: “Còn cái hột không hà chị hai!”.

Tôi đã đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi thấy quý cô phải theo thời khóa sít sao: tụng kinh, ngồi thiền, học kinh, lao tác - từ cuốc đất, làm vườn, làm rẫy, làm ruộng cho đến thêu thùa, may vá, nấu ăn; rồi sửa điện, sửa nước, sơn phết… tất cả mọi thứ quý cô đều làm được. Tôi nhớ, mình đã từng tròn xoe mắt đứng nhìn quý cô cắt gọt rau củ. Bàn tay các cô làm thật nhanh, thật gọn: miếng mỏng thì mỏng đều; miếng dày thì vuông vức… trông rất đẹp mắt. Tôi cũng bắt chước làm nhưng mà vụng về nên sản phẩm… xấu hoắc.

Mỗi khi Tết đến, tôi cũng hăng hái ngồi vo nhưn phụ quý cô gói bánh tét. Nhưng than ôi, dù cố gắng lắm nhưng cục nhưn nó hổng theo ý mình mà cũng chẳng giống của ai! Thấy thế, quý cô cứ động viên: “Không sao, ngày xưa, lúc chị mới vào chùa, chị cũng không biết làm gì. Cái gì mình cũng phải tập, từ từ rồi mới quen tay làm được”.

Rồi thấy quý cô thêu áo, từng đường kim, mũi chỉ, sao mà đẹp quá, thế là tôi hạ quyết tâm học thêu. Từng mũi kim theo bàn tay cô lên xuống thật đều và đẹp nhưng đến phiên mình thì hỡi ơi, không rớt kim thì rối chỉ, rồi mũi thêu lúc nhặt, lúc thưa… Cuối cùng, tác phẩm cũng hoàn thành để lại hậu quả là một cây kim cong vòng!

Thấy tôi ốm yếu, quý cô thương nên cũng không nỡ nhờ những việc nặng nhọc mà để tùy nghi theo khả năng của mình. Tôi nhớ có lần theo quý cô đi khiêng củi chất vào kho. Làm thợ vịn là chính chứ có khiêng được bao nhiêu đâu, vậy mà tối đó, tôi nằm xải lai, tay chân mỏi nhừ, mình mẩy ê ẩm. Trong khi đó, sau giờ thiền, quý cô vẫn phải chong đèn học bài, dịch kinh nữa. Nói đến việc dịch kinh mới nhớ, tôi thấy quý cô học chữ Hán, rồi tập dịch bài, thích lắm, nên cũng xin phép Sư cô dạy lớp cho theo học. Nhưng tiếc là không chữ nào đọng lại trong tôi quá lâu, ngoài: nhất, nhị, tam, nhân, tâm và Phật. Tôi học rớt từ lớp này qua lớp khác như “chim chuyền cành”. Cuối cùng tự nghỉ học cho đỡ… mắc cỡ.

Có những lúc âm thầm nhìn những cô trẻ - có vị nhỏ hơn tôi phân nửa tuổi đời, đi đứng oai nghi, ngồi thiền thẳng tắp, trong lòng dấy lên niềm cảm phục:

Sư tóc dài còn xanh

Tụng hoài “Sắc… sắc… không”

Bên thềm xao xuyến gió

Có nghe sóng trong lòng?

Tôi sống thiên về tình cảm, có phần ủy mị, hay thơ thẩn và hay thở than… nên bị Thầy thủ bổn quở hoài. Thầy muốn tôi mạnh mẽ lên, vì còn nương tựa là còn dao động. Lúc đầu không quen, chịu không nổi, cứ khóc hoài, nhưng sau đó, khi đi qua những chống trái của cuộc đời, tôi lại thầm niệm ân, bởi nếu không có những “tử ngữ” của Thầy ngày ấy, có lẽ, bản thân đã không đủ sức để vượt qua, để thấu hiểu được rằng:

“Ta ngồi chia chẻ sắc không

Nhìn đàn cò trắng bay trong chiều tà

Giả vờ ta chỉ có ta

Còn bao nhiêu thứ chỉ là chiêm bao”.

(Thơ Hạnh Huệ)

Tôi nhớ có lần đến nơi khác, chứng kiến chuyện bất bình đã về thưa với Thầy thủ bổn: “Con thấy mà thối tâm!”. Thầy bình thản: “Tội chưa, có cái tâm mà để bị thối rồi, còn làm ăn gì được nữa!”. Rất ngắn gọn, nhưng lời dạy ấy của thầy đã có sức lay động rất mạnh, để rồi giờ đây, mỗi khi phải chứng kiến nhiều chuyện thị phi, tranh tối - tranh sáng, tôi vẫn luôn tự nhắc mình đừng để tâm “bị thối”.

Tôi thấy mình thật may mắn khi có duyên lành được gặp Phật pháp, được tìm hiểu giáo lý nhà Phật và có diễm phúc khi được gần gũi, học tập nếp sống, cách sống của đời thiền sinh. Và càng học, tôi càng cảm thấy mình dở tệ. Nhưng Thầy vẫn luôn động viên: “Dở nên mới phải học, phải tu con à! Con hãy tập, trong mọi việc, luôn làm hết lòng với một tâm tỉnh giác”.

Đã 15 năm trôi qua, kỷ niệm dù vui hay buồn đều trở thành miền nhớ. 15 năm - theo dòng chảy của thời gian, cảnh chùa xưa đã thay đổi khá nhiều, có những người xưa tản mác đi làm Phật sự khắp nơi, cũng có người đã đi về chốn hư vô. Duy chỉ có tôi vẫn chưa đủ nhân duyên để xuất gia, sống đời phạm hạnh nhưng vẫn tự tìm cho mình niềm vui nho nhỏ trên con đường từ Sài Gòn về chùa vào mỗi cuối tuần, bỏ lại phía sau lưng những tất bật, ồn ào, bon chen, hối hả... Và như nhánh cây, bụi cỏ mọc xen giữa những tảng đá, dù đời sống có khắc nghiệt, chúng vẫn cố gắng vươn mình để đón ánh mặt trời, hứng giọt sương đêm…

Phật vẫn chờ con cuối con đường đó chứ,

Con về sau, hoa có nở liên đài?

(Thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

T.Trúc/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/mien-nho-post74536.html
Zalo