Miễn học phí đối với học sinh công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh dân lập, tư thục

Dự thảo nghị quyết quy định miễn, hộ trợ học phí việc hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục.

Sáng 22/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Dành khoảng 30.600 tỷ đồng để miễn học phí

Dự thảo nghị quyết gồm 5 điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; chính sách miễn, hỗ trợ học phí; kinh phí thực hiện; tổ chức thực hiện; điều khoản thi hành. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, dự thảo nghị quyết quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày dự thảo Nghị quyết quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày dự thảo Nghị quyết quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập.

Quy định trong dự thảo nghị quyết cũng quy định việc hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. "Việc đề xuất hỗ trợ học phí cho cả đối tượng trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được hầu hết các cơ quan Trung ương, địa phương thống nhất, tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục" - Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh.

Thông tin về tác động của chính sách, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập). "Chính phủ ước tính tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả để thực hiện chính sách là khoảng 30.600 tỷ đồng (khối công lập là 28.700 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục 1.900 tỷ đồng). Nếu chưa có chính sách này, từ ngày 1/9, ngân sách Nhà nước vẫn phải đảm bảo 22.400 tỷ đồng chi trả cho các đối tượng học sinh được miễn học phí theo quy định hiện hành. "Như vậy, số ngân sách Nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỷ đồng" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Dự thảo nghị quyết chỉ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, không làm phát sinh các thủ tục hành chính hiện hành. Chính sách này còn góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình khó khăn; thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đối với phần học phí tiết kiệm được, tạo tâm lý tích cực…

Nên hỗ trợ theo phương thức cấp trực tiếp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung tờ trình về kinh phí thực hiện miễn, hỗ trợ đóng học phí cho người học Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác với nội dung các phụ lục thống kê kèm theo tờ trình để bảo đảm tính thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục của dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, về phương thức chi trả hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.

Ủy ban cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản của dự thảo nghị quyết; đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đánh giá việc bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học Chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện việc miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai nghị quyết này.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/mien-hoc-phi-doi-voi-hoc-sinh-cong-lap-ho-tro-hoc-phi-cho-hoc-sinh-dan-lap-tu-thuc-i769117/
Zalo