Miễn, hỗ trợ học phí: Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục

Ngày 22-5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Hỗ trợ học phí cho học sinh cơ sở giáo dục dân lập

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đến thời điểm hiện nay, ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn, giảm, không thu học phí các đối tượng gồm: miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi (kể cả trẻ em học ở cơ sở tư thục, dân lập); học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí; hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập; miễn học phí đối với học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; miễn học phí cho người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp; miễn, hỗ trợ học phí cho một số đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đối tượng yếu thế, đặc thù khác.

Cùng với đó, cả nước cũng thực hiện chính sách giảm 50%-70% học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh dân tộc (học ở trường công lập và trường dân lập, tư thục).

 Học sinh quận 1, TPHCM tham gia Ngày hội 50 năm phát triển giáo dục mầm non. Ảnh: THU TÂM

Học sinh quận 1, TPHCM tham gia Ngày hội 50 năm phát triển giáo dục mầm non. Ảnh: THU TÂM

Ngoài các quy định chung, hiện nay đã có 10 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của HĐND về hỗ trợ học phí năm học 2024-2025 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn (Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc). Mặt khác, kể từ ngày 1-9-2025, Chính phủ mở rộng thêm đối tượng học sinh THCS ngoài vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển (cả tư thục) được miễn, hỗ trợ học phí.

“Như vậy, ngoài quy định các đối tượng đã được ngân sách nhà nước miễn, hỗ trợ, không phải đóng học phí nêu trên, vẫn còn nhiều trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục đang phải đóng học phí”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Do đó, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập, trên cơ sở rà soát quy định hiện hành, Chính phủ trình bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí gồm: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Chiều 22-5, thảo luận về nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình và nhất trí cao bởi chính sách này không chỉ xóa bỏ rào cản tài chính cho người học, mà còn bảo đảm sự công bằng giữa trường công và trường tư, giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa học sinh chính quy và không chính quy.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM), nghị quyết giúp giảm áp lực tài chính, các gia đình yên tâm sinh đủ 2 con và nuôi con, góp phần bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước.

Điều mà hầu hết các đại biểu quan tâm, đề xuất là cần tính toán kỹ nguồn lực để bảo đảm thực hiện khả thi, nhất là ở các địa phương còn khó khăn. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, cùng với nghị quyết này, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngành giáo dục đang xây dựng phương án để không thu học phí từ năm học tới, hướng đến giáo dục phổ thông công lập không thu học phí.

Đề xuất áp dụng từ năm học 2025-2026

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc quy định hỗ trợ học phí cho người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm thể hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Quy định này phù hợp với Hiến pháp, Luật Giáo dục và chủ trương của Bộ Chính trị. Chính phủ mong muốn Quốc hội ban hành nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 này để áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026 (bắt đầu từ tháng 9-2025).

 Học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Tân Bình, TPHCM) trong giờ học vào tháng 4-2025. Ảnh: THU TÂM

Học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Tân Bình, TPHCM) trong giờ học vào tháng 4-2025. Ảnh: THU TÂM

Trước đó, số liệu thống kê năm học 2023-2024 của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có hơn 23 triệu học sinh (trong đó 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%). Số học sinh chia theo cấp học lần lượt là: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập, 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.

Với quy mô học sinh như vậy, tổng nhu cầu kinh phí để miễn, hỗ trợ học phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) là khoảng 30.600 tỷ đồng (trong đó khối công lập là 28.700 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.900 tỷ đồng).

Mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh, theo thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định. Trong đó, tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1-9-2025 theo các quy định hiện hành là 22.400 tỷ đồng.

Số tiền ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8.200 tỷ đồng (trong đó khối công lập là 6.900 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.300 tỷ đồng). Riêng kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết, tuy nhiên Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Khi Quốc hội chấp thuận thông qua nghị quyết, dự toán ngân sách năm 2025 sẽ phải điều chỉnh đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai thực hiện nghị quyết này.

Bà LÊ THỤY MỴ CHÂU - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Quan tâm bậc học mang tính nền tảng

Từ năm 1975 đến nay, ngành học mầm non đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Bước sang thế kỷ 21, bậc học đứng trước nhiều cơ hội mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các chương trình giáo dục tiên tiến được áp dụng, các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia lần lượt ra đời, đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp giáo dục hiện đại, lấy trẻ làm trung tâm.

Hiện nay, TPHCM có hơn 3.200 cơ sở giáo dục mầm non khang trang, hiện đại, trải rộng khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Chương trình giáo dục mầm non được đổi mới theo hướng tích hợp, chú trọng phát triển kỹ năng sống, tư duy sáng tạo và giá trị nhân văn cho trẻ.

Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước nói chung, TPHCM nói riêng trong việc chăm lo các thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

GS-TS NGUYỄN THỊ LAN - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

Tính toán bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách

Miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống trường công. Do đó, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên để đảm bảo chất lượng đào tạo đồng đều thực sự.

Thực tế hiện nay tồn tại một số loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành thực nghiệm, tư thục thì việc thực thi chính sách miễn học phí như thế nào cần được làm rõ. Đặc biệt, đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, Chính phủ cần tính toán cấp bù để đảm bảo nguồn cho các địa phương này, tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai thực hiện.

THU TÂM - PHAN THẢO ghi

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-ho-tro-hoc-phi-dam-bao-cong-bang-trong-tiep-can-giao-duc-post796413.html
Zalo