Miền di sản Huế lấp lánh trong văn chương nghệ thuật

Huế là một trong những miền di sản đặc sắc của cả nước, con người và thiên nhiên hài hòa giữa vẻ đẹp phô phang và tiềm ẩn. Văn hóa di sản tỏa hơi ấm từ lịch sử vương triều và lịch sử của ngay chính nghệ thuật mà tự nhiên đã tạo nên như những tinh hoa của thời gian. Vốn là kinh đô xưa, nên những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nơi đây, âu cũng là phần chắt lọc từ trong dân gian ở khắp miền, nên lẽ tất yếu thấm đẫm hồn dân tộc. Dấu ấn của văn hóa di sản đã để lại trong tác phẩm nghệ thuật từ trong lịch sử cho đến hôm nay.

Tranh vẽ 1 trong 13 cửa ra vào Kinh thành Huế của họa sĩ Đặng Mậu Triết.

Tranh vẽ 1 trong 13 cửa ra vào Kinh thành Huế của họa sĩ Đặng Mậu Triết.

Mỗi một văn nghệ sĩ đều muốn có một khuynh hướng sáng tác riêng, những đề tài khác biệt, để tạo nên điểm nhấn cho tác phẩm. Tuy nhiên ai cũng nâng niu và trân trọng vốn di sản và văn hóa sẵn có từ quê hương mình. Giá trị di sản và bản sắc văn hóa quê hương sẽ là sinh khí của nghệ thuật mỗi khi nó được nhào nặn qua các chất liệu trong sáng của từng thể loại. Tôi nhớ về ngày đầu tiên bức tượng “Cô gái Việt Nam” của họa sĩ Lê Thành Nhơn được đưa trở lại Huế (hiện giờ đặt đối diện với cổng trường Nữ sinh Đồng Khánh xưa), cùng với hai bức tượng khác của ông; từ đây đã xuất hiện một truyện ngắn trên Tuổi trẻ Cuối tuần; mang vẻ đẹp cùng vết xước của tình yêu, của thân phận chia lìa trong bộn bề bối cảnh chung. Thực tại luôn luôn sống động, đầy bí ẩn để tiếp đón và thách thức bất cứ nhà sáng tạo nào.

Vẻ đẹp miền Hương Ngự vừa thanh thoát, lãng đãng, sương khói vừa có tính chuẩn mực, và nhờ sự giữ gìn, phát huy giá trị của nó, Huế hài hòa giữa nét cổ điển và hiện đại. Không riêng gì dòng Hương Giang, sông Ngự Hà - con sông vắt ngang nội thành kinh đô bây giờ với tất cả cư dân nội thành Huế nói riêng, là niềm hạnh phúc trước sự hồi sinh kỳ diệu của một thực thể nước tưởng chừng khô rụi trong dĩ vãng. Những kẻ lãng du từng dõi theo bước hồi sinh của con sông này qua những bức ảnh, những dòng tin, những trang bút ký giàu tư liệu về hình hài sông xưa trong ký ức và sức quyến rũ như tranh của con sông hôm nay. Đó là niềm mong mỏi của người dân về những giá trị sẽ được phục hồi, được làm sáng thêm để giới thiệu với bạn bè phương xa, với du khách như là niềm tự hào thầm kín. Nặng lòng với di sản, với một dấu ấn khác, có người từng đi khắp trong Nam ngoài Bắc, tìm đến những cơ quan văn hóa nghệ thuật, các nhà hát tuồng, gia đình các nghệ sĩ, diễn viên tuồng, các nhà nghiên cứu để tìm tiếp cận những tư liệu liên quan đến nghệ thuật tuồng, nhất là tìm những kịch bản tuồng cổ của Huế lưu lạc. Nhiều giá trị về di sản văn hóa như vậy, nhờ vậy đã được lưu giữ, giới thiệu nhằm phát huy tinh thần và trách nhiệm trước tinh hoa vốn cổ.

Thiên nhiên miền cố xứ luôn mộng ảo, với hệ thống cây xanh lâu năm rất dày trên các đường phố. Nhiều con đường đã gắn với văn chương nghệ thuật như “đường phượng bay mù không lối vào” trong Mưa hồng của Trịnh Công Sơn; đường Nguyễn Trường Tộ với những cây long não già ẩn chứa trong trang văn tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường; và bóng thiếu nữ như còn vương trên đoạn đường qua gác Trịnh, rồi lên con dốc Phủ Cam vời vợi cây thánh giá giữa mênh mang trầm mặc. Mỗi con đường xứ Huế luôn mang trong nó câu chuyện riêng tư lãng đãng ít người hiểu thấu nỗi niềm, xưa nay vẫn là nơi mà văn nghệ sĩ ghé thăm, ngang qua và ngồi lại với dòng hoài niệm. Cảm giác bên ly cà phê vỉa hè hay trên hành lang mà Trịnh và Hoàng Phủ từng nhìn xuống, dường như phố cũng lặng im, con người lặng im, mọi sự hữu thanh trong chiều sâu thẳm mênh mang đất trời. Vẻ đẹp của sự lặng yên mà các văn nhân đã gửi gắm đâu đó trong tác phẩm luôn toát lên ánh sáng trí tuệ trong lúc họ lại biết ẩn mình giữa niềm mơ của sương khói.

Trân trọng thiên nhiên là sự rút ngắn của chặng đường con người hòa nhập với miền trong xanh bất tử bên ngoài cái ta. Một thành phố biết nâng niu trân trọng giá trị thiên nhiên là điều dễ dàng nhất để cân bằng với mặt trái của tư duy công nghiệp, với khói bụi, ô nhiễm cùng nhiều hệ lụy ngấm ngầm. Bên cạnh bóng dáng của mai vàng trước ngõ, trước các công sở và hơn thế là những vườn mai nơi công cộng, phong trào gìn giữ và phát triển mai vàng xứ Huế đang được ươm thêm với loại giống quý hiếm mà cũng không dễ trồng này. Tôi nhớ có năm cơn bão lớn đã quật ngã cây xà cừ cổ thụ; thay vì cưa thân đào gốc, thành phố đã chủ trương trồng lại cây này. Mỗi lần ngang qua tôi đều nhìn vào lão cây mà mỗi nhánh đều mang sức nặng của tháng năm nay không biết còn đủ sức nảy mầm. Cảm giác chờ mong một mần nhỏ khiến cho thân cây đen xì xù sì ấy càng đẹp lên lúc màu hồng của mầm tua tủa dưới nắng.

Có một chiều tôi ngồi bên bờ bắc sông Hương và thấy đàn cò trắng bay về như một hoài niệm xa xỉ thức giấc. Không phải lúc nào tôi cũng ngồi đây, nhưng mà lâu lắm rồi, lâu đến nỗi tôi không còn nghĩ là sẽ gặp một đàn cò bay là là trên sông, bay qua quầng mây ánh vàng sẫm đỏ, bay qua mặt trời như đàn sâm cầm xứ Bắc, rồi đậu lại trắng toát trên một cây gần bờ sông bên kia, nơi có thể chúng bị hại bất cứ lúc nào. Điều này càng trân trọng hơn nữa một văn bản đầu năm 2020 thấm đẫm nhân văn - chỉ thị từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu việc cấm săn bắt, mua bán, giết mổ các loài chim trời. Câu chuyện về tấm lưới giăng phủ lên tàng cây chụp lấy trăm ngàn cánh chim đã hiếm đi, và những đàn cò, bầy chim đầm phá cũng không giật mình thảng thốt về một tiếng nổ vọng lại. Những bức ảnh về nỗi bình yên của đôi cánh, sự thanh bình kiếm ăn của muôn loài ở những vùng hoang và trong thành phố đã xuất hiện nhiều thêm. Nhiều lần trong khuôn viên Tạp chí Sông Hương tôi cũng chứng kiến những loài quý hiếm thong dong chuyền cành như chính niềm mơ ước thanh bình của chúng.

Thiên nhiên là vốn văn hóa, là di sản dành cho thế hệ tiếp nối. Di sản đã không mang nét thô cứng, quá nghiêm cẩn, mà với văn nghệ sĩ, là tiềm năng luôn lấp lánh trong tác phẩm của họ. Họ đến với di sản như đến với tri âm, tỏ bày những xúc cảm không thể nói hết. Tôi từng được xem buổi triển lãm tranh đầy hoài niệm của họa sĩ Đặng Mậu Triết: Cửa gió phai. Một không gian thật đẹp, bước từ ngoài vào đã thấy như trở về cổ tích, với khoảng sân rộng, ngôi nhà vốn xưa là của bộ Công triều Nguyễn, từng bậc thang đưa ta lên với gam màu cũ của tường rêu, và cánh cửa sổ mở đón gió phai nhẹ trong nắng chiều. Anh đã vẽ toàn bộ 13 cổng vào Kinh thành Huế và 4 cổng vào Hoàng thành ở cả hai mặt. Đó là rêu phong, là gió, lá bay trong chiều thời gian ngả màu cùng loang lổ ký ức.

Có thể nói, dấu ấn của di sản văn hóa chỉ khi ngấm sâu vào tâm thức của người nghệ sĩ, thì tác phẩm tự khắc mới cưu mang được ý tưởng lớn và tính nhân văn sâu sắc. Di sản, văn hóa xưa và nay sẽ luôn là nguồn tư liệu phong phú, là chất liệu đặc sắc, là nguồn cảm hứng chứa minh triết của nghệ thuật. Những cây viết lớp sau không khỏi ngưỡng mộ tài năng và thành công của nhà văn Trần Thùy Mai ở tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn. Nhà văn gần như chỉ đưa ra những trang viết tài hoa pha chút ngôn tình nhẹ như không cần sự cố gắng nào. Ở hai tiểu thuyết gần đây của nhà văn viết về Công chúa Đồng Xuân và Từ Dụ thái hậu, vén nhiều bức màn cung cấm, những gương mặt lịch sử sáng hơn về nghĩa có phần trái chiều nhưng hơn hết là một thời vàng son đan xen nước mắt được phủi bụi để chưng diện trước nghệ thuật.

Trong văn hóa có di sản, trong di sản chứa những vỉa tầng và cung bậc của văn hóa; tác phẩm nghệ thuật thì khéo léo cất giữ những tinh hoa của văn hóa và di sản. Lịch sử nghệ thuật cũng như khoa học lịch sử nghe khô khan song là nguồn tư liệu và cảm hứng màu mỡ để nghệ thuật mang thêm nhiều giá trị và thăng hoa.

Sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật cũng là trách nhiệm, tâm huyết của người nghệ sĩ trước bản sắc văn hóa và di sản. Hai yếu tố này sẽ tương tác để cùng gìn giữ nhau trước thời gian. Vẻ đẹp của Huế là sự hội tụ, hòa quyện giữa vẻ đẹp của văn hóa, di sản, con người và thiên nhiên nơi đây. Những vẻ đẹp của văn hóa và di sản sẽ luôn sống động, luôn phát sáng và để lại dấu son trong tác phẩm nghệ thuật, nếu tác giả biết trân trọng, biết nương vào để sáng tạo nên những tuyệt phẩm cho tâm hồn.

NHỤY NGUYÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mien-di-san-hue-lap-lanh-trong-van-chuong-nghe-thuat-10291134.html
Zalo