Lễ hội áo dài 'Linh phụng': Tỏa sáng vẻ đẹp văn hóa Huế

Lấy cảm hứng từ chim phụng - biểu tượng của sự duyên dáng và hạnh phúc vĩnh cửu, 12 bộ sưu tập giới thiệu trong Lễ hội áo dài 'Linh phụng' mới đây để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc trong lòng công chúng, khán giả.

 Lễ hội áo dài là chương trình nghệ thuật độc đáo, thể hiện bằng ngôn ngữ của thời trang, âm nhạc, hát và vũ khúc

Lễ hội áo dài là chương trình nghệ thuật độc đáo, thể hiện bằng ngôn ngữ của thời trang, âm nhạc, hát và vũ khúc

Trên sân khấu lộng lẫy bên dòng Hương, các bộ sưu tập áo dài tuyệt đẹp của các nhà thiết kế (NKT), các thương hiệu áo dài được trình diễn lãng mạn, nên thơ như mùa thu xứ Huế.

“Linh Phụng” là chủ đề của Chương trình nghệ thuật áo dài - Festival Huế 2024 trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu. Chương trình quy tụ các NTK và thương hiệu đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế như Vũ Việt Hà; Quang Huy; Đức VinCie, Hữu Là La; Trần Thiện Khánh; Quang Hòa; Viết Bảo; Xuân Hảo, Đoan Trang, Cẩm Sa; La Mua, Về miền Hương Ngự…

Trong văn hóa Việt, hình tượng Phụng (phượng hoàng) xuất hiện từ rất sớm, một hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt. Phụng trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc. Trưởng ban Nội dung Festival Huế 2024 Nguyễn Phước Hải Trung chia sẻ, một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí cung đình Huế là phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Từ nghệ thuật truyền thống, linh vật rồng - phượng đã đi vào mỹ thuật cung đình Huế, là biểu trưng cho sự khai mở, khát vọng một xã hội thái bình, thịnh trị.

Theo Tổng đạo diễn chương trình Lễ hội áo dài Lê Quang Tú, các NTK lấy cảm hứng sáng tạo từ hình tượng “phụng” trong trang trí kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn kết hợp vẻ đẹp trang phục áo dài Việt Nam hiện đại. “Từ câu chuyện của phụng hoàng trong truyền thuyết được hiện thực hóa trên những tà áo dài dịu dàng với nét tinh tế và lãng mạn nhất”.

Gắn bó với Huế từ những kỳ Festival đầu tiên, NTK Vũ Việt Hà (Hà Nội) mang đến bộ sưu tập “Bách phụng cát tường” với các chi tiết được phóng tác từ hoa văn trên trang phục cổ Triều Nguyễn, sử dụng chất liệu chủ đạo là lụa tơ tằm. Họa tiết mô phỏng hàng trăm chim phụng cùng bay, đậu, múa… được thêu tay truyền thống. “Ý tưởng mà tôi gửi gắm qua mỗi thiết kế là sự hạnh phúc, an nhiên, cầu chúc mọi sự tốt lành từ bách phụng”, NTK Vũ Việt Hà nói.

Với niềm đam mê và phong cách riêng biệt, NTK Quang Hòa mang đến bộ sưu tập áo dài ngũ thân độc đáo “Phụng tường vân và Phụng chầu nhật nguyệt châu”. Nghệ nhân áo dài Đặng Viết Bảo với mong muốn góp phần định vị du lịch, văn hóa Huế qua hình ảnh chiếc áo dài. Thiết kế của anh lấy cảm hứng từ tranh dân gian, họa tiết mỹ thuật cung đình và hội họa. Anh tự in, nhuộm để thiết kế nên nhiều mẫu áo dài mang bản sắc văn hóa riêng của Huế. “Phụng vũ ngô đồng và Phụng hoàng triều phúc” là tên gọi bộ sưu tập áo dài anh giới thiệu đến công chúng với lời chúc phúc ý nghĩa “Phúc ấm ngàn đời cây trổ lộc/ Đức dày muôn thuở nhánh đơm hoa”.

Được biết đến là NTK với những bộ sưu tập mang đậm dấu ấn Huế, Xuân Hảo luôn phát huy những chất liệu truyền thống để “thổi hồn” vào tác phẩm của mình, làm sống lại những làng nghề truyền thống tưởng chừng quên lãng. “Phụng hoàng minh hĩ” lấy cảm hứng từ dáng vẻ phụng hoàng kiêu hãnh, diễm lệ đậu trên lầu son, gác tía của cung Diên Thọ, cung Trường Sanh. Thiết kế của anh theo phong cách Pop Art đương đại, trẻ trung, kết hợp các mảng màu mạnh, tươi mới mang đến sắc thái sống động, hiện đại. Mỗi họa tiết, hình ảnh sắp đặt đều mô tả vẻ đẹp kỳ ảo của hình tượng phụng hoàng…

Từ những chất liệu thiên nhiên, cao cấp cùng sự tinh tế của bàn tay nghệ nhân, 12 bộ sưu tập áo dài ra mắt công chúng lần này thấm đẫm vẻ đẹp văn hóa Huế và hồn Việt. “Thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải là hãy yêu tà áo dài nhiều hơn. Yêu những nét văn hóa truyền thống và hãy gìn giữ, phát triển nó mỗi ngày”, Tổng đạo diễn Lê Quang Tú gửi gắm.

Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/le-hoi-ao-dai-linh-phung-toa-sang-ve-dep-van-hoa-hue-146405.html
Zalo