Mệnh lệnh từ trái tim
Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, LLVT tỉnh luôn xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN), bảo vệ tính mạng, tài sản Nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, đây là một mệnh lệnh từ trái tim của những cán bộ, chiến sỹ 'Bộ đội Cụ Hồ'.
Sẵn sàng trong mọi tình huống
Nhớ lại buổi chiều ngày 18/11 vừa qua, người dân không khỏi bàng hoàng khi nhận thông tin có 5 học sinh bị đuối nước ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông. Ngay khi có tin báo, công an, quân đội cùng các lực lượng chức năng đã nhanh chóng huy động hơn 500 cán bộ, chiến sỹ cùng 20 ca nô thâu đêm, suốt sáng liên tục tìm kiếm phạm vi dọc 40km về phía hạ lưu sông Hồng. Sau hơn 1 ngày và 2 đêm không mệt mỏi, các lực lượng chức năng đã tìm thấy toàn bộ thi thể của nhóm 5 học sinh bị đuối nước.
Trước đó, nhiều người vẫn còn nhớ sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão. Cũng như các tỉnh, thành ở phía Bắc, trên địa bàn tỉnh từ ngày 7 – 11/9/2024 đã có mưa to, nhiều nơi mưa rất to. Lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp các hồ thủy điện xả lũ làm mực nước các sông trên địa bàn tỉnh lên nhanh, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, trong đó các huyện Hạ Hòa, Phù Ninh, Đoan Hùng, Cẩm Khê... đã bị ngập lụt, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Trước tình hình đó, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Với phương châm “4 tại chỗ”,“3 sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ, dân quân cùng phương tiện các loại phối hợp với các đơn vị trực thuộc Quân khu 2 điều động giúp sơ tán người và tài sản, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị LLVT đã di dời khẩn cấp 7.015 hộ dân do ngập lụt, sạt lở đất; giúp 4.500 hộ dân trở về gia đình ổn định cuộc sống; nạo vét 34.198m3 đất bùn, khơi thông 4,5km cống rãnh, vận chuyển, san gạt 850m3 đất bị sạt lở...
Cũng trong thời gian này đã xảy sự cố ra sập nhịp cầu Phong Châu. Ngay lập tức, Bộ CHQS tỉnh đã thiết lập 2 Sở Chỉ huy tại hiện trường ở hai bên đầu cầu để thực hiện nhiêm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đồng thời hiệp đồng với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, trục vớt phương tiện dưới sông; sẵn sàng cùng lực lượng của Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh, Lữ đoàn 543, Quân khu 2 lắp đặt cầu phao, đảm bảo giao thông thông suốt.
Đại tá Đỗ Duy Trinh - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để chủ động trong công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai, Bộ CHQS tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Trước khi bước vào mùa mưa bão, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực rà soát các địa bàn trọng yếu, nơi có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, trên cơ sở đó điều chỉnh các phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện. Khi có tình huống, Bộ Chỉ huy thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ công tác PCTT&TKCN, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Khẩu đội súng cối bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2024.
Sáng mãi hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ"
Mỗi khi xảy ra bão lũ, thiên tai, địch họa, tất cả cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đều tự xác định, nhận thức cao trách nhiệm của mình là phải tiên phong cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng khác giúp Nhân dân qua cơn nguy cấp. Điển hình, thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố như: Cháy rừng tại Thanh Sơn, Cẩm Khê; sạt lở trên tỉnh lộ 321; thiên tai, bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 và hoàn lưu bão ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh, sự cố sập nhịp cầu Phong Châu. Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động 1.441 lượt bộ đội, 14.345 lượt dân quân cùng phương tiện các loại phối hợp xử trí kịp thời sự cố xảy ra, giúp Nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.
Đại tá Nguyễn Mạnh Tưởng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh nhớ lại: “Trong những ngày xảy ra cơn bão số 3, chúng tôi tổ chức lực lượng túc trực tại hiện trường 24/24h, kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương đến địa điểm mà Nhân dân cần khắc phục để ứng cứu kịp thời, đưa bà con đến nơi an toàn, bảo đảm tuyệt đối tính mạng cho người dân”.
Sự có mặt chi viện kịp thời của LLVT tỉnh đã tạo nên nguồn lực đặc biệt quan trọng, giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Những hình ảnh giúp di dời người dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, trường học, sửa chữa, khắc phục thiệt hại sau thiên tai để người dân sớm ổn định cuộc sống; tích cực, khẩn trương tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... sẽ mãi là những hình ảnh cao đẹp về người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng của mỗi người dân Đất Tổ và đồng bào cả nước, thể hiện tình quân dân gắn bó, tinh thần vì Nhân dân phục vụ.
Với sứ mệnh vẻ vang, LLVT tỉnh luôn là nòng cốt trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thảm họa thiên tai, đặc biệt là nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ bình yên cho Nhân dân đón mùa Xuân mới, bảo vệ an toàn, phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại, những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong thời gian tới. Trên hành trình thực hiện các nhiệm vụ cao cả ấy, những người lính không chỉ là người bảo vệ mà còn là những người bạn đồng hành, sẻ chia, gánh vác với người dân bởi những người lính đều từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, chiến đấu... Đây luôn là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương Đất Tổ.