Chuyển đổi số đã'chạm' từng ngõ, đến từng nhà
'Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến 'từng ngõ, từng nhà, từng người' - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nêu rõ. Và nhìn vào những điển hình chuyển đổi số tại nhiều địa phương, có thể thấy rõ những chuyển biến tích cực ấy.
Lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số
Hà Nội - địa phương được xem là đi đầu trong việc thực chuyển đổi số. Trong đó, với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Thủ đô cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Để thực hiện được những quyết tâm trên, Hà Nội đã thực hiện kế hoạch đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tuyên truyền công tác chuyển đổi số; bên cạnh việc triển khai cài đặt ứng dụng “Ứng dụng Công dân Thủ đô số” - iHaNoi đến toàn thể người dân, Hà Nội đã thành lập gần 5.000 tổ chuyển đối số cộng đồng, với hơn 30.000 thành viên với nhiệm vụ phổ cập công nghệ số, kỹ năng số đến từng người, từng thôn, xóm. Nhờ đó, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý, kinh doanh…
Điển hình như, tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), việc quản lý người thuê trọ bằng ứng dụng quản lý phòng trọ đã được triển khai tới 370 chủ trọ trên địa bàn phường. Đến nay, toàn bộ chủ trọ trên địa bàn phường đã thông báo tới 4.200 người thuê trọ cài đặt phần mềm, khai báo thông tin cư trú, phục vụ công tác quản lý rất thuận lợi. Trong đó, khi người thuê trọ đến - đi, đều khai báo qua ứng dụng, công tác quản lý cư trú, biến động dân cư trên địa bàn phường nhờ đó được nắm bắt rất sát sao.
Anh Ngọc Tiến - một chủ nhà trọ tại phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) cho biết, kể từ khi được cán bộ phường tuyên truyền cài đặt phần mềm quản lý phòng trọ, các chủ nhà trọ, người thuê nhà đã giảm bớt được rất nhiều sự phiền toái về thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại… “Hiện nay ai cũng có điện thoại thông minh, vì thế, khi được tuyên truyền về việc cài đặt phần mềm quản lý phòng trọ chúng tôi triển khai ngay. Những tưởng phần mềm quản lý số này khó sử dụng, nhưng khi cài đặt mới thấy nó rất đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều”, anh Ngọc Tiến nói.
Là địa phương có điểm xuất phát thấp, tuy nhiên xác định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Nhằm thực hiện mục tiêu đã đặt ra, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tập trung cho chuyển đổi số, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật để hình thành nên các nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng đến nay Hà Tĩnh cũng đã đạt được những thành công nhất định khi đưa chuyển đổi số “len lỏi” vào từng thôn xóm, bản làng, mang lại thay đổi tích cực đến cuộc sống của từng người dân.
Để nhận lương hưu, nhiều năm về trước bà Nguyễn Thị Minh (thôn Hợp Trùa, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang) đều phải tới điểm chi trả hoặc viết giấy ủy quyền khi không có mặt ở địa phương. Tuy nhiên, từ tháng 5/2024 đến nay, được nhân viên BHXH huyện và cán bộ ngân hàng đến tư vấn, hỗ trợ sử dụng, bà đã quyết định mở tài khoản ngân hàng để hàng tháng không phải mất thời gian, công sức đi nhận tiền như trước đây.
Theo bà Minh, khi nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng, bà nhận thấy dịch vụ này rất tiện lợi, hợp với xu thế. Tuy ban đầu có chút khó khăn nhưng hiện tại, bà đã quen với việc nhận lương qua tài khoản. Tới ngày nhận, bà không còn phải đến các điểm chi trả rồi phải xếp hàng đợi nhận tiền, ký sổ xác nhận mà tiền được chuyển về trong tài khoản đúng ngày, nhanh chóng.
Cùng quan điểm với bà Minh; bà Hoàng Thị Tuyết ở tổ dân phố 4 (thị trấn Vũ Quang) cho biết thêm, thời gian đầu làm quen với hình thức này, bà cũng gặp một số khó khăn nhất định với việc sử dụng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn bởi cán bộ tổ chuyển đổi số cũng như con cháu hướng dẫn, bà đã có thể sử dụng cơ bản dịch vụ ngân hàng. Nếu cần tiền mặt, bà sẽ nhờ con cháu đi rút tại các máy ATM. Theo bà Tuyết, đây là cách thức bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Nỗ lực để có thêm nhiều “trái ngọt”
Có thể nói, đến nay nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện tốt kế hoạch đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động. Từ cách làm này đã góp phần thay đổi từng bản làng, thôn xóm, khu phố, góp phần quan trọng vào hoạt động điều hành của chính quyền các địa phương và cao hơn nữa là thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số của đất nước.
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, dù ngồi bất cứ nơi đâu họ đều nắm bắt được các thông tin thời sự, kinh tế và có thể thanh toán các khoản tiền như điện, nước, tiền học... Mọi thông tin, dịch vụ đều cập nhật, thực hiện trên điện thoại; thậm chí, ngay cả việc mua, bán hàng hóa cũng thanh toán bằng hình thức quét mã QR, bảo đảm nhanh gọn, chính xác…
Những “trái ngọt” kể trên không tự nhiên mà có, mà đó là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, thôn bản trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn.
Điều đó đã minh chứng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đưa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn mới - phát triển theo chiều sâu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.
Nhằm xây dựng một trụ cột quan trọng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ đắc lực và hiện đại hóa công tác quản lý xã hội, Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; dự kiến đến quý IV/2025, Trung tâm sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tích hợp, đồng bộ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người, bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Kho dữ liệu về con người, bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ cho xã hội. Từ đây, sẽ thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ dựa trên dữ liệu, các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn. Hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng, phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số…