Meme coin của các tổng thống khuấy đảo thị trường tiền ảo
kinhtedothi - lNhững ngày gần đây, thế giới tiền ảo liên tục 'dậy sóng' trước sự nổi lên của hàng loạt đồng tiền meme (meme coin) được hậu thuẫn bởi những nhân vật quyền lực, từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Tổng thống Argentina Javier Milei.
Cơn sốt từ Nhà Trắng
Đầu năm 2025, Tổng thống Donald Trump tạo nên cơn sốt trên thị trường tiền ảo khi ra mắt đồng TRUMP trên nền tảng blockchain Solana. Được quảng cáo là "đồng tiền meme chính thức duy nhất" của ông, TRUMP nhanh chóng tăng vọt từ 0 lên 73 USD chỉ trong vài ngày, đạt vốn hóa thị trường hơn 14,5 tỷ USD.
Sự kiện này trùng với thời điểm diễn ra "Bữa tiệc tiền ảo" tại thủ đô Washington DC do David Sacks, một cố vấn của Tổng thống Trump, tổ chức. Tuy nhiên, cơn sốt không kéo dài. Chỉ 2 tuần sau, giá TRUMP lao dốc 66%, khiến 200.000 nhà đầu tư bán lẻ chịu tổn thất nặng.
Không dừng lại ở đó, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump cũng giới thiệu đồng meme có tên gọi MELANIA. Theo dữ liệu thị trường được trang tin CoinDesk ghi nhận, trong vòng 12 giờ sau khi ra mắt, giá đồng MELANIA tăng vọt 24.000%, đạt mức 13 USD, trước khi giảm 80% trong thời gian ngắn sau đó.
Đáng chú ý, một ghi nhận từ công ty phân tích blockchain Chainalysis tiết lộ khoảng 80% nguồn cung của đồng MELANIA được kiểm soát bởi một ví duy nhất, thường được gọi là "cá voi" trong lĩnh vực tiền ảo. Điều này làm dấy lên những quan ngại về sự tập trung quyền sở hữu và mức độ minh bạch của dự án.

Sự xuất hiện của những đồng tiền meme như TRUMP, MELANIA hay $LIBRA tạo ra những biến động đáng kể trên thị trường tiền ảo. Nguồn: Cryptonews.com
Cả hai đồng TRUMP và MELANIA đều đối mặt với nhiều tranh cãi. Một số nhà phân tích và đầu tư cho rằng các đồng tiền này có dấu hiệu của mô hình "bơm và xả" (pump and dump), trong đó giá trị của chúng được thổi phồng trước khi mất giá, gây thiệt hại cho những người tham gia muộn. Các ý kiến này dựa trên thực tế rằng cả 2 dự án đều gắn liền với danh tiếng của gia đình Trump, vốn thu hút sự chú ý lớn từ công chúng và nhà đầu tư cá nhân.
Bong bóng $LIBRA vụn vỡ
Trong khi Mỹ chao đảo vì TRUMP và MELANIA, thì Argentina cũng hứng chịu cú sốc từ đồng $LIBRA. Tối 14/2, Tổng thống Javier Milei - người tự nhận là "nhà vô địch của Bitcoin" - sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội X để quảng bá $LIBRA, loại tiền ảo gắn liền với Dự án Libertad - một sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc sử dụng tiền ảo và công nghệ blockchain.
Sự ủng hộ từ một nhân vật lớn như tổng thống Argentina ngay lập tức tạo sức hút lớn, khiến giá trị của đồng $LIBRA tăng vọt từ mức khởi điểm khoảng 0,22 USD lên hơn 5 USD chỉ trong vài phút sau khi ra mắt.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn ngủi này nhanh chóng biến thành thảm họa khi ông Milei đột ngột xóa bài đăng trên. Chỉ sau đó khoảng 1 giờ, giá trị của $LIBRA bắt đầu lao dốc không phanh, giảm khoảng 70% và hiện chỉ còn dao động quanh mức 0,30 USD, theo dữ liệu từ trang web theo dõi giá trị tiền ảo CoinMarketCap.com.
Sự sụp đổ của $LIBRA khiến Tổng thống Milei trở thành tâm điểm chỉ trích, bất chấp những biện hộ của nhà lãnh đạo 54 tuổi rằng ông hành động với thiện chí, chỉ nhằm lan truyền thông tin chứ không trực tiếp hưởng lợi từ dự án. Phe đối lập cáo buộc ông Milei tham gia vào một "mối quan hệ bất hợp pháp" và chịu trách nhiệm trực tiếp cho mức thiệt hại lên đến hơn 4 tỷ USD, ảnh hưởng đến hơn 40.000 người.
Không chỉ làm hoen ố hình ảnh cá nhân của Tổng thống Milei, vụ bê bối $LIBRA còn tác động đến thị trường tài chính ở Argentina. S&P Merval, chỉ số chứng khoán chính của nước này, giảm hơn 5% tại phiên giao dịch sáng 17/2, trong khi đồng peso Argentina mất 2% giá trị so với USD trên thị trường trao đổi song song.
Chính trị và tiền điện tử: mối họa khó lường
Trên thực tế, các vụ bê bối liên quan đến đồng TRUMP, MELANIA hay $LIBRA không phải trường hợp cá biệt. Tại Cộng hòa Trung Phi, Tổng thống Faustin Archange Touadéra từng giới thiệu đồng meme CAR vào năm 2022 để "tài trợ phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi ra mắt, giá trị đồng CAR sụp đổ 97%, từ mức cao nhất là 0,15 USD xuống còn dưới 0,005 USD. Thậm chí, mạng xã hội X đã đình chỉ tài khoản quảng bá CAR do nghi ngờ về tính hợp pháp của dự án.
Nhìn rộng hơn, thị trường tiền ảo dường như đang lặp lại một chu kỳ quen thuộc. Năm 2017, các đợt phát hành tiền xu ban đầu (ICO) gây sốt toàn cầu, nhưng hơn 80% dự án thất bại hoặc bị xác định là lừa đảo. Đến năm 2021, cơn sốt tài sản số không thể thay thế (NFT) bùng nổ, với giá trị giao dịch đạt đỉnh 23 tỷ USD trước khi nhiều bộ sưu tập NFT mất giá trị hoàn toàn. Và giờ đây, các đồng meme như TRUMP, MELANIA hay $LIBRA tiếp tục khuấy động thị trường, nhưng cũng nhanh chóng sụp đổ, để lại thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư.
Javier Pastor, chuyên gia từ nền tảng giao dịch tiền ảo Bit2Me, xem việc nhiều chính trị gia nhúng tay vào thị trường tiền ảo là "sai lầm lớn". Theo ông, khi các nhân vật quyền lực quảng bá những dự án thiếu nền tảng vững chắc, uy tín của toàn bộ ngành công nghiệp blockchain có nguy cơ bị xói mòn.
Thêm vào đó, giới phân tích chỉ ra rằng cơ chế hoạt động của các đồng meme như TRUMP, MELANIA hay $LIBRA thường dựa trên “lý thuyết kẻ ngốc”. Theo đó, giá trị của chúng tăng trưởng không phải do nội tại, mà phụ thuộc vào việc có người sẵn sàng mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, khi người nổi tiếng rút lui hoặc thị trường mất niềm tin, giá trị của chúng nhanh chóng biến mất.
Một ví dụ điển hình là Dogecoin, đồng meme từng được tỷ phú Elon Musk quảng bá nhiệt tình. Tuy nhiên, sau khi ông Musk thay đổi thái độ vào năm 2021, giá Dogecoin giảm hơn 70% từ mức đỉnh 0,74 USD xuống chỉ còn 0,20 USD chỉ trong vài tháng.
“Những đồng tiền này là triệu chứng của một nền kinh tế đầu cơ. Chúng không dựa trên công nghệ hay dự án thực chất, mà chỉ là trò phô trương tài chính nhằm khai thác sự cả tin của công chúng” - Carlos Salinas, giảng viên chuyên về blockchain tại Đại học Madrid (Tây Ban Nha), nhận xét.
Những giải pháp cốt lõi
Để ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó, tăng cường giáo dục tài chính là yếu tố then chốt. Nhà đầu tư cần được trang bị kiến thức để hiểu rõ rủi ro của các đồng meme và phân biệt chúng với các tài sản có giá trị cơ bản như Bitcoin hay Ethereum.
Bên cạnh đó, quy định pháp lý rõ ràng cần được thiết lập. Các chính phủ cần xây dựng khung pháp lý để phân loại tài sản kỹ thuật số, đồng thời áp dụng biện pháp cứng rắn đối với các dự án lừa đảo hoặc thiếu minh bạch.
Trách nhiệm của người có ảnh hưởng cũng rất quan trọng. Thay vì cổ xúy những dự án đầu cơ, các nhà lãnh đạo và người nổi tiếng nên tận dụng tầm ảnh hưởng để nâng cao nhận thức cộng đồng về tiềm năng thực sự của công nghệ blockchain.
Câu chuyện từ TRUMP, MELANIA hay $LIBRA cho thấy thị trường tiền ảo vẫn đối mặt với nhiều lỗ hổng. Vì thế, sự phát triển bền vững thị trường này còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như tính minh bạch của giao dịch, trách nhiệm của bên quản lý và ý thức của nhà đầu tư. Chỉ khi đó, tiền ảo và blockchain mới có thể phát huy giá trị đích thực, thay vì mãi là “miền đất hứa” cho những kẻ đầu cơ.
Sự xuất hiện của những đồng tiền meme như TRUMP, MELANIA hay $LIBRA tạo ra những biến động đáng kể trên thị trường, với đặc điểm là giá trị của chúng tăng mạnh trong thời gian ngắn, sau đó giảm đột ngột. Các biến động này đã ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư, gây ra những khoản lỗ tài chính đáng kể. Diễn biến trên đặt ra những câu hỏi về tính ổn định và triển vọng của thị trường tiền ảo, đặc biệt từ khi những người nổi tiếng nhảy vào thị trường màu mỡ này với các đồng tiền mang tính đầu cơ cao nhưng thiếu giá trị nội tại và phụ thuộc vào xu hướng truyền thông xã hội.