Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương nhiều trẻ mồ côi ở Nghi Xuân

Sau 3 năm triển khai, chương trình 'Mẹ đỡ đầu' do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động đã mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều trẻ em mồ côi trên địa bàn huyện Nghi Xuân.

Mấy năm nay, căn nhà nhỏ 2 gian của em Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 2011, thôn 2, xã Xuân Hồng) không còn cô quạnh, bởi những “người mẹ thứ 2” của em từ các cấp hội phụ nữ và mạnh thường quân thường xuyên lui tới thăm hỏi. Bố qua đời khi em mới 5 tuổi, còn mẹ thường xuyên đau ốm bệnh tật khiến mẹ con Dương luôn sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất lẫn hơi ấm tình thương.

 Nhờ có sự đỡ đầu, quan tâm của các “mẹ”, em Thùy Dương đã được tiếp thêm động lực để vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Nhờ có sự đỡ đầu, quan tâm của các “mẹ”, em Thùy Dương đã được tiếp thêm động lực để vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của Dương, từ năm 2022, Hội LHPN xã Xuân Hồng cùng chị Lê Thị Nhân – Phó Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2 quyết định nhận đỡ đầu Thùy Dương với số tiền 3,6 triệu đồng mỗi năm. Nhờ có sự quan tâm của “các mẹ”, cuộc sống của gia đình Dương cũng đã trở nên ổn định hơn, đặc biệt là giúp em luôn cảm thấy an tâm, tự tin, nỗ lực vươn lên trong học tập. Từ năm lớp 1 đến lớp 7, Thùy Dương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến.

Em Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: “Lúc bố mất cháu còn rất nhỏ. Mẹ cháu thường xuyên đau ốm nên nhà cháu không được như các bạn, cháu rất buồn. Nhưng nhờ có các dì, các mẹ ở Hội LHPN xã và mẹ Lê Thị Nhân giúp đỡ nên cháu có thêm động lực để đến trường. Cháu hứa sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để không phụ lòng các mẹ”.

Không được may mắn như bao gia đình khác, chị em Phan Nam Khánh (SN 2006) ở thôn Thanh Văn, xã Xuân Thành mồ côi cả bố lẫn mẹ đã gần 12 năm nay. Hằng ngày, 3 chị em chỉ biết nương tựa vào nhau và những người thân, làng xóm, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Ngôi nhà của 3 chị em ở cũng dột nát nhưng đến cái ăn nhiều lúc còn không đủ thì việc sửa chữa lại càng khó khăn hơn. Trước hoàn cảnh đó, từ năm 2022, Hội LHPN huyện đã nhận đỡ đầu Nam Khánh với số tiền mỗi tháng 300 nghìn đồng. Cùng đó, Hội LHPN xã Xuân Thành huy động cán bộ, hội viên hỗ trợ hơn 200 ngày công cùng số tiền 17 triệu đồng hỗ trợ chị em Khánh sửa sang lại ngôi nhà.

Em Phan Nam Khánh chia sẻ: “Lúc em vào lớp 1 thì bố mẹ mất. Đó là cú sốc đầu đời với 3 chị em em. Lúc đó, gia đình em rất khó khăn, nếu không có người thân và Hội LHPN hỗ trợ cháu có thêm điều kiện ăn học thì chị em cháu sẽ không có như ngày hôm nay. Chị em chúng cháu cũng rất biết ơn các dì của Hội LHPN huyện Nghi Xuân cũng như xã Xuân Thành đã hỗ trợ sửa chữa lại căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống”.

 Hội LHPN xã Xuân Thành huy động cán bộ, hội viên ủng hộ hơn 200 ngày công cùng số tiền 17 triệu đồng hỗ trợ chị em Khánh sửa sang lại ngôi nhà.

Hội LHPN xã Xuân Thành huy động cán bộ, hội viên ủng hộ hơn 200 ngày công cùng số tiền 17 triệu đồng hỗ trợ chị em Khánh sửa sang lại ngôi nhà.

Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, sau 3 năm triển khai, các cấp hội LHPN huyện Nghi Xuân đã có nhiều cách làm sáng tạo, nỗ lực, tận tâm kêu gọi nguồn lực và kết nối sự chung tay, góp sức của cộng đồng để hỗ trợ, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Các cấp hội đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, góp phần lan tỏa tình cảm và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình "Mẹ đỡ đầu"; từ đó đón nhận sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân và cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện.

“Khi thấy các cháu mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn, dù mình không phải giàu có nhưng cũng muốn bớt một phần kinh tế gia đình để hỗ trợ các cháu có thêm điều kiện ăn uống, đến trường học tập. Thấy cuộc sống các cháu ngày càng ổn định, những người “mẹ” như chúng tôi cảm thấy rất vui” - chị Lê Thị Nhân ở thôn 2, xã Xuân Hồng chia sẻ.

Sau 3 năm triển khai, toàn huyện Nghi Xuân đã có 112 cháu được nhận đỡ đầu, trong đó các cấp hội phụ nữ nhận đỡ đầu 35 cháu; các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu 77 cháu. Thời gian đỡ đầu trẻ mồ côi dưới 3 năm có 12 cháu; từ 3 đến 5 năm có 54 cháu và trên 5 năm có 43 cháu với tổng số tiền các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp cam kết và dự kiến đỡ đầu trên 2,9 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã trao hỗ trợ các cháu số tiền hơn 427 triệu đồng theo cam kết. Ngoài ra, nhân các dịp lễ, tết, hội LHPN các cấp cũng như các đơn vị nhận đỡ đầu đã đến tặng quà, trao hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập với trị giá 19 triệu đồng để động viên các cháu nỗ lực vươn lên.

 Đến nay, toàn huyện Nghi Xuân có 112 cháu được đỡ đầu, giúp các cháu có thêm điều kiện học tập.

Đến nay, toàn huyện Nghi Xuân có 112 cháu được đỡ đầu, giúp các cháu có thêm điều kiện học tập.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Xuân cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở hội rà soát các cháu mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Sau đó chúng tôi tổ chức ký kết và giao chỉ tiêu cho các cơ sở hội. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở hội vận động từ con em xa quê, các tấm lòng hảo tâm, xây dựng mô hình xanh thu gom rác tái chế để làm quỹ trao tặng quà cho trẻ mồ côi. Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn phối hợp với UBND huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đỡ đầu các cháu mồ côi. Khi triển khai chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của cả cộng đồng xã hội”.

"Mẹ đỡ đầu” là chương trình lớn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc không chỉ của các cấp hội phụ nữ mà của cả cộng đồng. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Nghi Xuân cùng các cấp, ngành sẽ tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động xã hội cùng chung tay thực hiện để ngày càng có nhiều trẻ em mồ côi được nhận đỡ đầu, giúp các em có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Đức Đồng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/me-do-dau-ket-noi-yeu-thuong-nhieu-tre-mo-coi-o-nghi-xuan-post273907.html
Zalo