Luật Giáo dục phải tạo ra sự phấn khởi cho nghề giáo
Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Giáo dục, phát biểu tại tổ Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, luật ra đời nhận được sự chờ đón rất nhiều của các nhà giáo. Do đó, luật phải làm cho người thầy thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, được tạo điều kiện thuận lợi, chứ không để nhà giáo thấy khó khăn hơn khi có quy định mà không làm được.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, công tác giáo dục đào tạo có ý nghĩa chiến lược trong công tác cán bộ. Trong giáo dục đào tạo, người thầy là chủ thể chính. Muốn giáo dục đào tạo phát triển được thì phải giải quyết tốt được mối quan hệ thầy, trò và trường. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phải xác định nhà giáo như là một nhà khoa học và phát triển mối quan hệ giữa các nhà khoa học, nhà giáo, nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu hội nhập quốc tế của ngành giáo dục. Đơn cử như việc phổ cập giáo dục tiếng Anh.
Tổng Bí thư cũng cũng gợi ý, với định hướng học tập suốt đời, không nên quy định cứng về tuổi nghỉ hưu của người thầy mà phải huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, nhất là ở những môi trường đặc biệt.
Ở miền núi cũng phải coi là môi trường đặc biệt, thầy không những phải dỗ dành, nuôi các cháu, động viên mà thầy phải hy sinh phải ở đấy. Giờ cô giáo đi lên trường miền núi, chả có thanh niên nào cả, chỉ có công an với bộ đội biên phòng. Vì vậy, những chính sách phải đi vào rất cụ thể, bao quát các khâu. Những vùng đặc biệt, khó khăn về kinh tế - xã hội thì lại là vùng trũng về giáo dục đào tạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Hướng tới ngày 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng các thầy cô giáo. Đồng thời khẳng định, Quốc hội xem xét Luật Nhà giáo trong dịp này cũng là để tôn vinh nghề giáo.