Mẹ đỡ đầu cùng con viết tiếp ước mơ

Ai sinh ra cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc với đầy đủ cha mẹ, thế nhưng vẫn có nhiều em nhỏ không may mắn rơi vào cảnh mồ côi. Những đứa trẻ ấy cần lắm một vòng tay chở che, tình cảm yêu thương trên hành trình khôn lớn. Yêu thương, chăm sóc, bù đắp những mất mát, tiếp thêm niềm tin để các em vững bước, trưởng thành là mục tiêu đầy nhân văn mà chương trình 'Mẹ đỡ đầu' của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hướng tới.

Vượt qua nghịch cảnh

Cuối năm 2022, chỉ trong vài ngày, bệnh hiểm nghèo đã liên tiếp cướp đi cha và mẹ của hai chị em Giáp Phương Linh (SN 2006) và Giáp Thanh Bình (SN 2009), ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). Một tháng sau, ông nội các em cũng ra đi mãi mãi. Nỗi đau ấy làm cho hai em nhỏ đang sống trong vòng tay yêu thương của gia đình trở nên chơi vơi.

 Trung tá Ngô Thị Anh Minh trò chuyện với con đỡ đầu Nguyễn Thị Thúy An, học sinh Trường THCS Đức Thắng và mẹ ruột bị tai nạn giao thông. Ảnh: DANH LAM.

Trung tá Ngô Thị Anh Minh trò chuyện với con đỡ đầu Nguyễn Thị Thúy An, học sinh Trường THCS Đức Thắng và mẹ ruột bị tai nạn giao thông. Ảnh: DANH LAM.

Thấu hiểu hoàn cảnh của chị em Bình, năm ấy, Hội LHPN thị trấn Cao Thượng đã nhận đỡ đầu hai em để các em có một điểm tựa tinh thần, thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hội nhanh chóng phân công hội viên trực tiếp giúp đỡ hai chị em. Chị Phạm Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cao Thượng trực tiếp nhận làm mẹ đỡ đầu của các em. Hằng ngày, hết giờ làm, chị qua nhà nắm tình hình, nhắc nhở hai chị em việc nhà, việc học, mua thêm cho chị em Bình mớ rau, con cá. Khi rảnh rỗi, chị ở lại lâu hơn để cùng hai chị em trò chuyện, dọp dẹp nhà cửa, nghe các con kể chuyện trường, lớp, căn nhà có tiếng nói cười, bớt phần quạnh hiu.

Hai chị em Bình cảm động lắm khi trái gió trở trời đều có bàn tay chăm sóc của mẹ Hồng cùng các cô bác. Mới đây, Bình phải phẫu thuật và nằm điều trị chệch cột sống cả tháng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, mẹ đỡ đầu đã cùng người thân trong gia đình thay nhau chăm sóc. May mắn, sau phẫu thuật, Bình hồi phục nhanh, trở lại học tập. Chị Hồng nói: “Từ nguồn vận động tài trợ, đầu năm học, chúng tôi sắm gì cho con mình thì cũng sắm cho các con đỡ đầu như thế, từ sách vở, giày dép, cặp sách, nếu thiếu lại vận động hỗ trợ. Mong các con cố gắng học tập để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Nhiều năm nay, Hội LHPN thị trấn Cao Thượng vận động Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Liên Sơn hỗ trợ 2 chị em Bình 1 triệu đồng/tháng. Nhà trường miễn học phí và kết nối với Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển thương mại Trường Vinh hỗ trợ hai chị em 30 triệu đồng để dành dụm cho cuộc sống.

Gần 2 năm qua, đáp lại sự dìu dắt của mẹ đỡ đầu, chị em Bình nỗ lực học tập, đều là học sinh xuất sắc của Trường THPT Tân Yên số 1. Năm học 2023-2024, Giáp Phương Linh đủ điều kiện để xét tuyển vào nhiều trường đại học nhưng em đã chọn học Khoa Sư phạm tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Noi gương chị gái, Bình đoạt giải Ba môn Tin học và giải Khuyến khích môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau đó, em thi đỗ vào lớp 10 chuyên Tin học, Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Để tiện cho việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày, em đã chọn học ở Trường THPT Tân Yên số 1 gần nhà.

Ngôi nhà nhỏ nằm heo hút dưới chân núi Ba Nồi của ba anh em Đặng Thị Thảo (SN 2013), dân tộc Dao ở thôn Bán, xã Dương Hưu (Sơn Động) trở nên ấm cúng hơn khi có bàn tay đỡ đầu của các mẹ là hội viên phụ nữ huyện Sơn Động. Mới đây, bệnh hiểm nghèo đã lần lượt cướp đi cha và mẹ, ba anh em Thảo trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa. Anh cả Đặng Văn Quỳnh gánh vai trò trụ cột phải đi làm thuê kiếm sống nuôi em. 2 em là Đặng Văn Hiếu và Đặng Thị Thảo đang theo học Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dương Hưu.

Nhận đỡ đầu chăm sóc các em, không chỉ dạy bảo, hỗ trợ các em ăn học, từ nhiều nguồn vận động, các cô bác cán bộ Hội LHPN huyện đã trao tặng 3 anh em căn nhà nhỏ khang trang, giúp cuộc sống những đứa trẻ côi cút bớt phần nhọc nhằn. Chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ: “Khi nhận trách nhiệm đỡ đầu các con, bản thân tôi nghĩ mình không chỉ là cầu nối giúp đỡ về vật chất mà quan trọng hơn là để các con được quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng sống, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các con từng bước trưởng thành”.

Lan tỏa yêu thương

Vắng bóng mẹ cha là khoảng trống không gì bù đắp được, thấu hiểu và sẻ chia, chương trình “Mẹ đỡ đầu" đã tiếp thêm nghị lực cho các em. Dù ở miền xuôi hay vùng khó khăn, các em đều được mẹ đỡ đầu đón nhận với những tình cảm thân thương. Những ngôi nhà vắng bàn tay chăm sóc của mẹ cha, giờ đây được sưởi ấm bằng tình yêu thương của cán bộ, hội viên các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

 Chị Nguyễn Thị Ngoan (ngoài cùng bên phải) tặng quà cho con đỡ đầu.

Chị Nguyễn Thị Ngoan (ngoài cùng bên phải) tặng quà cho con đỡ đầu.

Với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, hiện nay, chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đang nhận hỗ trợ 907 trẻ em mồ côi. Mỗi cơ sở hội nhận giúp đỡ ít nhất 1 em nhỏ mồ côi đến năm 18 tuổi. Hội LHPN các cấp đã tổ chức cho các con tham gia nhiều cuộc giao lưu, gặp mặt, diễn đàn chia sẻ yêu thương để các con tự tin hòa nhập cuộc sống. Trong quá trình nuôi dưỡng, các con đều chăm ngoan, tâm lý ổn định, yên tâm học tập.

Với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, hiện nay, chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đang nhận hỗ trợ 907 trẻ em mồ côi. Mỗi cơ sở hội nhận giúp đỡ ít nhất 1 em nhỏ mồ côi đến năm 18 tuổi.

Không chỉ từ nội lực, hội phụ nữ các cấp đã vận động, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ trực tiếp từng hoàn cảnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, cá nhân hảo tâm ủng hộ chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Được Hội LHPN tỉnh giới thiệu, chị Nguyễn Thị Ngoan, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã trở thành mẹ đỡ đầu của 16 em nhỏ mồ côi. Ngoài giúp đỡ, hỗ trợ định kỳ mỗi tháng 500 nghìn đồng cho 12 em đến năm 18 tuổi, chị còn trực tiếp nhận nuôi 4 em nhỏ mồ côi ngay tại gia đình. Bé Nguyễn Thị Sữa được mẹ Ngoan nhận nuôi khi mới được 10 ngày tuổi. Dù thiếu thốn tình cảm của mẹ ruột, nhưng Sữa dần lớn lên trong sự bao bọc của mẹ Ngoan và các anh chị. Không cùng huyết thống nhưng những đứa trẻ ấy lại trở thành một gia đình nhờ có tình cảm yêu thương của mẹ đỡ đầu.

Nhiều năm qua, từ sự kết nối của Hội LHPN huyện Tân Yên, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Liên Sơn hỗ trợ 35 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tháng đến khi các em đủ 18 tuổi. Trong các dịp lễ, Tết, năm học mới, công ty đều gửi sách vở, quần áo, bánh kẹo, thực phẩm cho các em. Dịp hè vừa qua, công ty còn tổ chức cho các em đi tham quan để giúp các em có được những ngày hè bổ ích. Nhờ bàn tay chăm sóc của mẹ đỡ đầu, nhiều em đã vượt qua nghịch cảnh, thi đỗ vào trường đại học, trưởng thành trong cuộc sống.

Các em đều nhận thức được rằng con đường duy nhất để thay đổi hoàn cảnh là nỗ lực vươn lên trong học tập. Như em Nguyễn Trung Hiếu (SN 2006), ở xã Hợp Đức (Tân Yên) mồ côi cha, mẹ mắc ung thư giai đoạn cuối. Bằng sự động viên, chia sẻ của những người mẹ đỡ đầu, năm 2021, em đã quyết tâm thi đỗ vào lớp 10 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, Hiếu trúng tuyển vào Khoa Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau biến cố lớn của cuộc đời, những đứa trẻ như Hiếu đang dần học được cách trưởng thành, trở thành trụ cột gia đình. Bước qua những khó khăn, giờ đây, con đường học tập đã dần mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng cho những em nhỏ mồ côi và cũng là động lực để các cấp hội phụ nữ tiếp tục thực hiện hành trình yêu thương, nâng bước các em đến trường, viết tiếp ước mơ trên con đường phía trước. Sau 3 năm thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến nay, tất cả trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh đều được thăm hỏi, tặng quà, nhận đỡ đầu từ các nguồn vận động tài trợ (từ 300 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tháng). Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Với thông điệp lan tỏa yêu thương, Hội LHPN tỉnh thường xuyên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của chương trình, tấm lòng nhân ái của mẹ đỡ đầu và chủ động gửi thư ngỏ tới các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm kêu gọi hỗ trợ học bổng, trao tặng đồ dùng học tập, phương tiện đến trường, nhà mái ấm tình thương cho trẻ em mồ côi. Chi hội phụ nữ cơ sở thường xuyên quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh của từng em nhỏ trên địa bàn, nêu cao vai trò trách nhiệm làm mẹ đỡ đầu để “không có trẻ mồ côi bị bỏ lại phía sau”.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/me-do-dau-cung-con-viet-tiep-uoc-mo-094810-postid409273.bbg
Zalo