May Sông Hồng (MSH) hướng tới mục tiêu lợi nhuận 600 tỷ đồng trong năm 2025

Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH) đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng hai con số so với năm trước.

Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty vừa thông qua kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 11% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, HĐQT May Sông Hồng cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Bernard Szeto W.K. vào ngày 12/2/2025.

Cả kế hoạch kinh doanh năm 2025 và đơn từ nhiệm nêu trên sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sắp tới, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4/2025. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là 25/3/2025.

Ngoài các nội dung thường lệ như chia cổ tức năm 2024 và 2025, bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 thay thế, ĐHĐCĐ của May Sông Hồng dự kiến sẽ thảo luận về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Năm 2024 được đánh giá là một năm kinh doanh thuận lợi của ngành dệt may Việt Nam. Bất chấp những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023.

Bước sang năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 47 đến 48 tỷ USD. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận định thị trường dệt may đang có những tín hiệu tăng trưởng tích cực, với sự phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng tăng lên tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, cùng với đó là lượng hàng tồn kho giảm mạnh.

Ông Cẩm cho biết thêm, thông thường nhu cầu may mặc sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, những yếu tố như sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh, sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam... đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, bao gồm cả việc có được nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm 2025. Nhiều doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã có đơn hàng tương đối khả quan cho năm 2025.

Tuy nhiên, SSI Research lưu ý một biến số đáng quan ngại là chính sách thuế quan tiềm tàng nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Dệt may là ngành được đánh giá là nhạy cảm nhất với các chính sách thuế của ông Trump. Hiện tại, Mỹ chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu quần áo vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc.

Về nội tại, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu vẫn là một thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam, hạn chế khả năng tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.

An Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/may-song-hong-msh-huong-toi-muc-tieu-loi-nhuan-600-ty-dong-trong-nam-2025-80815.html
Zalo