Mấy mẩu đối thoại với văn chương

Trong quyển sách 'Tuyển tập văn hóa Nam Định thế kỷ XX' (nghiên cứu - lý luận - phê bình) NXB Văn hóa-Thông tin và Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt, H.2005, nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định ở trang 437 (bài viết về nhà thơ Nguyễn Bính) rằng: 'Nguyễn Bính không làm thơ tả cảnh thực hay phong tục nông thôn. Cảnh quê trong thơ anh không có những chi tiết sắc sảo như trong thơ Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, anh không dựng cảnh bằng quan sát'.

Có phải nhà thơ Nguyễn Bính không làm thơ tả cảnh thực...

Có đúng như nhận định của nhà thơ Vũ Quần Phương ở những dòng trên đây? Theo tôi là không. Xin được trao đổi mấy mẩu nhỏ thú vị cùng độc giả và cũng rộng đường bạn yêu thơ trong ngày đầu xuân Ất Tỵ này.

Nhà thơ Nguyễn Bính - Nhà thơ Xuân Diệu

Nhà thơ Nguyễn Bính - Nhà thơ Xuân Diệu

1. Thật vậy. Hãy đọc những câu này của Nguyễn Bính chúng sẽ hoài nghi rằng, Nguyễn Bính chả phải đã tả cảnh thực chăng?

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay" (Mưa xuân)

Lại đọc những câu này. Chúng không phải đã "tả cảnh thực" chăng: Nhà tôi có một vườn dâu/ Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần/ Hoa đỗ ván nở mùa xuân/ Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm (Nhà tôi).

Lại nữa, hay đọc những câu này, chúng không phải đã "tả cảnh thực" chăng:

Ở đây có nước sông Hương/ Có cây núi Ngự có đường Nam Giao/ Bồng bồng sáu nhịp cầu cao/ Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh/ Thâm u một dải hoàng thành/ Đình không con én không đành bay đi (Vài nét Huế).

Còn những câu này, chúng không phải đã "tả cảnh thực" chăng: "Chị tôi nước mắt đầm đìa/ Chào hai họ để đi về nhà ai.../ Mẹ trông theo, mẹ thở dài/ Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran/ Tôi ra đứng tận đầu làng/ Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa (Lỡ bước sang ngang).

2. Hãy đọc những câu sau đây, chúng không phải đã tả "phong tục nông thôn" chăng: "Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều/ Sân gạch tường hoa người quét lại/ Vẽ cung trừ quỷ, giồng cây nêu..../ Sáng ngày mùng một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương// Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực, viết lên trên… (Tết của mẹ tôi).

3. Hãy đọc những câu sau đây chúng không phải "dựng cảnh bằng quan sát" thì bằng gì: Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng/ Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/ Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng (Xuân về).

Lại đọc:

"Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/ Tôi đợi người yêu đến tự tình/ Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh" (Mùa xuân xanh). Chúng không "dựng cảnh bằng quan sát" thì bằng gì?

4. Nhận xét khá giản đơn, sơ sài nữa của nhà thơ Vũ Quần Phương là thơ Nguyễn Bính "không có những chi tiết sắc sảo như thơ Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ".

Hãy đọc hai câu này trong bài "Tình tôi": "Hồn cô cát bụi kinh thành/ Đa đoan vó ngựa, chung tình bánh xe".

Nhà soạn kịch và nhà phê bình văn học Trúc Đường đọc đến câu này phải thốt lên "hay quá đi mất" và viết: "Hồn người ta như cát như bụi trên mặt đường, gặp vó ngựa nào cũng in, gặp bánh xe nào cũng bám, thì thật đau xót" (Xem quyển "Chuyện thơ", NXB Quân đội nhân dân, 2017).

Anh Thơ và Đoàn Văn Cừ có chi tiết nào sắc sảo hơn?

Lại đọc một câu ở bài "Bến sông": "Nắng sang bãi cát bên kia có chiều".

Trúc Đường đã thấy được "cái nhìn tinh vi của tác giả" ở chỗ câu thơ làm người đọc thấy "nắng bỗng nhiên hắt đi ở một bên sông để lóe lên ở phía bờ bên kia: chỉ ở bờ bên kia mới có chiều" (sách đã dẫn).

Anh Thơ và Đoàn Văn Cừ đã có chi tiết nào sắc sảo hơn?

Ấy là mới dẫn chứng sơ sơ một ít để nói về mấy nhận định đã nói trên của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Còn có thể kể thêm nhiều nhiều nữa những câu, những bài khác đầy rẫy trong thơ Nguyễn Bính, khác hẳn những nhận định ấy.

Phải chăng thơ Xuân Diệu sau năm 1945 không có bài nào đáng nhớ?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh trong quyển "Đối thoại văn chương", NXB Hội Nhà văn và Tân Việt books, H/2023, có viết một câu rất ngắn gọn ở trang 123: "Nhớ Xuân Diệu, tôi chỉ nhớ những bài thơ viết trước năm 1945 của ông".

Nói như vậy, cũng có nghĩa là với nhà thơ Trần Nhuận Minh, thơ Xuân Diệu viết sau năm 1945 không có bài nào đáng để anh nhớ cả!

Điều này rất khác với tôi (và có thể là những người khác). Tôi thì vẫn nhớ nhiều bài thơ Xuân Diệu viết trước 1945, nhưng vẫn nhớ một số bài thơ Xuân Diệu viết sau năm 1945.

Dẫn nhiều thì dài dòng, chỉ xin "quá tam ba bận" mà ghi lại đây mấy bài thơ Xuân Diệu viết sau năm 1945, xem bạn văn Trần Nhuận Minh và các nhà nghiên cứu, và các nhà thơ, và bạn đọc gần xa có đồng cảm với tôi (và cả nhà thơ Xuân Diệu) ít nhiều chăng:

Dạ hương

Tôi cầm mùi dạ lan hương
Trong tay, đi đến người thương cách trùng
Dạ lan thơm nức lạ lùng
Tưởng như đi mãi chưa cùng mùi hương

(11/1958).

Hỏi

Một năm thêm mấy tháng rồi
Thu đi, đông lại, bồi hồi sắp xuân
Gặp em, em gặp mấy lần,
Tưởng quen mà lạ, tưởng gần mà xa.

Ai làm cách trở đôi ta,
Vì anh vụng ngượng, hay là vì em?
Trăng còn đợi gió chưa lên,
Hay là trăng đã tròn trên mái rồi?

Hằng ngày em nói bao lời
Với cha, với mẹ, với người chung quanh,
Với đường phố, với cây xanh;
Sao em chưa nói với anh một lời?

Tương tư ăn phải miếng mồi,
Đứng đi trên lửa, nằm ngồi trong sương.
Phải duyên, phải lứa thì thương,
Để chi đêm thẳm ngày trường, hỡi em!

(7/1957)

Nhớ em

Nhớ em như một vết thương
Trong lòng như vỡ mảnh gương trong lòng
Như cầm cốc thủy tinh trong
Trong tay bóp nát, máu dòng dòng sa

Em là vui sướng của ta
Mến yêu vô tận, em là nỗi đau
Sống trên quả đất tìm nhau
Nhớ em như nước xoáy sâu đập bờ

Hỡi người yêu mến muôn xưa
Yêu muôn sau, với bấy giờ đang yêu
Những ai lướt sóng cưỡi triều
Biển ân tình - có trải nhiều xót xa?

(1959)

Biển

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...

Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng...

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi.

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...

Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết

Để những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

(4/4/1962)

Nhà thơ Trần Nhuận Minh còn cho biết, cũng ở sách trên, trang 124-125, rằng: "Khi tuyển chọn "Tinh tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX", ban tuyển chọn của Hội Nhà văn Việt Nam gồm 4 nhà thơ và nhà nghiên cứu phê bình, trong đó có tôi, do nhà thơ Bằng Việt làm trưởng ban, thảo luận nhiều lần, cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng chọn 3 bài của ông (Xuân Diệu) đều là thơ viết trước năm 1945".

Theo tôi, mấy bài thơ Xuân Diệu viết sau năm 1945 vừa dẫn trên đây, đều có thể xếp vào hàng đầu thơ hay trong đời thơ Xuân Diệu, thơ hay của văn chương Việt Nam hiện đại - trong đó đặc sắc nhất là bài "Biển".

Vì vậy, nếu đúng như nhà thơ Trần Nhuận Minh đã nói ở trên, thì cho tôi xin phép được... phản đối ban tuyển chọn "Tinh tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX", về trường hợp này của thơ Xuân Diệu, mặc dù ban tuyển chọn đã "thảo luận nhiều lần, cân nhắc kỹ lưỡng". Tôi cho rằng ban tuyển chọn này, trong đó có những nhà thơ tài năng (và nhiều nhà thơ của chúng ta sáng tác trong thế kỷ XX nữa) muốn có những bài thơ hay như mấy bài thơ Xuân Diệu trên đây, nhiều khi còn phải... toát mồ hôi hột, mà chưa chắc đã có được!

Hồng Diệu

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/may-mau-doi-thoai-voi-van-chuong-i757750/
Zalo