'Mây đen' che phủ nền kinh tế EU năm 2025
Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng, phải ứng phó với sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới. Những thách thức này khiến cho nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) vốn trong tình trạng khó khăn nay càng mờ mịt, đẩy khối này vào một tương lai đầy bất định.
Nguy cơ bất ổn chính trị và khó khăn kinh tế
Bước sang năm 2025, việc đầu tiên mà EU phải đối mặt đó là nguy cơ từ các mức thuế mới mà chính quyền của ông Donald Trump có thể áp đặt lên hàng hóa châu Âu, khiến mọi thứ càng thêm phức tạp. Các sản phẩm như rượu vang Bordeaux của Pháp hay hàng xa xỉ từ Italy, đều có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ, trong khi áp lực tài chính ngày càng đè nặng lên các quốc gia thành viên EU.
Nếu ông Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ EU, ngành công nghiệp châu Âu sẽ đối mặt với những tác động nghiêm trọng. Doanh thu xuất khẩu có thể suy giảm mạnh, chi phí sản xuất gia tăng do mất cân đối chuỗi cung ứng, và nguy cơ mất việc làm diện rộng trong các ngành chủ lực như ô tô và hàng xa xỉ là rất cao. Các ngành thực phẩm chế biến cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, gây ra tổn thất hàng tỷ euro và làm suy yếu chuỗi cung ứng nội khối. Với hơn 500 tỷ euro hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm, Mỹ là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của EU, đóng góp trực tiếp vào hàng triệu việc làm trên toàn lục địa.
Ngoài ra, các mức thuế cao hơn có thể khiến hàng hóa châu Âu mất khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ, mở đường cho các đối thủ từ châu Á và Mỹ Latin lấp đầy khoảng trống. Trước tình trạng này, chuyên gia Clemens Fuest - Chủ tịch Viện Ifo tại Munich, đã chỉ trích sự thiếu chuẩn bị của các lãnh đạo châu Âu trước những biến động từ nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump. Ông cảnh báo rằng: “Nếu không có một chiến lược đối phó toàn diện, EU có thể đối mặt với sự sụt giảm lâu dài về năng lực xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và uy tín trên trường quốc tế. Do đó, châu Âu cần xây dựng cơ chế phòng vệ thương mại và tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, cũng như đẩy mạnh đàm phán thương mại với các khu vực khác châu Phi và Đông Nam Á”.
Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ gây tổn hại cho châu Âu, theo những cách khác nhau. Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm suy yếu nền kinh tế của quốc gia tỷ dân này, một thị trường xuất khẩu quan trọng của châu Âu. Và việc tiếp cận người tiêu dùng Mỹ bị hạn chế có thể sẽ buộc những người bán hàng Trung Quốc phải mở rộng ở châu Âu bằng cách giảm giá, gây thêm áp lực cho các nhà sản xuất châu Âu.
Không chỉ đối mặt với những “cơn gió ngược” từ bên ngoài, châu Âu còn đối mặt với những khó khăn từ bên trong, bao gồm suy giảm năng suất lao động và thiếu đổi mới sáng tạo đã khiến lục địa này tụt hậu so với các đối thủ lớn trên thế giới. Điều này được thể hiện rõ khi chỉ có 4 trong số 50 công ty công nghệ hàng đầu thế giới thuộc về châu Âu; không một thương hiệu ô tô nào của EU nằm trong danh sách 15 xe điện bán chạy nhất toàn cầu.
Căng thẳng địa chính trị và chính trị trong nước khiến cho nền kinh tế EU càng trở nên bất định hơn. Các nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro là Đức và Pháp, phải đối mặt với tình trạng tê liệt chính trị trong bối cảnh mỗi nước cố gắng tập hợp các liên minh cầm quyền mới. Căng thẳng tài chính ở cả hai quốc gia khiến chính phủ của họ sụp đổ gần đây, với rất ít dấu hiệu đồng thuận về cách cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc giải quyết gánh nặng nợ ngày càng tăng.
Thêm vào đó, triển vọng của kinh tế châu Âu trong năm 2025 vẫn khá ảm đạm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, khi cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu. OECD dự đoán, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%; trong khi Pháp cũng bị cắt giảm 0,3% trong dự báo tăng trưởng từ 1,2% xuống còn 0,9%.
Cần một chiến lược mạnh mẽ và lâu dài
Các chuyên gia nhận định, để châu Âu có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại, khu vực này cần một chiến lược mạnh mẽ và dài hạn, tập trung vào ba lĩnh vực then chốt.
Đầu tiên, việc đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu phải được đặt lên hàng đầu để tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, các chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu cũng cần được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Thứ hai, việc tái cấu trúc mối quan hệ thương mại với Mỹ là yếu tố quan trọng, EU không những cần chủ động hơn trong các cuộc đàm phán, mà còn phải xây dựng các cơ chế phòng ngừa rủi ro từ chính sách bảo hộ của Mỹ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ cũng sẽ giúp EU giảm thiểu các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Cuối cùng, hợp tác nội khối cần được đẩy mạnh để đối phó hiệu quả với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, năng lượng và khủng hoảng tài chính...
Đối với chính sách thương mại của Mỹ dưới chính quyền Donald Trump 2.0, EU cần tránh một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế này và hướng tới sự hợp tác hơn là chiến lược trả đũa, bởi cuối cùng không bên nào thật sự là người chiến thắng. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, cuộc chiến thương mại nói chung không vì lợi ích của bất kỳ ai và sẽ dẫn đến sự suy giảm GDP toàn cầu. Tác động tiềm tàng từ thuế quan của Mỹ đối với tình trạng lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là không chắc chắn, phụ thuộc vào mức thuế quan, đối tượng cũng như thời gian áp thuế, và có thể dẫn đến lạm phát ròng trong ngắn hạn.
Các chuyên gia cho rằng, để có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng về quan hệ thương mại trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Donald Trump, bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án và xây dựng kế hoạch phòng ngừa cho tình huống xấu nhất, các nhà lãnh đạo EU đang hướng tới đàm phán, tránh đối đầu căng thẳng trong vấn đề thương mại.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng sẽ có thể đàm phán lại với ông Donald Trump, bắt đầu bằng các đề nghị mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ - một mặt hàng xuất khẩu ông Trump muốn thúc đẩy. Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề nghị Mỹ cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho EU nhằm thay thế nguồn năng lượng của Nga.
Có thể nói, châu Âu đang đứng trước một giai đoạn mang tính bước ngoặt. Những quyết định trong vài năm tới sẽ định hình không chỉ tương lai kinh tế mà còn cả vị thế địa chính trị của lục địa này trên trường quốc tế. Trong bối cảnh một thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng, châu Âu buộc phải xác định lại vai trò của mình như là một trung tâm kinh tế và sáng tạo, để có thể duy trì nền tảng thịnh vượng đã nỗ lực xây dựng suốt nhiều thập kỷ qua.