Kinh tế Việt Nam về đích thắng lợi

Vượt qua khó khăn thách thức, kết thúc năm 2024, Việt Nam ước đạt mức tăng trưởng GDP trên 7%, nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra với nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Doanh nghiệp Việt vượt sóng

Nhìn lại năm 2024, lãnh đạo một DN dệt may với gần 1.000 lao động, có trụ sở ở Đông Anh, nói "đã thành công trong vượt khó". Đầu năm đơn hàng không có, người lao động bị giảm việc, giảm giờ làm. DN thì “kẹt vốn” do lãi suất còn cao. Vị lãnh đạo này cho biết, nhiều thời điểm năng suất của DN giảm quá nửa. DN buộc phải giảm chi phí, tái cơ cấu sản xuất và tìm đối tác mới.

Không riêng ngành dệt may, các lĩnh vực xuất khẩu vốn đem lại doanh thu tỷ USD cho Việt Nam như da giầy, thủy sản, gỗ, nông sản… phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, thách thức, cầu tiêu dùng thấp. Bất ổn địa chính trị và xung đột quân sự gây ra biến động mạnh về giá xăng dầu, giá cước vận tải, giá nguyên vật liệu, kéo dài thời gian vận chuyển và giao hàng, tạo áp lực lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Trong nước, ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan…

Sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

Sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

Từ quý II trở đi, thị trường khởi sắc hơn, lượng đặt hàng đã tăng lên. Kỳ vọng tăng trưởng dần chuyển từ các kịch bản khiêm tốn sang những kịch bản tích cực hơn. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết: "Nhiều chủ DN đã xoay xở khá tốt trong việc tái cấu trúc, tìm kiếm thị trường, bắt kịp các xu hướng mới để bù đắp những phần bị ảnh hưởng bởi khó khăn".

Càng về cuối năm, bức tranh kinh tế năm 2024 càng có thêm những mảng màu sáng, hứa hẹn một năm với nhiều thành công, tạo đà cho kinh tế năm 2025. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 dường như sáng sủa hơn. Tỷ lệ DN kỳ vọng tăng trưởng từ 6 - 6,5% và trên 6,5% tăng mạnh; cao hơn mức dự đoán hồi đầu năm là 17,6%.

Nhiều điểm sáng

Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, với sự khởi sắc về thương mại hàng hóa sẽ đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vượt mốc 782 tỷ USD trong năm 2024, xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD. Ghi nhận triển vọng tích cực của ba trụ cột là xuất khẩu – tiêu dùng – đầu tư đã chứng kiến sự hồi phục tích cực, với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực ghi nhận sự khởi sắc trở lại.

Cùng với đó, đầu tư nước ngoài cũng là một điểm sáng đáng chú ý. Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; thu hút FDI đạt 31 tỷ USD (tính đến tháng 11/2024), vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024). Điều quan trọng, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong thời gian qua.

Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế -xã hội nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu). GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Kết quả này, theo Tổng Cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam đã lấy được đà tăng trưởng trước Covid-19.

Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… đều đánh giá kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã đạt được những kết quả rất tích cực. “Trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhờ sự phục hồi xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Đây là một thành tựu đáng khen ngợi, và tôi tin rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025” - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia Andrea Coppola bình luận.

Sứ mệnh lịch sử

Dù đánh giá cao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, song các chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng rằng, trong năm 2025 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một số rủi ro về các thách thức dai dẳng liên quan đến bất ổn địa chính trị kéo dài, khó đoán định, sự thay đổi của các chính sách thương mại tại một số nền kinh tế sau bầu cử, cạnh tranh giữa các cường quốc về thương mại và công nghệ,…

Theo UOB, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Việc Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới có thể khiến xuất hiện các căng thẳng và rủi ro thương mại toàn cầu. “Nếu diễn biến địa chính trị thế giới không ổn định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cũng như nhập khẩu vì tăng chi phí vận tải đường biển, phòng vệ thương mại.“Trước đây trung bình 2,5 tỷ USD thì có 1 vụ phòng vệ thương mại nhưng nay chỉ 1,5 tỷ đã có 1 vụ rồi, như vậy mật độ rất lớn”- Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Hữu Thọ phân tích.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tuy đã cải thiện nhưng chưa cao, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại, tỷ giá hối đoái vẫn là những yếu tố tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế.

Dù vậy, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, cải cách thể chế,... tiếp tục được nhận định sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025. Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam năm 2025 sẽ được kiểm soát tốt, tăng trưởng GDP ngang bằng hoặc cao hơn từ 0,2 - 0,4% so với năm 2024.

Mục tiêu năm 2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết trong đó đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu mạnh dạn đặt mục tiêu 8% năm 2025. Năm 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch 2021 - 2025, đồng thời có nhiều nhân tố mới, các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế.

Tinh thần đổi mới của Tổng Bí thư Tô Lâm được quán triệt sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị, với trọng tâm tiếp theo là đột phá về pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt DN, dự án trên cả nước cũng như những kiến nghị về cải cách môi trường kinh doanh.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, với quyết tâm cao của Chính phủ, mục tiêu 8% là bước sẵn sàng để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chắc chắn, tăng trưởng kinh tế là nội dung hết sức quan trọng, còn phải tăng hơn nữa để đạt mục tiêu 2030 trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao, có nền công nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu 2045 là nước phát triển có mức thu nhập cao. Để đạt mục tiêu dài hạn như vậy thì phải bắt đầu từ bây giờ.

Năm 2025 nền kinh tế Việt Nam có thể đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, tuy nhiên, có không ít cơ hội, lợi thế đặt ra trước mắt. Trước các diễn biến khó lường, Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp ứng phó. Nên tận dụng sức mạnh nội tại, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư công mang tính chuyển đổi trạng thái, hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn và dài hạn. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên phát triển khu vực tư nhân, nâng cao năng suất. Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cải cách sâu rộng nhằm nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế. Với dư địa tài khóa còn nhiều hơn so với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế khi cần thiết.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia Andrea Coppola

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-viet-nam-ve-dich-thang-loi.html
Zalo