Màu xanh ngút ngàn Trường Sa
Trong không khí mùa Xuân, cả nước sôi nổi thực hiện phong trào 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ', tôi lại nhớ về Trường Sa. Nơi ấy không chỉ có nắng, có gió lộng và vị mặn mòi của biển, Trường Sa giờ đây như một 'Công viên xanh' giữa biển khơi với rất nhiều loài cây, loài hoa đã được 'huấn luyện' quen với môi trường biển đảo.
![Đảo Song Tử Tây có tỷ lệ xanh hóa 90%.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_442_51488418/cbfcd716fb5812064b49.jpg)
Đảo Song Tử Tây có tỷ lệ xanh hóa 90%.
Tết trồng cây là hoạt động quen thuộc ở đất liền mỗi dịp Tết đế,n Xuân về. Còn ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), trồng cây, trồng rau xanh lại là một trong những nhiệm vụ chính trị của quân và dân huyện đảo. Nhiệm vụ trọng tâm này được cán bộ, chiến sỹ và người dân trên các đảo triển khai hàng ngày.
Đến các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa hiện nay, bên cạnh công trình xây dựng, thiết chế văn hóa, ai cũng không khỏi ngạc nhiên trước màu xanh của cây lá. Đó không chỉ là các cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba, cây bão táp... mà còn là những khoảnh rau xanh mơn mởn, mùa nào thức ấy, đáp ứng nhu cầu của bộ đội và người dân.
![Chùa Song Tử Tây được bao quanh bởi thảm cây xanh mướt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_442_51488418/e674fb9ed7d03e8e67c1.jpg)
Chùa Song Tử Tây được bao quanh bởi thảm cây xanh mướt.
Nhìn màu xanh ngút ngàn phủ kín tới 90% diện tích đảo, ít ai nghĩ chỉ 2 năm trước, 80% cây xanh trên đảo Song Tử Tây đã bị cơn bão quật đổ. Trong hoàn cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đây đã tập trung trồng lại những cây đổ, ươm giống tại chỗ.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, Quần đảo Trường Sa cho biết: Hiện nay, hầu hết các vị trí cần thiết trên đảo đã được phủ kín bởi các loại cây thân gỗ, cây hoa và rau xanh các loại. Vườn cây giống của các đơn vị bộ đội quanh năm xanh tốt, các hàng cây bàng vuông, bao báp, phi lao, mù u... không chỉ có tác dụng chắn sóng, chắn cát, mà còn tạo bóng mát, bảo vệ môi trường trên đảo.
Việc trồng cây xanh trên các đảo không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ giảm bớt căng thẳng sau giờ làm việc, mà ở đó còn là phong trào thi đua sôi nổi giữa các đơn vị. Để phong trào trồng cây xanh phát triển hiệu quả, chỉ huy các đảo và Đoàn Thanh niên đã thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ, đoàn viên thanh niên xung kích chăm sóc cây xanh và làm đẹp cảnh quan môi trường trên đảo. Vườn ươm cây xanh đảo Song Tử Tây rộng 80 m2, đang ươm các giống bàng ta, phong ba, bão táp, mù u, hoa giấy. Từ vườn ươm nhỏ này, mỗi năm hơn 4.000 cây xanh đã đâm chồi, nảy lộc, gây dựng màu xanh trên đảo và cung cấp cho một số đảo lân cận.
Bà Trần Thị Châu Úc, người dân đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Trước đây, đảo không có nhiều cây xanh như bây giờ. Nhưng nhờ sự nỗ lực của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người dân và cả sự hỗ trợ, chung tay của đất liền, giờ đây, ở đảo đã được phủ nhiều cây xanh bóng mát. Vui nhất là trẻ em ở đảo luôn có nơi để vui chơi, sinh hoạt”.
Có mặt tại đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, đảo như viên ngọc xanh giữa biển cả. Xen giữa những công trình mái ngói đỏ tươi là hàng ngàn cây xanh, cây ăn trái đâm chồi nảy lộc, vươn mình trong nắng gió. Trung tá Lương Tú Đa, đảo Sinh Tồn Đông cho biết: "Trên biển đảo, thời tiết rất khắc nghiệt, nếu chúng ta có được những mảng xanh, khắc phục được sự khắc nghiệt của thời tiết thì chúng ta sẽ có được địa bàn tốt hơn về môi trường, cảnh quan. Nhưng sâu xa hơn nữa, khi chúng ta duy trì được đời sống bình thường của cán bộ, chiến sĩ trên đảo bằng những sản phẩm là những vườn rau, con gà, con lợn… được nuôi sống, được phát triển từ đảo thì đó mới là sự bền vững trong việc duy trì ổn định và phát triển của đảo".
![Cây xanh là bạn của người chiến sỹ trên Quần đảo Trường Sa trong những giờ nghỉ ngơi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_442_51488418/268a3860142efd70a43f.jpg)
Cây xanh là bạn của người chiến sỹ trên Quần đảo Trường Sa trong những giờ nghỉ ngơi.
Để xanh hóa Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ không chỉ trồng cây xanh phủ kín đảo, mà còn tăng cường trồng rau xanh, nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống bữa ăn bộ đội. Ở các đảo có diện tích nhỏ như Đá Thị, Cô Lin, Len Đao..., chiến sĩ chắt chiu từng nắm đất màu từ đất liền chở ra, tận dụng cả xô, chậu, thùng nhựa, chậu xi-măng, chậu composite để ươm trồng rau xanh. Các vườn rau, khu vực tăng gia được quây kín, tránh gió biển mặn. Ngay cả ở đảo chìm Cô Lin vẫn lên xanh tốt rau cải, rau ngót, muống, mồng tơi. Chỉ với diện tích 78 m2 đất trồng rau, đã thu hoạch được 725 kg rau, bảo đảm cơ bản rau xanh cho bữa ăn của bộ đội. Hệ thống hồ lắng được sắp xếp liên hoàn từ phía ngoài vào trong vườn. Nước qua quá trình lắng muối sẽ được tưới vào gốc cây để giữ ẩm. Việc chăm tưới vườn rau cũng đem lại niềm vui cho mỗi người lính đảo.
![Mặc dù điều kiện khó khăn nhưng các chiến sĩ trên đảo Cô Lin vẫn trồng và chăm sóc rau xanh tươi tốt để cải thiện bữa ăn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_442_51488418/295736bd1af3f3adaae2.jpg)
Mặc dù điều kiện khó khăn nhưng các chiến sĩ trên đảo Cô Lin vẫn trồng và chăm sóc rau xanh tươi tốt để cải thiện bữa ăn.
Phó Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin chia sẻ: Việc ươm mầm giống ở đảo Cô Lin vô cùng khó khăn, bởi thế chúng tôi lấy cây giống từ các đảo nổi như Sơn Ca, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông.
Chiến sỹ Mai Anh Dũng, đảo Cô Lin đang chăm sóc những khay rau muống, rau mồng tơi xanh mướt kể rằng, sau một ngày huấn luyện căng thẳng, việc chăm sóc rau xanh, tăng gia sản xuất cũng là hình thức thư giãn. “Chúng em thấy cây rau lớn lên hằng ngày, thích lắm ạ”, Dũng thổ lộ với tôi.
Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, thời tiết khắc nghiệt, quanh năm có gió mạnh, khan hiếm đất và nước ngọt nên việc trồng cây xanh vô cùng khó khăn. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ ở đảo, chúng tôi mới hiểu được việc duy trì sắc xanh ở đảo khó như thế nào. Thổ nhưỡng ở Trường Sa chủ yếu là cát mặn, san hô phong hóa nghèo dinh dưỡng nên rất khó để trồng trọt, đất trồng hầu hết phải vận chuyển từ đất liền ra. Không những vậy, khí hậu nơi đây chủ đạo là nắng nóng, mùa gió bão thì mang cả nước biển mặn chát tạt vào quanh đảo.
![Chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc rau xanh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_442_51488418/d6a9ce43e20d0b53521c.jpg)
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc rau xanh.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ của quân và dân Trường Sa, giờ đây, cây xanh trên Quần đảo Trường Sa không chỉ là cây “bản địa” có sẵn trên các đảo như: Phong ba, bàng vuông, mù u… mà nay có thêm rất nhiều loài cây từ đất liền chuyển đến như: Dừa, phi lao, tre, keo, bạch đàn... Đây là những loại cây xanh sau nhiều năm phát triển đã góp phần điều hòa khí hậu, tạo bóng mát, gìn giữ đất, công trình, chống biến đổi khí hậu, cải thiện cuộc sống, giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
![Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc vườn ươm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_442_51488418/e512fcf8d0b639e860a7.jpg)
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc vườn ươm.
Một mùa xuân mới lại về với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trường Sa giờ đây khoác trên mình màu áo mới. Đó không chỉ là màu áo mới của hàng ngàn cỏ cây hoa lá được mọc khắp trên đảo, mà còn là nếp sống xanh, nếp sống đẹp của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, để mỗi lần những đoàn khách từ đất liền ra Trường Sa đều trầm trồ khen ngợi "Trường Sa xanh quá!".