Mậu Duệ khai thác thế mạnh giống lúa chất lượng cao

BHG - Xác định rõ thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, xã Mậu Duệ (Yên Minh) tập trung mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Qua đó, phát triển kinh tế nông thôn, gia tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Đến xã Mậu Duệ vào đúng thời điểm bà con khẩn trương chăm sóc lúa vụ Xuân, chúng tôi bắt gặp không khí lao động hối hả, bà con nông dân phấn khởi động viên nhau tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để làm cỏ, bón phân giúp lúa bén rễ nhanh, sinh trưởng tốt. Cây lúa được biết đến là cây trồng canh tác lâu đời, với thổ nhưỡng ưu đãi, khí hậu quanh năm mát mẻ nên cho ra sản phẩm có hương thơm, vị ngon đặc trưng. Đặc biệt, cùng một chủng loại giống nhưng gạo Mậu Duệ lại đậm hạt, thơm dẻo, trong và bóng hơn hẳn với các địa phương khác.

Sản phẩm “Gạo sạch Mậu Duệ” đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm “Gạo sạch Mậu Duệ” đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Phát triển từ hoạt động khảo nghiệm giống lúa thuần chất lượng cao, xã Mậu Duệ tiếp tục tập trung triển khai thành các cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa và xác định đây là cây trồng chủ lực. Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, chủ động về nguồn nước, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa trên địa bàn không ngừng được mở rộng và duy trì. Tùy theo các vụ sản xuất trong năm, diện tích dao động trung bình từ 101 – 170 ha; tập trung tại 7 thôn gồm: Cốc Cai, Nà Bưa, Nà Ngoa, Nà Đon, Nà Sài, Thâm Tiềng, Pắc Luy. Người dân có nhiều thay đổi trong canh tác, sử dụng các giống lúa đồng nhất, trong đó tập trung chủ lực và tạo nên thương hiệu cho gạo Mậu Duệ là: Japonica ĐS1 và Khẩu mang.

Đồng chí Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mậu Duệ cho biết: Nhằm khai thác tốt thế mạnh, địa phương tập trung xây dựng các mô hình thâm canh, thực hiện cánh đồng mẫu “5 cùng”: Giống, thời vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Đồng thời, thường xuyên tu sửa hệ thống kênh mương, hỗ trợ người dân sản xuất từ nhiều nguồn vốn, khuyến khích cơ giới hóa, đáp ứng các khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Cán bộ khuyến nông xã cũng bám sát khung thời vụ, kịp thời hướng dẫn bà con áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, tổng sản lượng toàn xã trên 500 tấn/vụ, giá bán trên 25 nghìn/kg.

Cán bộ Khuyến nông xã Mậu Duệ hướng dẫn người dân chăm sóc lúa Xuân.

Cán bộ Khuyến nông xã Mậu Duệ hướng dẫn người dân chăm sóc lúa Xuân.

Từ những cánh đồng mẫu lớn, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân không còn, thay vào đó là hình thành vùng tập trung hàng hóa, gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo. Để tổ chức sản xuất hiệu quả, xã Mậu Duệ chủ trương thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Cốc Cai do chị Nguyễn Thị Niệm làm chủ là đơn vị tiêu biểu, khẳng định vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo. Chị Niệm chia sẻ: Hợp tác xã có 5 thành viên, chúng tôi liên kết trong bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ với các doanh nghiệp, thương lái; trung bình thu mua, cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn/năm. Để xây dựng thương hiệu gạo địa phương, gia tăng giá trị trên thị trường, năm 2019, sản phẩm “Gạo sạch Mậu Duệ” của hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Từ những định hướng đúng, cụ thể trong phát triển cây lúa, tình hình sản xuất lúa, gạo tại Mậu Duệ ổn định, an ninh lương thực đảm bảo, đời sống của người dân cũng từ đó được nâng cao. Có thể nói, thương hiệu gạo Mậu Duệ đã trở thành điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp huyện Yên Minh. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đồng hành với người dân, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào quy trình canh tác; có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp nông dân duy trì, mở rộng diện tích.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202504/mau-due-khai-thac-the-manh-giong-lua-chat-luong-cao-1130f00/
Zalo