Ngành ngân hàng quyết đổi mới, mong góp phần đưa Việt Nam thành trung tâm tài chính số

Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số để đưa Việt Nam quyết trở thành trung tâm tài chính số trong khu vực Đông Nam Á...

Toàn cảnh sự kiện

Toàn cảnh sự kiện

Sáng 15/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp Công ty TradePass (Ấn Độ) tổ chức sự kiện "Chuỗi đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2024".

Chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký (VNBA) cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" theo đó Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Vì vậy hầu hết các ngân hàng thương mại đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng đến người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trên một số mặt.

Cụ thể, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt trung bình hàng năm đạt hơn 50%.

Bên cạnh đó, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hiện đạt khoảng 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng, tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị. Đặc biệt, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị.

 TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký (VNBA)

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký (VNBA)

Thông qua chuyển đổi số, các ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ thiết thực, tăng tính trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp. Những công nghệ hiện đại như xác thực sinh trắc học, thanh toán một chạm qua mã QR đã được áp dụng.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện tại, công nghệ dữ liệu lớn (big data) và thực tế ảo (virtual reality) cũng được các ngân hàng Việt Nam áp dụng trong hoạt động cho vay và cấp tín dụng cho cá nhân và doanh nghiệp, giúp kết nối thanh toán trực tuyến cho nhiều loại phí, thuế và dịch vụ.

"Nhờ đẩy mạnh khai thác, phát triển dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, các ngân hàng đã hỗ trợ thực hiện gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến, tổng số tiền lên tới hơn 12,9 nghìn tỷ đồng", ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng tình với những đánh giá của ông Hùng, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho hay, thời gian qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và mạnh trong chuyển đổi số, phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Hiện tại, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn tầm trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Trong kỷ nguyên này, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

"Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia", ông Dũng đánh giá.

Theo đó, để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng theo xu hướng đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào 5 định hướng chính.

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Trong đó tập trung vào các chính sách, quy định về triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy ngân hàng mở (open banking), tăng cường triển khai công nghệ, phân tích dữ liệu trong các hoạt động nghiệp vụ, cung ứng dịch vụ ngân hàng, triển khai mở rộng xác thực sinh trắc học.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng công nghệ. Nâng cấp các hệ thống thanh toán quốc gia, hệ thống thông tin tín dụng và các nền tảng dữ liệu liên ngành, đảm bảo vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường an ninh mạng. Thúc đẩy hoặc triển khai các giải pháp phòng ngừa gian lận tài chính với nền tảng toàn ngành, giám sát rủi ro thời gian thực, ứng dụng AI trong phát hiện gian lận và tuân thủ các quy định mới về an ninh mạng như Thông tư 50 của Ngân hàng Nhà nước về an toàn, bảo mật trong cung cấp dịch vụ trực tuyến ngành ngân hàng.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực số ngành ngân hàng. Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho cán bộ ngành ngân hàng, đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng và thích ứng với kỷ nguyên số.

Thứ năm, thúc đẩy tài chính toàn diện. Tận dụng công nghệ, kênh số để phổ cập kiến thức, kỹ năng tài chính số, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng- tài chính cho các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ, góp phần thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về tài chính toàn diện và phát triển kinh tế bền vững.

"Tôi tin tưởng rằng, bằng những những ý tưởng đột phá và giải pháp thực tiễn, ngành ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số, góp phần để Việt Nam sớm trở thành một trung tâm tài chính số trong khu vực Đông Nam Á", ông Dũng nói.

Vũ Phong

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nganh-ngan-hang-quyet-doi-moi-mong-gop-phan-dua-viet-nam-thanh-trung-tam-tai-chinh-so-post559265.html
Zalo