Mặt trận kêu gọi toàn dân cùng bước vào kỷ nguyên mới
Đó là một trong những nội dung được ghi nhận trong Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý tại các Tổ thảo luận được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba khóa X diễn ra vào chiều ngày 20/2.

Chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.
Theo đó, tại các Tổ thảo luận đã có tổng số 40 đại biểu phát biểu ý kiến và một số ý kiến góp ý bằng văn bản. Các đại biểu đã đánh giá, góp ý toàn diện, tâm huyết, sâu sắc vào các nội dung trình Hội nghị.
Về quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, các ý kiến cho rằng Quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước và thực tiễn công tác Mặt trận, trên cơ sở kế thừa Quy chế hoạt động khóa IX.
Một số ý kiến phát biểu đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có cơ chế phối hợp quy định và hướng dẫn cụ thể để Ủy viên Ủy ban Trung ương được tham dự các Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp và đặc biệt là Hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là rất ý nghĩa, cần thiết để nắm tình hình nhân dân. Mặt trận các địa phương thực hiện đảm bảo nhất quán. Giới thiệu các vị Ủy viên Ủy ban về dự tiếp xúc cử tri, gặp mặt nhân dân nơi cư trú và cơ sở, chứ không chỉ về cấp tỉnh....

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý tại các Tổ thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.
Việc tổ chức các cuộc họp của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch cần họp trực tiếp để trao đổi, phản ánh; chỉ lấy ý kiến bằng văn bản trong trường hợp cần thiết.
Cùng với đó, cần xây dựng và làm rõ mối quan hệ công tác cụ thể giữa Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành…; giữa các thành viên trong Ban Thường trực; đồng thời làm rõ hơn chức năng phản biện xã hội của Mặt trận trong Quy chế.
Về Chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, hầu hết các ý kiến tán thành và nhận định dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã thể hiện rõ, đầy đủ các nội dung đề ra trong nhiệm kỳ. Nhiều nội dung chuyên đề đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xác định kỹ nội dung, phương thức tổ chức họp để thực sự hiệu quả, tránh hình thức (nên nghiên cứu kinh nghiệm của Quốc hội trong việc tổ chức các kỳ họp).
Đối với các chuyên đề, ý kiến đại biểu cho rằng, Chuyên đề về chuyển đổi số; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Dự thảo Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần đưa vào nội dung của hội nghị sớm hơn.
Đại biểu cũng kiến nghị Mặt trận ra lời kêu gọi toàn dân cùng bước vào kỷ nguyên mới tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 4; đề xuất Luật Giám sát của nhân dân do Mặt trận là cơ quan chủ trì xây dựng để đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; nội dung toàn dân thực hành tiết kiệm phòng, chống lãng phí.

Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, qua thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ việc Đảng ban hành, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là yếu tố quyết định để phát triển khoa học công nghệ, tạo động lực quan trọng để đất nước phát triển. Vấn đề quan trọng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có đóng góp gì để thực hiện Nghị quyết trên.
Các đại biểu đã tham gia một số ý kiến đóng góp cụ thể, đề nghị Mặt trận phát huy vai trò của các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết, như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các Hội đồng tư vấn; phát huy vai trò, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện Nghị quyết; Xây dựng hệ sinh thái số hóa tự động để công tác Mặt trận hiệu quả hơn.
Về triển khai thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đa số các ý kiến của các đại biểu đều đồng tình, đề nghị Mặt trận cần thể hiện rõ vai trò, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.
Qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng, năm 2024, tỉ lệ tăng trưởng đạt 7,09%, tuy nhiên chủ yếu ở khu vực công; khu vực tư nhân còn nhiều dư địa. Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội, đề nghị giao Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm nòng cốt phối hợp với các tổ chức thành viên lĩnh vực kinh tế để phát huy nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, Mặt trận cần quan tâm việc giám sát để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững (bảo vệ môi trường và xã hội; ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế vĩ mô).
Về phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, các đại biểu phản ánh rằng, nhân dân đồng tình, đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã mang lại kết quả tích cực, sau sắp xếp đã giảm các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; tinh gọn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị; giải thể những tổ chức hoạt động không còn phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhân dân đề nghị cần phải tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ bị tác động, ảnh hưởng; bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan, giữ được những cán bộ có năng lực, không để “chảy máu chất xám”, người giỏi ra về, người không giỏi ở lại.
Việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhà nước phải đảm bảo sự hoạt động thông suốt, tránh ách tắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, năm 2025, phong trào xóa nhà tạm được triển khai mạnh mẽ. Đây là việc làm rất nhân văn, thể hiện sự ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, bên cạnh việc huy động nguồn lực Mặt trận cần tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện để không xảy ra tiêu cực. Ngoài ra, các đại biểu phản ánh về một số vấn đề khác như ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu; việc xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn; tình hình tội phạm công nghệ trong thời gian qua…. đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp để giải quyết các vấn đề trên, đảm bảo đời sống người dân.