Mặt trận cần có tiếng nói, phản biện mạnh mẽ hơn nữa

Các đại biểu cho rằng, mặt trận cần đẩy mạnh chương trình giám sát, phản biện xã hội mạnh mẽ hơn nữa; tham gia ý kiến nhiều hơn nữa, phản biện sâu sắc hơn nữa với Chính phủ, Quốc hội về các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Sáng 20-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 3 khóa X.

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị đại biểu tham dự tập trung vào những nội dung: thảo luận, thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền.

 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 3 khóa X

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 3 khóa X

“Một nội dung rất quan trọng là các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam trên cương vị công tác của mình trong phạm vi cả nước phản ánh tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy mạnh mẽ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước ta”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, từ kinh nghiệm lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, trong những thời điểm lịch sử, chúng ta phải có những quyết định lịch sử và phải có những nhân tố có tính lịch sử. Bởi vậy, thời điểm này có ý nghĩa lịch sử đối với kỷ nguyên mới của đất nước ta, do vậy, phải nâng cao chất lượng và hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Theo chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029, mặt trận sẽ có 6 báo cáo chuyên đề sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết, về công tác mặt trận. Trong đó, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc...

 Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã đề cập thẳng thắn các nội dung, vấn đề liên quan đến phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc; vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; công tác phòng chống lãng phí; triển khai thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24-1-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân…

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Tổng thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đề cập đến vấn đề lãng phí khủng khiếp hiện nay và đề nghị MTTQ cần tham gia mạnh mẽ vào công cuộc chống lãng phí.

“MTTQ kêu gọi ủng hộ người nghèo, nhưng lãng phí ngoài xã hội quá lớn. Nếu MTTQ đấu tranh được với việc lãng phí thì tăng trưởng 8% trong tầm tay, an sinh xã hội trong tầm tay. MTTQ cần chỉ ra những dự án lãng phí, đấu tranh để giảm lãng phí", ông Nguyễn Văn Phúc đề xuất.

Cùng theo ông Phúc, kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, cần bổ sung nội dung này vào chương trình hoạt động nhiệm kỳ này của mặt trận để giám sát, vận động, nhất là với các hiệp hội doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cũng kiến nghị MTTQ ra lời kêu gọi toàn dân thi đua, tham gia vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Về đột phá KHCN, Ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, đây là đột phá, nếu không có KHCN thì quốc gia không thể phát triển. Chúng ta đứng trước cơ hội, làn sóng công nghệ, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về nội dung này rất kịp thời; Quốc hội cũng đã có nghị quyết, do đó mặt trận cũng cần nắm bắt, tham gia vào nội dung này. Mặt trận có thể cử các đoàn giám sát, nắm bắt ý kiến của các nhà khoa học, nhân dân, kiến nghị những tháo gỡ vướng mắc, chính sách để đột phá phát triển KHCN.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Huân, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay là rất tốt, nhưng MTTQ cần có chương trình giám sát vấn đề môi trường và xã hội, để bảo đảm tăng trưởng bền vững, không đánh đổi môi trường, không tạo ra khoảng cách giàu nghèo, không làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội.

Các ý kiến cũng cho rằng, mặt trận cần đẩy mạnh chương trình giám sát, phản biện xã hội mạnh mẽ hơn nữa; tham gia ý kiến và phản biện sâu sắc hơn nữa với Chính phủ, Quốc hội về các vấn đề bức xúc của nhân dân.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mat-tran-can-co-tieng-noi-phan-bien-manh-me-hon-nua-post782676.html
Zalo