Mặt trái của tự chủ đại học - Bài 3: Khơi thông chính sách tự chủ
Sau thời gian thí điểm thực hiện tự chủ đại học đã bộc lộ sự thiếu đồng bộ về chính sách ở tầm vĩ mô, từ đó xuất hiện những điểm nghẽn cho quá trình thực thi tự chủ. Do đó, cần nhìn nhận một cách toàn diện những hạn chế để có quyết sách phù hợp, nhằm khơi thông cho tiến trình tự chủ đại học, không để tình trạng tự chủ theo kiểu 'trên thông, dưới tắc' như hiện nay.
Nhận thức chưa đúng về tự chủ
Theo suốt quá trình thực thi tự chủ đại học, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ: “Theo tôi, có 2 vấn đề lớn cần quan tâm: nhận thức của các cấp, các ngành đối với 7 quan điểm nêu ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29) chưa sâu sắc; quá trình triển khai 7 giải pháp còn nhiều điều chưa đúng tinh thần nghị quyết. Từ đó, có thể nói vấn đề tự chủ đại học, một lối đi tất yếu trong quản trị đại học, một giải pháp lớn trong Nghị quyết 29, dù đã được thể chế hóa trong luật nhưng vẫn chưa được triển khai một cách đúng đắn, mạnh mẽ. Vẫn còn đó những thách thức từ nhận thức của các cấp, các ngành về tự chủ đại học, đến sự chưa hoàn toàn thống nhất trong hệ thống pháp luật, từ việc thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và phương thức quản lý Nhà nước ở các bộ, ngành đến nhận thức về cơ chế, năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, từ nhận thức cá nhân của người quản lý, của thầy cô, của người học đến nhận thức xã hội với tự chủ đại học! Tất cả những thách thức này cùng xuất phát từ 2 nguyên nhân trên”.
PGS-TS Phan Thanh Bình dẫn chứng: Nghị quyết 29 nói rõ ngân sách đầu tư cho giáo dục nói chung phải đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách, nhưng trong hơn 10 năm qua, tổng chi luôn chưa đạt 20%. Điều này đồng nghĩa với ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học cũng chưa đúng mức, thậm chí trường tự chủ còn bị cắt giảm ngân sách. Điều này không chỉ thể hiện nhận thức chưa đúng về quan điểm đầu tiên của Nghị quyết 29: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”; mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển một cách đúng đắn và mạnh mẽ của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước về trước mắt cũng như lâu dài.
Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường đại học công lập tự chủ, tự chủ đại học cơ bản triển khai trên 3 lĩnh vực chính: đầu tiên là tự chủ học thuật (chương trình, tuyển sinh, đào tạo…), kế đến là tự chủ về mặt tổ chức (quản trị đại học, cơ cấu, tổ chức nhà trường…), và cuối cùng là tự chủ về mặt tài chính. Tự chủ tài chính nhằm tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện tốt hơn hai lĩnh vực đầu tiên; đồng thời tự chủ đại học không tách rời trách nhiệm của Nhà nước với giáo dục đại học (Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học). Tuy nhiên, hiện nay khi nói về tự chủ đại học đối với các trường đại học công lập, nhiều người chỉ nghĩ đến tự chủ tài chính, nhà trường hầu như phải tự lo nguồn thu để hoạt động và phát triển! Tự chủ đại học bị đồng nghĩa với tự chủ tài chính.
Mặt khác, từ yêu cầu đảm bảo chất lượng hoạt động, chất lượng đào tạo, tự chủ đại học đặt vấn đề phải tính đủ chi phí đào tạo. Đây là một yêu cầu thực tế, được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trên nguyên tắc, đối với một trường đại học công lập, tổng chi phí hoạt động đào tạo được đáp ứng từ hỗ trợ của ngân sách Nhà nước (thực hiện trách nhiệm của Nhà nước), phần đóng góp của người học/gia đình người học (học phí), các nguồn khác (tín dụng, học bổng, chính sách xã hội, tài trợ của xã hội...). Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chi phí đào tạo được chuyển thành học phí và thuộc về trách nhiệm của người học. Đây là một vấn đề thực tế mà Nhà nước, nhà trường, xã hội cần phải giải quyết một cách khoa học và thực tế nhằm đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục đại học với những người thật sự có năng lực và chất lượng học tập tốt.
Cần chính sách tài chính cho người học
Hiện tại, ngoài học bổng cho sinh viên sư phạm cam kết phục vụ trong ngành sau khi tốt nghiệp, có 2 hình thức hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Đó là, về phía Nhà nước là có chính sách tín dụng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đối với nhà trường là chính sách học bổng và miễn, giảm học phí cho sinh viên giỏi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cả 2 chính sách này vẫn chưa thật sự đáp ứng chi phí đào tạo, sinh hoạt của sinh viên (tín dụng đại học tối đa là 4 triệu đồng/tháng/sinh viên có hoàn cảnh khó khăn). Ngoài ra, quỹ học bổng và chính sách của trường cũng được trích từ quỹ học phí của nhà trường, điều này chưa thật sự hợp lý và chưa thể hiện một cách thuyết phục về trách nhiệm của Nhà nước.
Vấn đề tài chính đại học là một bài toán khoa học thực tiễn, nhưng chưa được nghiên cứu một cách bài bản và hệ thống ở Việt Nam nhằm tư vấn những chính sách tài chính đại học đúng đắn, khả thi. Trước mắt, để giải bài toán tài chính giáo dục đại học, PGS-TS Phan Thanh Bình đề xuất 4 giải pháp.
Thứ nhất, đối với Nhà nước, cần nhìn nhận đúng tự chủ đại học không hoàn toàn là tự chủ tài chính, không phải để đại học công lập tự lo tài chính hoạt động. Về tỷ lệ đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm Nhà nước đối với giáo dục đại học bao gồm cấp ngân sách cho đầu tư phát triển, học bổng, đặt hàng các ngành đào tạo mà xã hội có nhu cầu, khoa học cơ bản, tín dụng... (quy định tại Điều 96 Luật Giáo dục 2019 và Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học). Những nội dung này thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với giáo dục đại học, đồng thời tạo điều kiện bình đẳng trong giáo dục đại học.
Thứ hai, đối với cơ sở giáo dục đại học, cần nhận thức rõ về tự chủ đại học và xây dựng năng lực tự chủ, thể hiện trách nhiệm giải trình với cấp trên, xã hội và người học. Chương trình, chất lượng đào tạo gắn với tầm nhìn, chiến lược phát triển nhà trường và từ đó, chi phí đào tạo, học phí được xác định một cách phù hợp, tương ứng với chất lượng đào tạo mà cơ sở cam kết. Phát triển đa dạng nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học (nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ, hiến tặng…) chứ không chỉ tập trung nguồn thu vào học phí. Học phí chỉ đáp ứng một phần chi phí đào tạo một sinh viên.
Thứ ba, đối với người học, cần đánh giá đúng định hướng nghề nghiệp tương lai, năng lực bản thân, khả năng và điều kiện kinh tế để chọn một chương trình đào tạo phù hợp. Hiện nay, khoảng hơn 2/3 (70%) học sinh tốt nghiệp THPT vào các trường đại học và cao đẳng, đây là một tỷ lệ không thấp so với các nước, ngay cả với các nước phát triển. Đại học không phải là con đường duy nhất để phát triển bản thân và thành công trong cuộc đời.
Thứ tư, đối với xã hội, cần có chính sách phát triển tín dụng đại học một cách rộng rãi, hợp lý, khả thi, không chỉ tập trung chủ yếu vào tín dụng của nhà nước. Ở các nước, một số ngành, cơ quan nhà nước/tư nhân có chính sách cho vay tín dụng đại học qua nhiều hình thức; phổ biến là hình thức người vay tín dụng đại học sau khi tốt nghiệp phải tham gia làm việc cho đơn vị một số năm phù hợp với chi phí đã vay.
Theo nghiên cứu đầu những năm 2000 của cố GS Phạm Phụ (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM), trên cơ sở thống kê và cấu trúc học phí một số nước, học phí trung bình của sinh viên đại học một năm chiếm khoảng 20%-25% giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người trong một nước. Theo nghiên cứu này, nếu năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 100 triệu đồng thì học phí đại học trung bình sẽ khoảng 20-25 triệu đồng/năm (thực tế hiện nay chương trình chất lượng cao thường cao hơn ít nhất gấp 2,5 lần). Mức học phí này sẽ là một gánh nặng cho sinh viên - dù được vay tín dụng hay nhận các chính sách xã hội, nhất là những sinh viên có kinh tế khó khăn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa…