Quan điểm và nguyên tắc thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 được quy định như thế nào?

Bạn đọc Phạm Văn Long ở thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quan điểm và nguyên tắc thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS) trước khi vào lớp 1. Cụ thể như sau:

1. Tiếp cận theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, trong đó lấy việc hình thành và phát triển năng lực tiếng Việt làm định hướng cơ bản.

2. Thực hiện phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp dạy học ngôn ngữ thứ hai để dạy học tiếng Việt cho trẻ.

3. Tổ chức thông qua hoạt động chơi, trải nghiệm, khám phá, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ trong độ tuổi chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.

4. Tích hợp dạy và học tiếng Việt với dạy các kỹ năng học tập ban đầu, tích hợp dạy và học tiếng Việt với dạy và học văn hóa dân tộc.

5. Bảo đảm tính kế thừa và liên thông: Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người DTTS trước khi vào lớp 1 kế thừa nội dung của chương trình giáo dục bậc mầm non và liên thông với nội dung của chương trình giáo dục cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Bạn đọc Trần Văn Bình ở xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, hỏi: Việc nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người DTTS được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17-1-2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người DTTS. Cụ thể như sau:

Cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thực hiện các hoạt động sau để nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý:

1. Khảo sát, nghiên cứu nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng của người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa bàn vùng đồng bào DTTS; xây dựng nội dung, hình thức và phương pháp tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với đặc điểm của vùng đồng bào DTTS.

2. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại địa bàn ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Bồi dưỡng tiếng DTTS cho người thực hiện trợ giúp pháp lý ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/quan-diem-va-nguyen-tac-thuc-hien-viec-day-va-hoc-tieng-viet-cho-tre-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-truoc-khi-vao-lop-1-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-802386
Zalo