EU tăng cường đầu tư quốc phòng trong ngân sách chung của khối
Ngày 22/4, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một quy định mới nhằm tăng tốc các khoản đầu tư quốc phòng trong khuôn khổ ngân sách chung của khối. Đây là một phần trong chiến lược tăng cường năng lực quốc phòng của châu Âu trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực ngày càng diễn biến phức tạp.
Quy định mới sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh phối hợp trong đầu tư cho nền công nghiệp và công nghệ quốc phòng châu Âu (EDTIB) nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên phát triển, mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trang thiết bị, công nghệ quốc phòng quan trọng. Một trong những nội dung chính của đề xuất là đơn giản hóa quy trình tiếp cận các quỹ của EU dành cho các dự án quốc phòng, qua đó giúp các doanh nghiệp và tổ chức trong lĩnh vực này sớm nhận được sự hỗ trợ tài chính cần thiết. Điều này sẽ góp phần cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của khối, cũng như tăng cường khả năng tự chủ chiến lược của EU trong lĩnh vực quốc phòng, vốn đã được đề ra trong kế hoạch “Sẵn sàng 2030” và sáng kiến “Tái vũ trang châu Âu”.

Ông Andrius Kubilius - Ủy viên châu Âu về Quốc phòng và không gian. (Ảnh: europarl)
Quy định mới này cùng với “Gói đơn giản hóa quốc phòng toàn diện”, dự kiến được Ủy ban châu Âu (EC) trình bày vào tháng 6 tới, sẽ góp phần cắt giảm các rào cản hành chính, đẩy mạnh đầu tư chung và tạo thuận lợi cho hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên trong lĩnh vực quốc phòng.
Ông Kubilius, Ủy viên Quốc phòng và Không gian của EU cho biết, thông qua việc khuyến khích đầu tư liên quan đến quốc phòng và hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc phòng, EU đảm bảo ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu vẫn có khả năng cạnh tranh, linh hoạt và sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh đang thay đổi.
Quy định mới này phù hợp với các mục tiêu của Sách trắng chung về Quốc phòng châu Âu – “Sẵn sàng 2030”, trong đó đặt ra lộ trình cụ thể để EU xây dựng các năng lực quốc phòng cần thiết nhằm bảo vệ công dân, bảo vệ các giá trị của Liên minh và tăng cường khả năng ứng phó với môi trường địa chính trị thay đổi nhanh chóng.