Mặt sân thi đấu V-League kém chất lượng

V-League là sân chơi bóng đá chuyên nghiệp cao nhất của Việt Nam song cơ sở hạ tầng, mặt sân thi đấu của nhiều đội bóng vẫn chưa đạt chuẩn

Việc sân bãi kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến chuyên môn trận đấu mà còn đặt ra những lo ngại về chấn thương đối với các cầu thủ.

Sân thi đấu xuống cấp trầm trọng

Khi V-League 2024-2025 bước vào những vòng đấu cuối giai đoạn lượt đi, nhiều CLB than vãn mặt sân thi đấu kém chất lượng, ảnh hưởng việc triển khai đấu pháp chiến thuật, khiến kết quả thi đấu không như kỳ vọng.

Sau vòng đấu thứ 12 diễn ra trên sân Hà Tĩnh hôm 10-2, trên trang Facebook cá nhân, HLV trưởng CLB Công an Hà Nội đã mỉa mai chất lượng mặt sân của đội chủ nhà chẳng khác gì "đám ruộng chăn gia súc". Ông Polking cho rằng mặt sân chính là nguyên nhân khiến các cầu thủ CLB Công an Hà Nội thi đấu dưới sức, không đáp ứng chuyên môn để có thể hoàn thành mục tiêu giành chiến thắng. Mặt sân xấu khiến khả năng kiểm soát, chuyền bóng của cầu thủ kém chuẩn xác, làm giảm chất lượng chuyên môn trận đấu.

Sân Hà Tĩnh (ảnh trên) và Quy Nhơn có chất lượng rất kém, bị nhiều đội bóng phản ứng (Ảnh: VPF)

Sân Hà Tĩnh (ảnh trên) và Quy Nhơn có chất lượng rất kém, bị nhiều đội bóng phản ứng (Ảnh: VPF)

Trước khi vòng 10 diễn ra, V-League 2024-2025 có một quãng nghỉ dài ngày, dành thời gian cho đội tuyển quốc gia tham dự ASEAN Cup 2024. Tuy nhiên, ban tổ chức sân bãi thi đấu V-League nói chung và các đội bóng nói riêng đều không tận dụng khoảng thời gian này để trùng tu, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cấp mặt sân tốt hơn.

"Nếu tiếp tục đặt kết quả trận đấu lên trên chất lượng, bóng đá Việt Nam sẽ không thể phát triển. Trung bình thời gian "bóng chết" của một trận đấu lên đến hơn một hiệp đấu là điều quá vô lý" - HLV Polking nhận xét.

Sau thất bại trước chủ nhà Thể Công Viettel ở vòng 12 V-League 2024-2025 diễn ra trên sân Mỹ Đình hôm 8-2, HLV CLB Hoàng Anh Gia Lai cũng thẳng thắn chê bai mặt sân này không đủ tiêu chuẩn để trở thành sân vận động quốc gia. "Mặt cỏ ở khu vực khán đài A rất gồ ghề. Tôi cho rằng mặt cỏ của sân vận động quốc gia phải được bảo trì, bảo dưỡng tốt hơn. Sân Mỹ Đình lúc này không đạt chuẩn quốc gia" - HLV Lê Quang Trãi đánh giá.

Nhiều sân bóng tại V-League như sân Vinh (Nghệ An), sân Thanh Hóa, sân Lạch Tray (Hải Phòng), sân Hòa Xuân (Đà Nẵng) hay sân Quy Nhơn (Bình Định)… thường xuyên bị phản ánh về tình trạng cỏ thưa thớt, mọc không đồng đều, xuất hiện nhiều mảng trọc và nền cứng hoặc lồi lõm, không bảo đảm chất lượng để thi đấu.

Nguyên nhân và hệ lụy

Sân vận động bị khai thác quá nhiều song không có thời gian tu sửa, bảo trì đúng cách là nguyên nhân chính khiến chất lượng mặt cỏ giảm sút. Bên cạnh đó, vấn đề chuyên môn như hệ thống thoát nước không được đầu tư đúng mức, thời tiết vào mùa khắc nghiệt ở nhiều địa phương… cũng là trở ngại trong việc bảo dưỡng mặt sân thi đấu tại V-League.

V-League cũng là giải đấu mà nhiều địa phương có từ 2 CLB dùng chung một sân nhà. Mùa giải 2023-2024, các CLB Hà Nội, Công an Hà Nội, Thể Công Viettel đều sử dụng sân Hàng Đẫy làm sân nhà, khiến mật độ thi đấu tại địa điểm này dày đặc. Mùa này, ở giai đoạn lượt đi, CLB Đà Nẵng và Quảng Nam sử dụng chung sân nhà Hòa Xuân, giai đoạn lượt về sẽ là sân Tam Kỳ.

Cơ sở hạ tầng không được đầu tư, bảo dưỡng đúng cách, lại còn liên tục diễn ra các trận đấu khiến sân Hòa Xuân phải tạm ngưng hoạt động để tu bổ. Sân Tam Kỳ vừa được sửa chữa, làm mới và đưa vào sử dụng sau 1 năm ngưng hoạt động nhưng có thể nhanh xuống cấp trở lại khi còn đến 14 trận đấu (4 ngày/trận) sẽ diễn ra ở giai đoạn 2 mùa giải V-League 2024-2025.

Mặt sân xấu khiến các cầu thủ gặp khó khăn trong việc kiểm soát bóng, triển khai lối chơi và thực hiện những pha xử lý kỹ thuật. Những đội bóng ưa chuộng lối chơi ban bật nhỏ, kiểm soát bóng sẽ gặp bất lợi lớn khi sân gồ ghề, bóng nảy không theo ý muốn. Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định: "Mặt sân xấu không chỉ ảnh hưởng đến chuyên môn của trận đấu mà còn gây nguy hiểm cho các cầu thủ. Một giải đấu chuyên nghiệp cần bảo đảm chất lượng sân cỏ đạt chuẩn".

Mặt sân không đạt tiêu chuẩn cũng dễ khiến cầu thủ gặp chấn thương nghiêm trọng. Các pha trượt ngã, lật cổ chân, thậm chí đứt dây chằng, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực tế, nhiều cầu thủ V-League đã bị chấn thương nặng do điều kiện sân bãi kém.

Hầu hết các CLB V-League đều không có nguồn tài chính dồi dào; ngân sách dành cho việc nâng cấp, bảo dưỡng sân cỏ còn hạn chế. Việc đầu tư vào sân bãi đòi hỏi số tiền lớn, trong khi nhiều CLB vẫn đang loay hoay với vấn đề tài chính.

Một số sân bóng chưa có quy trình bảo dưỡng chuyên nghiệp, nhân sự chăm sóc sân bãi thiếu kinh nghiệm và không có máy móc hiện đại hỗ trợ. Do đó, mặt sân nhanh chóng xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Khi mặt sân kém chất lượng, hình ảnh giải đấu bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mắt khán giả trong nước và quốc tế. Điều này có thể khiến các nhà tài trợ mất niềm tin, ảnh hưởng đến nguồn thu của các CLB và giải đấu. Theo các nhà chuyên môn, CLB có thể kêu gọi sự đầu tư từ doanh nghiệp hoặc địa phương, huy động ngân sách từ các nguồn khác nhau để bảo dưỡng sân vận động. Cách làm này giúp giảm gánh nặng tài chính cho đội bóng.

TƯỜNG PHƯỚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mat-san-thi-dau-v-league-kem-chat-luong-19625021320430042.htm
Zalo