MAS gợi ý chiến lược đàm phán với Mỹ, khuyến nghị NĐT thận trọng chờ thêm thông tin

Trong báo cáo chiến lược mới nhất cập nhật đầu tuần này, MAS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì thái độ thận trọng trong các phiên sắp tới, chờ thêm thông tin về quá trình đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngày 2/4/2025 (giờ Mỹ), Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam chịu thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Việc áp dụng thuế quan trên diện rộng được xem là biện pháp để tái cân bằng thương mại toàn cầu và giảm thâm hụt của Mỹ, song đồng thời gây hiệu ứng dây chuyền lên các thị trường chứng khoán (TTCK) trọng điểm.

Tại Việt Nam, thị trường đã trải qua những phiên “chao đảo” chưa từng có. Chỉ số VN-Index “bốc hơi” gần 88 điểm, mức giảm điểm kịch sàn trong phiên 3/4/2025. Đà giảm tiếp tục ở nhiều phiên sau đó. Kết phiên giao dịch 8/4, VN-Index tiếp tục giảm mạnh, mất gần 78 điểm, đóng cửa ở mức 1.132,79 điểm. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều giảm sâu. Diễn biến phản ánh tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trước bất ổn vĩ mô và quan ngại tác động từ mức thuế đối ứng của Mỹ.

Chuyên gia gợi ý các chiến lược đàm phán cho Việt Nam

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 4, các chuyên gia Mirae Asset Việt Nam (MAS) lưu ý đến hàng loạt biện pháp chủ động và đồng bộ từ phía Việt Nam, bao gồm cam kết giảm toàn bộ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ xuống 0% và duy trì lập trường trung lập trong thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, nhóm phân tích nhận định tác động tổng thể được dự báo sẽ ở mức khiêm tốn so với quy mô nhập khẩu 13 tỷ USD từ Mỹ trong năm 2024. Nhất là khi chiến lược của Mỹ – thể hiện qua công thức tính thuế quan – chủ yếu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại hoặc gia tăng lợi thế thông qua ba mục tiêu chính: tăng cường nhập khẩu từ Mỹ; đảo ngược dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quay lại Mỹ bằng cách di dời nhà máy - một quá trình đòi hỏi nguồn vốn lớn và không khả thi trong ngắn hạn; nâng cao hợp tác song phương và gỡ bỏ các hạn chế đối với hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ.

Nhóm phân tích cũng gợi ý một số chiến lược đàm phán tiềm năng mà Việt Nam có thể cân nhắc.

Thứ nhất, giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ.

Theo quy định của WTO về thuế suất tối huệ quốc (Most-Favored-Nation - MFN), Việt Nam không thể đơn phương giảm thuế chỉ riêng cho Mỹ mà không áp dụng các ưu đãi tương tự cho các thành viên WTO khác. Điều này đòi hỏi phải ký kết các hiệp định thương mại cụ thể, điều vốn cần thời gian để đánh giá và hoạch định chiến lược một cách kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, Việt Nam đã thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu của Mỹ, bao gồm ô tô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thông qua Nghị định 73/2025/NĐ-CP. Dù thế, tác động của việc giảm thuế này đối với tổng giá trị nhập khẩu từ Mỹ, ước tính chỉ hơn 13 tỷ USD, vẫn không đủ tạo sức ảnh hưởng đáng kể so với mức thuế 46% áp dụng lên tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 136,6 tỷ USD trong năm 2024. Do đó, chiến lược này không thực sự hiệu quả.

Thứ hai, mua sắm công để giảm thâm hụt thương mại.

Việt Nam có thể cân nhắc tăng nhập khẩu từ Mỹ thông qua các cơ chế mua sắm công. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi phải đánh giá cẩn thận từng sản phẩm để cân bằng giữa việc bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và các mục tiêu thương mại rộng lớn hơn.

Thứ ba, giải quyết các vấn đề liên quan đến rào cản phi thuế quan và cáo buộc thao túng tiền tệ.

Các rào cản phi thuế quan và các cáo buộc thao túng tiền tệ là những yếu tố quan trọng trong việc xác định mức thuế áp dụng đối với hàng hóa Mỹ. Việt Nam hiện vẫn nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Mỹ về thao túng tiền tệ, với thặng dư thương mại hơn 15 tỷ USD với Mỹ trong báo cáo tháng 11 (tổng thặng dư đạt 123,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,1% so với cùng kỳ) và thặng dư tài khoản vãng lai vượt 3% GDP (5,4%).

Dù Việt Nam đã đáp ứng tiêu chí thứ ba liên quan đến việc can thiệp một chiều vào tỷ giá hối đoái, các vấn đề mang tính cấu trúc này vẫn là những rào cản lớn khó để giải quyết trong thời gian ngắn và đòi hỏi các điều chỉnh chiến lược dài hạn đối với cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam. Do đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam khó có khả năng đưa ra các giải pháp tức thời trong các cuộc thảo luận tuần này, thay vào đó sẽ tập trung vào các cam kết dài hạn.

Thứ tư, về thặng dư thương mại dựa trên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một phần lớn thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ xuất phát từ các doanh nghiệp FDI xuất khẩu hàng hóa như máy tính và thiết bị điện tử (Intel, HP, Dell), máy móc (Rockwell Automation), và điện thoại thông minh (Samsung, Foxconn). Việc Mỹ áp dụng thuế quan đối ứng đáng kể sẽ gây ra những thách thức lớn cho các nhà sản xuất Mỹ vì điều này sẽ ngay lập tức làm giảm lợi nhuận, khi các doanh nghiệp bị hạn chế khả năng chuyển chi phí tăng lên cho người tiêu dùng Mỹ.

Dạng đòn bẩy gián tiếp này có thể mang lại một số lợi ích cho Việt Nam trong ngắn hạn, tuy nhiên, các tình huống tương tự cũng được ghi nhận ở các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc – nơi gần 80% sản phẩm của Apple được sản xuất. Do đó, khía cạnh này khó có thể tạo ra lợi thế đáng kể trong quá trình đàm phán tổng thể.

“Nhìn chung, phương án thực tế và tối ưu nhất là kéo dài thời gian đàm phán càng lâu càng tốt trước khi mức thuế quan đối ứng chính thức tác động toàn diện đến nền kinh tế. Chúng tôi hy vọng cả hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung và kỳ vọng Việt Nam sẽ thành công trong việc giảm mức thuế quan đối ứng xuống mức tối thiểu 10% hoặc đạt được các thỏa thuận miễn thuế đối với các mặt hàng thiết yếu”, báo cáo của MAS nhận định.

Triển vọng nào cho TTCK tháng 4?

 Định giá thị trường hấp dẫn so với lịch sử. Ảnh: MAS

Định giá thị trường hấp dẫn so với lịch sử. Ảnh: MAS

Ở góc độ tích cực, MAS cho rằng mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn là mối lo ngại, các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam dự kiến sẽ là nền tảng vững chắc cho triển vọng trung và dài hạn.

Những yếu tố hỗ trợ bao gồm trọng tâm của chính phủ vào tăng trưởng GDP được củng cố thông qua giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng tốc đầu tư khu vực tư nhân, cải thiện xu hướng tiêu dùng nội địa, cùng với kỳ vọng mới về khả năng nâng hạng thị trường trong bối cảnh VN-Index hiện đang giao dịch ở vùng dưới một lần độ lệch chuẩn so với mức P/E bình quân 10 năm.

Dù vậy, trong ngắn hạn, các yếu tố bất lợi có thể kích hoạt các đợt giảm mạnh, chủ yếu do tâm lý bi quan và áp lực bán giải chấp. Do vậy, MAS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì thái độ thận trọng trong các phiên sắp tới, chờ thêm thông tin về quá trình đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo kịch bản thận trọng nhất, nếu Việt Nam không thể thương thảo để hạ mức thuế đối ứng xuống 10% hoặc không thể bảo đảm các miễn trừ cho những mặt hàng thiết yếu, tâm lý bi quan kéo dài và áp lực bán ra thì nhiều khả năng sẽ đẩy các ngưỡng hỗ trợ về vùng 1.125–1.150 điểm.

Trong một báo cáo chiến lược gần đây, các chuyên gia KBSV kỳ vọng những nỗ lực đàm phán của Việt Nam có thể giúp giảm thuế đối ứng xuống mức thấp hơn.

Đồng thời, Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này, thuyết phục Mỹ giảm thuế đối với các mặt hàng nguyên liệu và phụ trợ quan trọng cho ngành sản xuất của Mỹ, bao gồm, linh kiện điện tử, thiết bị điện, điện tử và các sản phẩm hỗ trợ sản xuất chip bán dẫn. Từ đó tiếp tục thu hút FDI ngành này trong dài hạn.

Trong khi dự báo tăng trưởng xuất khẩu có thể bị tác động đáng kể bởi mức thuế đối ứng, KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ nỗ lực giải ngân đầu tư công trong khi các doanh nghiệp sẽ tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, qua đó bù đắp phần nào sự ảnh hưởng tiêu cực của chính sách thuế quan lên tăng trưởng kinh tế.

Diên Vỹ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/mas-goi-y-chien-luoc-dam-phan-voi-my-khuyen-nghi-ndt-than-trong-cho-them-thong-tin.html
Zalo