Kịch bản nào cho VN-Index trong 90 ngày ông Trump hoãn thuế?
Trong 90 ngày hòa hoãn, xu hướng thị trường sẽ chịu tác động chủ yếu từ diễn biến đàm phán thực tế giữa hai phía, cũng như các tín hiệu chính sách vĩ mô kèm theo. Kịch bản tiềm năng là thị trường sẽ tiếp tục giằng co, với các nhịp tăng giảm xen kẽ bởi các thông tin về thuế quan cũng như diễn biến đàm phán.
Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày để thêm thời gian đàm phán thương mại với các quốc gia đã vực dậy thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong phiên giao dịch 10/4, VN-Index bật tăng hơn 74 điểm, cổ phiếu đồng loạt bung trần ngay từ đầu phiên và giữ nguyên hiện trạng đến hết phiên. Trên 3 sàn, tổng cộng 634 mã tăng hết biên độ, trắng bên bán.
Từ đó đến nay, VN-Index đã có cả những phiên hồi và những nhịp điều chỉnh do áp lực chốt lời hoặc cắt lỗ. Trong bối cảnh thị trường cơ sở không có thêm tin tức bất lợi, diễn biến của VN-Index chủ yếu dựa trên cung cầu ngắn hạn. Một số nhận định cho rằng áp lực bán có thể còn tăng trong những phiên sắp tới, khi có thêm nhà đầu tư cắt lỗ hoặc nhà đầu tư có lãi giảm tỷ trọng cổ nhằm tối ưu vốn ngắn hạn sau đợt nảy hồi biên độ quá lớn.

Ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường tại Agriseco.
Nhận định về xu hướng thị trường trong thời gian tới, ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường tại Chứng khoán Agribank (Agriseco) dự báo kịch bản thị trường sẽ tiếp tục giằng co với các nhịp tăng giảm xen kẽ bởi các thông tin về thuế quan cũng như diễn biến đàm phán.
Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược chọn lọc cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và thuộc các ngành không bị ảnh hưởng bởi thuế quan nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường.
Kịch bản thị trường giằng co, dòng vốn ngoại có xu hướng quan sát và chọn lọc
Sau những phản ứng thị trường thời gian qua theo diễn biến , ông dự báo ra sao về xu hướng thị trường thời gian tới?
Việc Tổng thống Trump tạm dừng áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày là tín hiệu tích cực đối với tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Diễn biến này giúp giảm áp lực lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang và tạo ra khoảng không gian cần thiết để các bên tái đàm phán.
Thị trường đã có phản ứng tích cực ban đầu, tuy nhiên, nhìn sâu hơn, tôi cho rằng đây là giai đoạn mà sự thận trọng vẫn nên được duy trì.
Trong 90 ngày hòa hoãn, xu hướng thị trường sẽ chịu tác động chủ yếu từ diễn biến đàm phán thực tế giữa hai phía, cũng như các tín hiệu chính sách vĩ mô kèm theo. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng đây chỉ là giai đoạn tạm hoãn thuế quan để đàm phán, nên yếu tố bất định vẫn còn.
Tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục giằng co, với các nhịp tăng giảm xen kẽ bởi các thông tin về thuế quan cũng như diễn biến đàm phán. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược chọn lọc cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và thuộc các ngành không bị ảnh hưởng bởi thuế quan nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường.
Triển vọng khối ngoại ra sao thưa ông?
Tôi cho rằng trong giai đoạn 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng này, xu hướng của dòng vốn ngoại sẽ mang tính quan sát và chọn lọc nhiều hơn là ồ ạt giải ngân. Việc tạm dừng áp thuế mang lại tâm lý tích cực ban đầu, nhưng nhà đầu tư nước ngoài thường có góc nhìn trung – dài hạn, nên họ sẽ đánh giá kỹ tiến trình đàm phán cũng như cam kết chính sách từ các bên liên quan.
Ngoài yếu tố thương mại, dòng vốn ngoại hiện nay cũng chịu ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô toàn cầu, như chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn biến đồng USD, và xu hướng dòng tiền vào các thị trường cận biên – mới nổi.
Nếu tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam có tín hiệu khả quan trong 90 ngày tới, cộng với ổn định vĩ mô trong nước, tôi kỳ vọng khối ngoại có thể quay trở lại vị thế mua ròng nhẹ vào cuối giai đoạn này.
Xin ông chia sẻ một số khuyến nghị cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân?
Nhịp giảm mạnh của thị trường sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư mua được những cổ phiếu tốt ở vùng giá chiết khấu. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu bluechips không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan nhưng cũng giảm mạnh cùng với đà giảm chung của thị trường.
Với góc nhìn trung dài hạn, triển vọng của một số nhóm ngành vốn được xem là động lực của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng trong dài hạn như nhóm ngành xuất khẩu (Thủy sản, Dệt may, Đồ gỗ), ngành Cảng biển, ngành Khu công nghiệp sẽ giảm đi sức hấp dẫn.
Ngược lại, các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan và xu hướng bảo hộ như ngành Ngân hàng, Bất động sản dân cư, Xây dựng, Bán lẻ, Công nghệ sẽ được đẩy mạnh để thay thế động lực tăng trưởng cũ.
4 cách tiếp cận tiềm năng cho Việt Nam trong đàm phán với Mỹ
Ông có đánh giá hay gợi mở gì về triển vọng đàm phán của Việt Nam?
Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần tiếp cận đàm phán với tinh thần chủ động, minh bạch và linh hoạt, hướng tới duy trì quan hệ thương mại – đầu tư ổn định và lâu dài với Mỹ. Một số hướng đàm phán tiềm năng có thể bao gồm:
Thứ nhất, Việt Nam có thể làm rõ và cam kết mạnh mẽ hơn về cân bằng thương mại song phương, thông qua việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng như năng lượng, công nghệ cao, máy móc thiết bị, nông sản – vốn là thế mạnh của Mỹ.
Thứ hai, thúc đẩy các sáng kiến đầu tư song phương theo hướng Mỹ đầu tư sản xuất tại Việt Nam để phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì chỉ là quan hệ xuất – nhập khẩu thuần túy. Điều này giúp giảm áp lực từ cáo buộc “thặng dư thương mại không công bằng”.
Thứ ba, Việt Nam có thể nhấn mạnh nỗ lực cải cách chính sách tiền tệ minh bạch, không thao túng tỷ giá, vốn từng là một điểm nhạy cảm trong các cuộc rà soát của phía Mỹ.
Cuối cùng, Việt Nam cần tranh thủ các kênh đối thoại đa phương, nhất là các hiệp định FTA, để thể hiện vai trò một nền kinh tế mở, hội nhập, tuân thủ luật chơi quốc tế.
Tôi cho rằng nếu đi theo hướng mềm dẻo nhưng có chiến lược rõ ràng, Việt Nam có thể vừa giảm thiểu rủi ro ngắn hạn từ các biện pháp đối phó thương mại, vừa tận dụng cơ hội tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng tầm vị thế kinh tế trong trung và dài hạn.
Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay. Ông có khuyến nghị gì với các động lực tăng trưởng kinh tế trong nước trong bối cảnh yếu tố bên ngoài khó lường?
Tôi đánh giá cao việc Chính phủ giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần có những động lực tăng trưởng nội tại rõ nét, vững chắc và linh hoạt hơn trước những thách thức từ bên ngoài như rủi ro thương mại, địa chính trị hay xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu.
Tôi cho rằng có ba nhóm động lực trọng tâm nên được tập trung:
Thứ nhất là thúc đẩy đầu tư công hiệu quả – đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, cảng biển, logistics, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Đây là đòn bẩy quan trọng để kích thích tổng cầu, lan tỏa sang khu vực tư nhân và tăng sức bật cho nền kinh tế.
Thứ hai, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực tư nhân và xuất khẩu – thông qua chính sách thuế linh hoạt, tiếp cận tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thứ ba, là phát huy tiềm năng của các ngành có sức lan tỏa lớn như du lịch, tiêu dùng nội địa, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghệ thông tin. Đây là những ngành có sức phục hồi nhanh nếu được hỗ trợ đúng lúc, đúng cách.
Trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài rất khó đoán định, việc tạo dựng nền tảng tăng trưởng từ bên trong, đi cùng sự điều hành chính sách linh hoạt, ứng biến cao sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng, mà còn củng cố sức chống chịu trong trung – dài hạn.