Mark Zuckerberg lột bỏ mặt nạ
Đây là cách Gizmodo nhận xét khi ông khai tử chương trình thúc đẩy đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DEI). Ông muốn đại tu Facebook, Instagram và Threads theo quan điểm cá nhân.
Nguồn tin nội bộ của New York Times và Axios tiết lộ công ty sẽ giải tán đội ngũ phụ trách DEI, hủy bỏ các mục tiêu liên quan đến việc tăng cường sự đại diện của nhóm thiểu số và chấm dứt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thiểu số. Những thay đổi này được thông báo đến toàn bộ nhân viên thông qua một bản ghi nhớ nội bộ.
Quyết định này phản ánh quan điểm cá nhân của Zuckerberg trong cách điều hành công ty trị giá 1.500 tỷ USD của mình. Hiện tại, nhà sáng lập Facebook không còn muốn giữ im lặng khi nói về những quan điểm đó nữa, New York Times viết.
Thay đổi chóng mặt ngay sau khi gặp Donald Trump
Sự thật là đã từ lâu, vị CEO và những người thân cận trong lĩnh vực công nghệ như Marc Andreessen đã chỉ trích các chương trình DEI và ủng hộ tư tưởng "tự do ngôn luận" kiểu công nghệ. Họ cho rằng DEI là không cần thiết và tin rằng tài năng thực sự sẽ tự tỏa sáng trong chế độ nhân tài (meritocracy). Nhưng thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khái niệm này thường che giấu sự bất bình đẳng, ít đồng cảm và làm trầm trọng hơn tình trạng phân biệt đối xử.
Chính cách tiếp cận này đã dẫn đến việc Meta nới lỏng chính sách kiểm duyệt nội dung, cho phép các phát ngôn gây tranh cãi, bao gồm cả những tuyên bố mang tính phân biệt đối xử, được lan truyền trên các nền tảng của mình.
Theo New York Times, quyết định của Zuckerberg được đưa ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm của ông tới Mar-a-Lago vào tháng 11/2024. Tại đây, ông gặp tổng thống đắc cử Donald Trump. Cuộc gặp này được xem là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong định hướng chính sách của Meta.
Sau chuyến đi, Zuckerberg nhanh chóng triệu tập một nhóm nhỏ gồm các lãnh đạo cấp cao trong công ty để xây dựng kế hoạch cải tổ toàn diện. Chỉ trong vòng 6 tuần, các thay đổi lớn về chính sách phát ngôn và nội dung đã được soạn thảo và chuẩn bị đưa vào thực hiện, theo nguồn tin nội bộ.
Trái với quy trình thông thường, tức là các thay đổi chính sách thường được thảo luận rộng rãi với sự tham gia của nhân viên và các bên liên quan, lần này Zuckerberg giữ bí mật chặt chẽ và chỉ làm việc với một nhóm nhỏ các cố vấn thân cận.
Các chính sách mới được công bố bao gồm: nới lỏng các quy định về phát ngôn liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như giới tính, tôn giáo, nhập cư; loại bỏ chương trình kiểm tra sự thật (fact-checking) nhằm hạn chế thông tin sai lệch; tăng cường phân phối nội dung chính trị trên các nền tảng của Meta.
Các quy định mới còn cho phép người dùng đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi, chẳng hạn như “người đồng tính có vấn đề về tâm thần”, trong khi các phát ngôn tương tự nhắm vào người da trắng lại bị cấm.
Mark Zuckerberg muốn đưa Meta trở lại “sứ mệnh ban đầu”
Những thay đổi này không chỉ gây tranh cãi trong nội bộ Meta mà còn thu hút sự chú ý từ các nhóm hoạt động xã hội và chính phủ. Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích Meta. Ông gọi việc từ bỏ chương trình kiểm tra sự thật là "đáng xấu hổ”. Các nhóm bảo vệ quyền LGBTQ+ cũng bày tỏ lo ngại rằng chính sách mới của Meta sẽ làm gia tăng tình trạng quấy rối và kỳ thị trên mạng xã hội.
Trong nội bộ Meta, quyết định từ bỏ DEI đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Một số nhân viên đã công khai chỉ trích những thay đổi này trên các nền tảng giao tiếp nội bộ. Nhiều người khác âm thầm tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Trong nhóm @Pride dành cho cộng đồng LGBTQ+ tại Meta, một số thành viên đã thông báo từ chức, còn những người khác bày tỏ sự thất vọng sâu sắc. Có người viết rằng họ cảm thấy “xấu hổ khi làm việc tại đây”.
Ngoài ra, Meta đã loại bỏ các tùy chọn giao diện dành cho người dùng chuyển giới và phi nhị nguyên giới trên ứng dụng Messenger. Công ty cũng ngừng cung cấp băng vệ sinh tại các nhà vệ sinh nam. Chúng vốn được trang bị để hỗ trợ nhân viên chuyển giới và phi nhị nguyên giới.
Về mặt quản trị, Zuckerberg đã bổ nhiệm Joel Kaplan - nhà vận động chính sách có quan hệ mật thiết với đảng Cộng hòa - làm Giám đốc chính sách công toàn cầu, thay thế Nick Clegg.
Kaplan là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ các thay đổi trong chính sách kiểm duyệt của Meta. Trong đó bao gồm cả việc đổi tên chính sách "Hate Speech" thành "Hateful Conduct" nhằm giảm trách nhiệm của công ty trong việc kiểm soát nội dung trên các nền tảng.
Về phần mình, Zuckerberg vẫn kiên định với quan điểm của mình. Trong podcast mới nhất của Joe Rogan, ông khẳng định Meta cần quay trở lại “sứ mệnh ban đầu”. Đó là cung cấp quyền tự do ngôn luận cho mọi người.
Ông cũng chỉ trích chính quyền Biden và giới truyền thông đã gây áp lực buộc ông phải kiểm duyệt nội dung. “Giờ đây, tôi có quyền kiểm soát lớn hơn về chính sách và đây sẽ là cách Meta vận hành từ nay về sau”, Zuckerberg nhấn mạnh.