Donald Trump đã làm xáo trộn nước Mỹ, sau đó sẽ là thế giới

Giới tinh hoa châu Âu say mê theo dõi Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện trực tiếp tại ngôi làng Davos trên núi cao của Thụy Sĩ hôm 23/1, như một phép ẩn dụ cho một thế giới đang đón nhận sự trở lại nắm quyền đầy phấn khích của ông với sự lo lắng.

Sự xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới là động thái mới nhất đầy tự tin của Donald Trump nhằm định hình lại vận mệnh của nước Mỹ sau một tuần hành động hành pháp và các cuộc họp báo bất ngờ.

Tổng thống Mỹ đưa ra lời đe dọa rõ ràng nhất từ trước đến nay về việc đánh thuế hàng xuất khẩu của châu Âu, đưa ra mục tiêu gần như không thể đạt được về chi tiêu quốc phòng của các nước NATO và một lần nữa cố gắng thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán để chấm dứt chiến tranh Ukraine.

Nhưng lý do bài phát biểu hôm 23/1 có thể đi vào lịch sử là vì Donald Trump đã mang đến cho những người tham dự tại Davos tầm nhìn thô sơ nhất từ trước đến nay về vai trò mới của nước Mỹ trên thế giới.

Thay đổi trật tự toàn cầu

Trong “thời đại hoàng kim” mới của mình, Donald Trump lập luận rằng Mỹ sẽ theo đuổi các lợi ích quốc gia riêng biệt của mình. Donald Trump nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này là hợp lý vì “nhiều điều đã không công bằng với Mỹ trong nhiều năm”.

Từ giờ trở đi, ông nói rõ, mọi hành động chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ đi kèm với một phép tính đánh giá xem nó có lợi cho người Mỹ như thế nào. Các quốc gia và công ty đa quốc gia khác không phải tham gia, nhưng nếu họ chọn không tham gia - họ sẽ bị trừng phạt, bao gồm cả thuế quan.

Hơn nữa, nước Mỹ quá hùng mạnh và giàu tài nguyên, không cần bất kỳ quốc gia nào khác. Ví dụ, ông nói về Canada, “chúng ta không cần họ sản xuất ô tô cho chúng ta... Chúng ta không cần gỗ của họ vì chúng ta có rừng của riêng mình... Chúng ta không cần dầu và khí đốt của họ. Chúng ta có nhiều hơn bất kỳ ai.”

Donald Trump bày tỏ sự tức giận đối với Liên minh châu Âu, phàn nàn về các hoạt động quản lý mà ông cho là kìm hãm tăng trưởng. Ông phàn nàn về thuế và hạn chế áp dụng đối với Google, Apple và Meta ở châu Âu, ám chỉ rằng ông coi các công ty, những nhà lãnh đạo đầu sỏ công nghệ mà ông chào đón, là công cụ của quyền lực Mỹ. "Đây là các công ty Mỹ, bất kể bạn có thích hay không."

Chính thức hóa yêu cầu đối với NATO

Donald Trump chính thức hóa yêu cầu của mình đối với các thành viên NATO để tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP. Đây là một con số sẽ gây phá sản nhiều nền kinh tế phương Tây.

Khi một phóng viên tại Phòng Bầu dục chỉ ra rằng Mỹ chỉ chi khoảng 3,4% cho quốc phòng, Donald Trump đã trả lời: “Chúng tôi đang bảo vệ họ, họ không bảo vệ chúng tôi”.

Trong những ngày đầu nắm quyền, Donald Trump cũng khẳng định ông coi các quốc gia như Panama, Canada và vùng lãnh thổ tự trị rộng lớn Greenland của Đan Mạch là một phần trong phạm vi lợi ích của Mỹ.

Donald Trump đã phàn nàn về thâm hụt thương mại với Canada rồi tiếp tục kêu gọi nước này gia nhập Mỹ. Không có cơ hội nào để Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Nhưng phát biểu của Donald Trump trái ngược với nguyên tắc tất cả các quốc gia đều có chủ quyền bình đẳng mà Mỹ đã ghi nhận trong hiến chương Liên hợp quốc.

Triết lý “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump thường được mô tả là sự trở lại của chủ nghĩa biệt lập đã thịnh hành giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác. Ông muốn sải bước trên sân khấu toàn cầu. Ông đang ủng hộ chính sách đối ngoại mà ở đó nước Mỹ thống trị nhưng tham gia một cách có chọn lọc.

Điều này đã được giải thích bởi tân Ngoại trưởng Marco Rubio. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo một chính sách đối ngoại thúc đẩy lợi ích quốc gia. Tôi mong đợi mọi quốc gia trên trái đất sẽ thúc đẩy lợi ích quốc gia của họ... Tôi hy vọng sẽ có nhiều quốc gia, trong đó lợi ích quốc gia của chúng tôi và lợi ích quốc gia của họ phù hợp với nhau.”

Nói cách khác, Mỹ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác khi thấy phù hợp, không phải thông qua các tổ chức quốc tế làm giảm sức mạnh của Mỹ mà là hợp tác riêng lẻ, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ có lợi thế về quy mô, sự giàu có và sức mạnh quân sự.

Điều này, cùng với niềm tin của Donald Trump vào các cường quốc hành động với quyền tối cao trong phạm vi ảnh hưởng của họ và nỗi ám ảnh ngày càng tăng của ông về việc mở rộng lãnh thổ, là một khái niệm khá giống thế kỷ 19. Cũng giống như quyết tâm của Donald Trump trong việc sử dụng thuế quan để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là nâng cao mức sống và giảm giá.

Thuế quan không chỉ là một công cụ kinh tế ngắn hạn

Tổng thống Mỹ đã cảnh báo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Davos rằng “nếu các bạn không sản xuất sản phẩm của mình tại Mỹ, vốn là đặc quyền của các bạn, thì đơn giản là các bạn sẽ phải trả thuế”. Ông cho biết các mức thuế này sẽ “chuyển hàng trăm tỷ đô la, thậm chí là hàng nghìn tỷ đô la để củng cố nền kinh tế Mỹ”.

Bình luận của ông chính là lời tuyên bố về một cuộc chiến thương mại chống lại Liên minh châu Âu vì ông không chỉ muốn làm cho hàng nhập khẩu kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa của Mỹ mà còn cố gắng thu hút việc làm và ngành công nghiệp bên kia Đại Tây Dương.

Thuế quan được sử dụng trong phần lớn 150 năm đầu tiên của Mỹ. Chúng là một trong những chính sách được ưa chuộng nhất của tổng thống thứ 25 - William McKinley được Trump yêu thích. William McKinley là một đảng viên Cộng hòa, đã sắp xếp lại chính trị ở các quốc gia công nghiệp và là một người theo chủ nghĩa đế quốc đã thêm Philippines, Puerto Rico và Hawaii vào danh mục bất động sản của Mỹ.

Donald Trump đã nhắc đến McKinley, người phục vụ từ năm 1897 cho đến khi bị ám sát vào năm 1901, nhiều lần trong những ngày gần đây và đã ký một sắc lệnh hành pháp để khôi phục tên ban đầu của Denali, ở Alaska, thành Núi McKinley. “Tổng thống McKinley đã làm cho đất nước chúng ta trở nên rất giàu có thông qua thuế quan và nhân tài,” Trump phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức.

Những cảnh báo liên tục của ông về thuế quan đang thách thức các giả định rằng ông chỉ đơn giản là đưa ra mối đe dọa như một đòn bẩy để giành được sự nhượng bộ ngắn hạn trong các cuộc đàm phán thương mại với các quốc gia như Mexico, Canada và EU. Tuy nhiên, những phát biểu của ông cho thấy đây là một công cụ lâu dài. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thừa nhận mối quan ngại của nhiều chuyên gia kinh tế rằng thuế quan nặng nề sẽ làm tăng giá cho người Mỹ và phá hủy nền kinh tế toàn cầu.

Một trong những lập luận hùng hồn nhất chống lại thuế quan bao trùm đã được Franklin Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Mỹ đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1932 của ông. Trong bài phát biểu tại Seattle, Franklin Roosevelt giải thích rằng thuế quan do tổng thống thứ 31, Herbert Hoover đưa ra dưới áp lực của những người Cộng hòa cứng rắn đã tạo nên “hậu quả tất yếu là gây ra sự trả đũa từ các quốc gia khác trên thế giới” và dẫn dắt nước Mỹ trên “con đường hủy diệt”.

Những lời cảnh báo của Franklin Roosevelt đưa ra lời chỉ dẫn cho những người chỉ trích Donald Trump ngày nay. Và điều này rất phù hợp, vì nhiều nguyên tắc lâu đời của Mỹ, từ thương mại đến quan hệ quốc tế, mà vị tổng thống thứ 47 đang tìm cách phá bỏ bắt nguồn từ nền tảng của trật tự toàn cầu hiện đại do Mỹ lãnh đạo do vị tổng thống thứ 32 của Mỹ, Franklin Roosevelt đặt ra.

TD - MD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/donald-trump-da-lam-xao-tron-nuoc-my-sau-do-se-la-the-gioi-238028.htm
Zalo