Mạnh tay răn đe có thay đổi ý thức tham gia giao thông

Kể từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về mức xử phạt mới đối với các vi phạm giao thông chính thức có hiệu lực. Đến nay, đã gần 1 tuần Nghị định này được áp dụng và bắt đầu có những tác động bước đầu đến cuộc sống.

anh vi phạm giao thong

anh vi phạm giao thong

Mức xử phạt mạnh để nâng cao tính răn đe

Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” có hiệu lực từ 01/01/2025, thay thế Nghị định 100/2019, sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123. Theo Nghị định 168, có nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mạnh mức xử phạt, lên gấp vài lần đến hàng chục lần so với mức phạt trước đây. Đơn cử như vi phạm vượt đèn đỏ, mức xử phạt mới đối với xe mô tô, xe gắn máy là 4 - 6 triệu đồng (thay cho mức 800.000 - 1 triệu đồng trước đây), với ô tô là 18 - 20 triệu đồng (thay cho mức 4 - 6 triệu đồng trước đây).

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết chỉ trong 2 ngày đầu thực thi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành (ngày 1 và 2/1/2025), Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.079 trường hợp vi phạm; tạm giữ 169 xe ô tô, 8.147 xe mô tô, 245 phương tiện khác; tước 4.261 giấy phép lái xe các loại.

Mức phạt cao nhất đối với xe mô tô, xe gắn máy là 8 - 10 triệu đồng cho các lỗi: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe lạng lách, đánh võng; gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND nơi gần nhất.

Còn với ô tô, mức phạt cao nhất là 40 - 50 triệu đồng cho các lỗi: Lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường. Kế đến là mức phạt 30 - 40 triệu đồng đối với các lỗi: Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc; lùi xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc.

Dù mới được đưa vào cuộc sống, nhưng Nghị định đã bước đầu tạo nên sự thay đổi đáng kể trong ý thức tham gia giao thông của người dân. Ghi nhận mới đây tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nơi mà khoảng 1 tháng trước, camera giao thông từng ghi nhận hơn 160 người vượt đèn đỏ trong vòng 2 phút, thì nay, các phương tiện giao thông đã chấp hành đúng tín hiệu đèn giao thông, gần như không còn tình trạng phương tiện giao thông vượt đèn đỏ nữa. Đây là một minh chứng cho thấy tác động răn đe của Nghị định mới tới người tham gia giao thông.

Theo Luật sư Ngọc Thụy, Nghị định 168 với những sửa đổi mới về mức xử phạt hành chính và áp dụng mức trừ điểm giấy phép lái xe là hoàn toàn đúng đắn, bởi có thể thấy, nguyên nhân gây tai nạn đa số xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông như: sử dụng rượu bia, ma túy, vi phạm tốc độ, không đi đúng làn đường, phần đường, phóng nhanh, vượt ẩu… Và mức phạt trước đó dường như chưa chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều người chủ quan, coi thường sự an toàn của bản thân và của người khác.

“Việc tăng mức phạt là đánh thẳng vào kinh tế của người tham gia giao thông, từ đó sẽ tăng ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông xảy ra. Do vậy, việc nâng mức phạt lên cao gấp vài lần so với trước đây là cần thiết.” – luật sư Thụy nói thêm.

Còn theo luật sư Mậu Thành - Văn phòng luật sư Phú Thành, việc nâng mức phạt “mạnh tay” như vậy là rất cần thiết, thậm chí có thể làm từ lâu, bởi tại Hà Nội cũng như các địa phương tại Việt Nam hiện nay, tình trạng vi phạm luật lệ giao thông đang diễn ra khá nhiều. Do đó, cần hình phạt đủ sức răn đe để người tham gia giao thông có ý thức chấp hành luật, từ đó, bảo đảm an toàn, tính mạng cho cả bản thân và những người xung quanh. Nhất là khi nghị định mới nâng cao mức xử phạt đối với một số hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông có thể dẫn đến tai nạn chết người, bị thương tật và ảnh hưởng đến xã hội rất lớn như đua xe, lạng lách, vượt đèn đỏ, lùi hoặc đi ngược chiều trên cao tốc…

Theo luật sư Thành, chỉ khi mức xử phạt đánh mạnh vào kinh tế của người dân thì mới có thể tạo được chuyển biến trong ý thức tham gia giao thông, giống như những quy định đã áp dụng để thay đổi ý thức của người dân về việc đội mũ bảo hiểm nhiều năm trước.

Không chỉ từ góc nhìn của các chuyên gia, ngay cả người đi đường cũng có chung cảm nhận như vậy, chị Hồng Ngọc chia sẻ với chúng tôi trong lúc chờ đèn đỏ tại ngã tư Phạm Hùng – Mễ Trì rằng chị cũng là dân văn phòng, ngày thường phải chấm công đúng giờ, cung đường chị đi thì hay tắc nên thường tranh thủ “đi cố” vượt đèn đỏ để kịp thời gian đến cơ quan, nhất là khi đèn đỏ ở ngã tư này khá dài. “Tuy nhiên sáng nay, chị không còn dám tranh thủ như vậy nữa. Đành đi sớm mấy phút chứ không dám vượt đèn đỏ. Một lần phạt bằng nửa tháng lương rồi” – chị Ngọc tâm sự.

Mức phạt bằng cả tháng lương của người lao động

Câu chuyện người tham gia giao thông sững sờ, bất ngờ về mức phạt cao “ngất ngưởng” ngay ngày đầu nghị định được áp dụng vào cuộc sống không ít. Một nữ sinh đại học đã bật khóc khi phải nhận mức phạt 4 triệu đồng vì vượt đèn đỏ, mà lý do là để… đến kịp giờ thi.

Hay một câu chuyện khác, anh Tùng (40 tuổi), một tài xế taxi, nghẹn ngào chia sẻ: “Sáng nay đi đón khách, vì đường quá đông, tôi sợ đến muộn, nên đi cố khi đèn vừa chuyển đỏ, không ngờ bị cảnh sát giao thông giữ lại. Nghe mức phạt 18 triệu đồng mà tôi bàng hoàng luôn, tôi không nghĩ tới bị phạt nặng như vậy, trước đây chỉ khoảng 4 - 6 triệu đồng. Tôi không hay đọc báo nên không biết mức phạt đã nâng lên. Thế này thì bằng cả tháng lương của tôi rồi. Coi như tháng này tôi đi làm không công. Giờ tôi không biết báo với vợ như thế nào. Chúng tôi còn phải lo cho 2 con đang tuổi ăn học nữa.”

Đây cũng là thực trạng mà ông là Nguyễn Hồng Minh - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội, Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc Công ty TNHH thương mại và Du lịch Nguyên Minh, trăn trở. Bởi vì, mức phạt hiện nay khá cao so với lương của tầng lớp lao động bình dân, đặc biệt là những người thường xuyên tham gia giao thông, là nhóm người làm công việc vận chuyển như tài xế taxi, tài xế xe ôm, người chuyển hàng… Mức phạt nặng bên cạnh việc mang tính răn đe, thì cũng có thể khiến một bộ phận người lao động thuộc nhóm này không còn mong muốn tiếp tục làm công việc này nữa. Bởi chỉ cần sơ sẩy bị phạt một lần thì có khi đã mất cả nửa tháng lương, hoặc cả tháng lương rồi.

“Ví dụ, đối với một người lái xe thuê, không phải là chủ doanh nghiệp, thì một tháng, sau khi trừ đi tất cả chi phí, họ có thể kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Hiện nay, nếu đi đường bị phạt lên tới 18 - 20 triệu đồng, thì sẽ khiến họ cảm thấy nản chí và bỏ việc. Điều này vô hình chung gây tác động nên gánh nặng lên xã hội, khi có một lượng lao động dôi dư, không thể tiếp tục làm việc do bị treo bằng hay bỏ nghề, họ mất cần câu cơm khi mà đã sắp đến Tết. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ lụy xã hội. Dù có tác dụng răn đe rất lớn, nhưng việc này cũng có thể gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến đời sống người lao động. Bởi khi một người lái xe nghỉ việc thì sẽ ảnh hưởng đến người đó, gia đình nhỏ của người đó, cũng như cha mẹ của họ” - ông Minh lý giải thêm.

Một số kiến nghị đối với nghị định mới

Bên cạnh việc tán đồng đối với sự “mạnh tay” răn đe nhằm thay đổi ý thức tham gia giao thông, một số chuyên gia cho rằng, cần một “bước đệm” để người dân có thể dần thích nghi với nghị định mới và chấp hành tuân thủ luật.

Theo luật sư Mậu Thành, hiện nay, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về Nghị định 168/2024 tới người dân, để người dân, đặc biệt là những người lao động ngành vận tải có thể nắm bắt và chấp hành luật. Trong đó, cần những cách truyền thông mới, ngắn gọn dễ hiểu, dễ xuất hiện. Cũng như cần tận dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền thông chính sách. Bởi những người lao động này thường ít có thời gian đọc báo, nên sẽ khó nắm bắt các thông tin về nghị định mới hơn. Vì vậy, vai trò của các kênh truyền thông phát thanh cũng là rất quan trọng.

Mức phạt của Việt Nam có phần cao hơn so với các nước trong khu vực
Xu hướng tăng mức phạt để mang tính răn đe nhằm thay đổi hành vi khi tham gia giao thông không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới. Nhìn trong khu vực Đông Nam Á, năm 2023, Thái Lan đã đưa ra quy định giao thông mới và áp dụng mức phạt cao nhất lên đến 4.000 baht (~3 triệu đồng) cho hành vi vượt đèn đỏ. So với mức phạt 1.000 baht (~ 746.000 đồng) ở quy định cũ, số tiền phạt đối với hành vi này đã tăng gấp 4 lần. Thái Lan còn áp dụng mức phạt tăng lũy tiến nếu người vi phạm tái phạm nhiều lần, hoặc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi nhằm nâng cao tính răn đe.
Cũng áp dụng mức phạt tăng lũy tiến với các trường hợp vượt đèn đỏ là Philippines. Theo đó, Luật giao thông nước này quy định, lần phạt đầu tiên là 2.000 Php (~875.000 đồng), lần vi phạm thứ 2 là 3.000 Php (~ 1,3 triệu đồng) và lần vi phạm thứ 3 là 10.000 Php (~ 4,3 triệu đồng).
Còn tại Malaysia, theo Luật Giao thông Đường bộ năm 1959, mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ dao động từ 300 RM (khoảng 1,7 triệu đồng) đến 2.000 RM (hơn 11 triệu đồng). Nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện có thể đối mặt với án tù lên đến sáu tháng.
Indonesia cũng áp dụng kết hợp cả phạt tiền và phạt tù với hành vi vượt đèn đỏ, theo luật giao thông năm 2009, mức phạt tiền là 500.000 IDR (~785.000 đồng). Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người điều khiển phương tiện có thể chịu án tù lên đến hai tháng.
Tại Singapore, nước này kết hợp quy định phạt tiền và trừ điểm giấy phép lái xe, người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tối đa 400 SGD (~ 7,5 triệu đồng) đối với xe máy và 500 SGD (~9,3 triệu đồng) đối với ô tô, nhất là ở các khu vực nhạy cảm như khu vực dành cho người cao tuổi hoặc gần trường học. Hành vi này cũng bị trừ 12 điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Minh kiến nghị, cần một khoảng thời gian làm bước đệm để người dân thích nghi dần với các quy định mới. Ông Minh mong rằng có thể có 1 – 2 năm thí điểm, áp dụng dần dần quy định của nghị định vào cuộc sống, với lộ trình tăng dần mức phạt theo các năm. Để từ đó, người dân có sự chuẩn bị, có những thay đổi dần dần trong ý thức tham gia giao thông, để “mưa dầm thấm lâu”, tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của người dân.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Trần Văn Tư - Giám đốc Công ty Luật TNHH Trần Tư và Cộng sự cho rằng, mức phạt hiện nay đã đủ mang tính răn đe, tuy nhiên, để đảm bảo người quyền lợi chung của người tham gia giao thông, tránh trường hợp bị “xử phạt oan” thì đi đôi với mức phạt nặng gấp nhiều lần, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm nâng cấp chất lượng hệ thống biển báo và đèn giao thông. Ví dụ như hiện nay, trên các trang mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều video quay lại cảnh đèn giao thông đang từ 35 - 40s đèn xanh, chuyển sang đèn đỏ khiến nhiều lái xe không kịp phản ứng, dẫn đến có thể bị phạt về hành vi vượt đèn đỏ hoặc có thể gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, cũng có nhiều người dùng mạng xã hội, cánh lái xe phản ánh về tình trạng biển báo khuất tầm nhìn, vạch kẻ mờ…. Các tồn tại trên dẫn đến tâm lý “không phục” của người tham gia giao thông khi bị xử phạt.

Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm có thể vì nguyên nhân khách quan nêu trên thì người xử phạt hành chính cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng để cân nhắc áp dụng các trường hợp không xử phạt hành chính do “sự kiện bất ngờ” hoặc “sự kiện bất khả kháng” quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Đối với vấn đề này, mới đây, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sẽ không xử phạt đối với người dân gặp phải tình huống đèn tín hiệu bị lỗi tại các nút giao khi tham gia giao thông.

Lý giải về tình trạng đèn tín hiệu đột ngột chuyển màu hay chuyển màu khi chưa hết thời gian đếm giây, hết thời gian đếm giờ nhưng không đổi đèn, dẫn đến việc người dân vô tình vi phạm giao thông, theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số đèn tín hiệu giao thông thuộc thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày. Theo đó, một cột đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển chu kỳ từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Cảnh sát giao thông đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu, đồng thời kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh khẳng định, tại những nút giao có hiện tượng "nhảy đèn", cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt. Người dân yên tâm là sẽ không bị cảnh sát giao thông phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này.

"Khi lập biên bản xử phạt đối với một trường hợp nào đó, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của họ, cho họ xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó", Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết.

Còn đối với việc phạt nguội, cảnh sát giao thông sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản, đảm bảo người dân "tâm phục, khẩu phục", tránh bị phạt sai.

ANH THƯ

Trong đó vi phạm về nồng độ cồn là 6.079 trường hợp; vi phạm về tốc độ 5.405 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 515 trường hợp; quá khổ giới hạn 60 trường hợp; vi phạm ma túy 60 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông 682 trường hợp; 2.808 trường hợp không đội mũ bảo hiểm…

Nguyễn Hồng Minh - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội:

Nguyễn Hồng Minh - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội

Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 vừa được thông qua vào tháng 6, quy định về thời gian làm việc tối đa trong một tuần đối với các lái xe dịch vụ nhằm đảm bảo sức khỏe làm việc và an toàn giao thông: thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của bộ luật Lao động. Quy định này áp dụng với đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.

Với quy định mới này, kết hợp với quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông, vô hình chung sẽ gây khó khăn cho các công ty vận tải khi khó bố trí nhân lực, rủi ro khi các lái xe bị treo bằng, không muốn, không thể hành nghề nữa. Nhìn rộng hơn, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến ngành vận tải, khi thiếu nhân lực vận chuyển hàng hóa, con người, dẫn đến ách tắc các bến cảng, khó lưu thông giao thông. Từ đó, gây ảnh hưởng đến các ngành này, di chuyển trong nước, quốc tế, hay ngành logistics cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Luật sư Trần Văn Tư: Cần có mức xử phạt nặng hơn để mang tính răn đe cho những hành vi đặc biệt nguy hiểm

Đối với một số hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây nguy hiểm cao như: Lùi xe trên đường cao tốc; đi ngược chiều trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc, tôi kiến nghị tăng mức phạt hoặc xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi này.

Hiện nay, Nghị định 168 quy định mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc là 10 triệu đồng - 14 triệu đồng. Đối với hành vi người điều khiển xe ô tô lùi xe trên đường cao tốc; đi ngược chiều trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc là 30 triệu đồng - 40 triệu đồng. Thiết nghĩ, mức phạt trên chưa đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng nêu trên. Trong thực tiễn gần đây, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến việc lùi xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc. Do đó, tôi kiến nghị, pháp luật cần tăng mức hình phạt hoặc có thêm các trường hợp xem xét xử lý hình sự kể cả khi chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Hoàng Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/manh-tay-ran-de-co-thay-doi-y-thuc-tham-gia-giao-thong-10297750.html
Zalo