Mạnh mẽ tái cấu trúc, tín dụng MSB bứt phá đầu năm hướng đến mục tiêu 20%
Bước vào năm 2025, ngân hàng mạnh mẽ tái cấu trúc và triển khai hàng loạt kế hoạch chiến lược: tăng vốn, thoái vốn khỏi công ty tài chính và lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán. Theo lãnh đạo MSB, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% năm 2025, mức cao so với trung bình và kỳ vọng lợi nhuận tăng bình quân 18 - 20% trong 5 năm tới.
Ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã Ck: MSB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 và thông qua việc triển khai hàng loạt kế hoạch chiến lược quan trọng trong năm.
Tập trung vào chiến lược tái cấu trúc và lấn sân lĩnh vực mới
Năm 2025, MSB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 350 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tổng huy động từ thị trường 1 và phát hành trái phiếu dự kiến đạt 202 nghìn tỷ đồng, tăng 15%, trong khi tổng dư nợ (bao gồm cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) dự kiến đạt 212.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Về lợi nhuận, MSB phấn đấu đạt 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2025, tăng 16% so với năm 2024 (6.903,8 tỷ đồng).
Ngân hàng định hướng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu cuối 2024 ở mức 2,68%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện lên 64%, tuy vẫn thấp hơn mức 95% từng đạt vào năm 2021.

Nguồn: Báo Tài chính - Đầu tư tổng hợp.
Về tăng vốn, MSB dự kiến phát hành tối đa 520 triệu cổ phiếu để chia cổ tức (tỷ lệ 20%), sử dụng nguồn lợi nhuận chưa chia và lợi nhuận sau trích lập quỹ. Nếu thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng. Trước đó năm 2024, ngân hàng đã tăng vốn từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng theo hình thức tương tự.
Năm 2025, MSB tái khởi động kế hoạch thoái vốn khỏi công ty con TNEX Finance (tiền thân là FCCOM), sau nỗ lực bất thành năm 2021 khi dự định bán 100% vốn cho đối tác nước ngoài. TNEX Finance, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hiện cung cấp nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng, song có kết quả kinh doanh ở mức khiêm tốn.
Năm 2024, tổng tài sản TNEX Finance đạt 3.807 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.774 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5 tỷ đồng. MSB dự kiến chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn tại TNEX Finance, nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược có năng lực, qua đó thu về nguồn lực để tập trung cho hoạt động cốt lõi.
Song song đó, MSB định hướng mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán và quản lý quỹ, đón đầu cơ hội từ quá trình nâng hạng thị trường tài chính Việt Nam và dòng vốn ngoại đổ vào. Ngân hàng lên kế hoạch đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để phát triển ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính trọn gói, hướng tới xây dựng mô hình tài chính toàn diện trong tương lai.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị MSB, dự kiến từ năm sau, ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông tại trụ sở mới. Hiện nay, các thủ tục cần thiết về cơ bản đã hoàn tất. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, hiếm có tổ chức nào sở hữu một trụ sở khang trang và hiện đại như MSB.
Tập trung vào hoạt động cốt lõi, đẩy mạnh tín dụng
Trả lời câu hỏi của cổ đông về các kế hoạch trọng tâm triển khai năm 2025, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc cho biết, từ năm 2022 đến nay, thị trường cho vay tài chính tiêu dùng vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Cùng lúc phát triển nhiều mục tiêu nhiều phân khúc gây khó khăn cho hoạt động cốt lõi của ngân hàng nên MSB quyết định thoái vốn khỏi TNEX Finance. Ngân hàng quyết định tập trung nguồn lực cho các hoạt động cốt lõi và hướng đến phục vụ các phân khúc khách hàng cao cấp hơn. Hiện công ty này đang có 2 - 3 đối tác quan tâm, MSB tiến hành sàng lọc và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
MSB cũng đang xúc tiến tìm kiếm các công ty chứng khoán, quản lý quỹ có quy mô vốn 300-500 tỷ đồng, sau đó lên kế hoạch tăng vốn sau, giúp MSB tạo ra mô hình tài chính toàn diện.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng MSB. Ảnh: Ánh Tuyết.
Tín dụng bật tăng khả quan 9% quý đầu năm
"Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% là mục tiêu tăng trưởng cao so với trung bình ngành, tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả năm 2024, MSB đã được mức tăng trưởng 18,25%, điều này cho thấy con số này rất khả thi. Hết quý I, MSB đạt mức tăng trưởng gần 9% , có nghĩa còn lại ba quý chỉ còn lại 11% nữa. Theo định hướng của NHNN, MSB năm nay sẽ tập trung vào các ngành thúc đẩy cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và các ngành mũi nhọn thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế" - Tổng Giám đốc MSB thông tin.
Tổng Giám đốc cũng cho biết MSB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng bình quân từ 18 - 20% trong giai đoạn 2025 - 2030. Tài sản cũng phải gia tăng tương ứng để đạt mục tiêu tăng trưởng kể trên mỗi năm.
Đánh giá mức độ ảnh hưởng của thuế quan, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng của MSB đạt khoảng 191.000 tỷ đồng.
Trong đó, một số ngành nghề như: sản phẩm gỗ, cá tra, dệt may, hóa chất, điện thoại, thiết bị di động, hạt điều và một số lĩnh vực khác có dư nợ tương đối nhỏ, với tổng giá trị khoảng 3.900 tỷ đồng. Đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành này, MSB đã tiến hành rà soát toàn bộ, đánh giá lại năng lực hoạt động cũng như khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường.
"Danh mục này tương đối tốt và nếu có rủi ro xảy ra, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2,34% và thấp hơn giới hạn 3% do NHNN quy định" - ông Linh đánh giá./.