Mang tri thức về với đồng bào vùng biên
Biết được cái chữ là bước khởi đầu, nhưng chừng đó có lẽ vẫn là chưa đủ để tri thức thực sự bén rễ và phát huy tác dụng ở những vùng biên nghèo khó miền Trung. Ở đó, tri thức cần một môi trường để nuôi dưỡng, để lan tỏa. Chính vì vậy, việc xây dựng các mô hình văn hóa đọc như 'Phòng đọc biên giới' đã và đang trở thành điểm tựa quan trọng cho công cuộc xóa đói tri thức, mở rộng tầm nhìn của đồng bào nơi phên giậu Tổ quốc.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4, Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình tổ chức chương trình với hàng trăm đầu sách, hàng trăm món quà gửi tới đồng bào biên giới xã Thượng Hóa. Ảnh: Bùi Cường
Nhiều xã biên giới vùng cao - nơi địa hình hiểm trở, giao thông cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nay đã dần xuất hiện những địa điểm, không gian đọc sách báo ngay gần thôn bản, gần chợ phiên, điểm trường hay trụ sở thôn đội. Đó là những mái nhà nhỏ được dựng lên bằng tình thương và trách nhiệm, là nơi lưu giữ những cuốn sách, báo, tạp chí - dù nhiều cuốn đã sờn gáy, cũ kỹ, dính dấu tay của hàng trăm lượt độc giả, nhưng vẫn mang giá trị vô giá. Bởi trong những trang sách ấy là cả một chân trời tri thức mới, là cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn bên ngoài đối với người dân vùng biên.
Các đồn Biên phòng tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Huế... đã chủ động xây dựng và duy trì các mô hình “Phòng đọc biên giới”, tạo điều kiện thuận lợi để người dân địa phương - đặc biệt là các em nhỏ và thanh thiếu niên được tiếp cận với sách báo, học hỏi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống. Những phòng đọc ấy không chỉ đơn thuần là nơi giải trí, thư giãn sau giờ lao động, mà còn là nơi gieo mầm những ước mơ, chắp cánh cho khát vọng vươn lên trong học tập, sản xuất và cuộc sống.
Ở đó, từng cuốn sách như những người thầy lặng lẽ, âm thầm truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy cách làm ăn hiệu quả, cách phòng tránh bệnh tật, thậm chí là những bài học đạo đức, kỹ năng ứng xử trong gia đình, cộng đồng. Mỗi trang sách mở ra một góc nhìn mới, một suy nghĩ mới, từ đó, giúp bà con thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, ứng xử với cuộc sống một cách tích cực và khoa học hơn.
Đặc biệt, “Phòng đọc biên giới” còn trở thành nơi gặp gỡ, gắn kết cộng đồng. Trong không gian nhỏ ấy, người lớn, trẻ nhỏ, cán bộ Biên phòng, giáo viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức cùng nhau chia sẻ câu chuyện, cùng đọc một cuốn sách, cùng thảo luận một vấn đề... Tình làng nghĩa xóm, nghĩa tình quân dân vì thế mà ngày càng bền chặt. Chính tại nơi biên cương Tổ quốc, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc đang được khơi dậy và lan tỏa một cách tự nhiên, dung dị, giàu ý nghĩa.
Nhiều "Phòng đọc biên giới" điển hình như của Đồn Biên phòng Đắc Pring, BĐBP Quảng Nam hiện có hơn 1.500 đầu sách, báo và tạp chí các loại, thường xuyên phục vụ nhu cầu học tập của hàng trăm người dân 2 xã Đắc Pring và Đắc Pre (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Hay tại xã biên giới Ga Ry (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), "Phòng đọc biên giới" do cán bộ, chiến sĩ Biên phòng lập nên không chỉ mang tri thức, ánh sáng văn hóa đến đồng bào biên giới, mà còn hình thành thói quen đọc sách cho rất nhiều người. Tương tự, "Phòng đọc biên giới" của Đồn Biên phòng La Êê, BĐBP Quảng Nam đã duy trì hơn 10 năm qua, là điểm sáng tri thức ở biên giới.
Mới đây, ngày 18/4, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4, Đồn Biên phòng Cà Xèng (BĐBP Quảng Bình) đã tổ chức Chương trình “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Hàng trăm đầu sách, hàng trăm món quà được gửi tới đồng bào biên giới xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) để nâng cao tri thức cho mọi người. Đồng chí Hoàng Công Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ, Chương trình “Sách và văn hóa đọc biên giới vùng cao” hàng năm là dịp góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi người dân đã có kiến thức cơ bản, có thể hiểu được những gì anh em cán bộ, chiến sĩ muốn nói thì việc tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ trở nên dễ dàng hơn. Họ cũng hiểu được trách nhiệm, vai trò của mình là gì để từ đó nâng cao nhận thức. Mô hình “Phòng đọc biên giới” như thế này thật sự hữu ích đối với nhân dân và cả cán bộ địa phương.

“Phòng đọc biên giới” tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị. Ảnh: Phước Trung
Trong "Phòng đọc biên giới" ở xã Đắc Pring, những đứa trẻ đồng bào hồ hởi cầm trên tay những cuốn sách với đủ sắc màu. Chúng cùng đọc, rồi kể với nhau. Chúng truyền tay nhau từng cuốn sách đã mòn dấu thời gian và lấy đó làm điều hết sức thích thú. Sách mở ra một chân trời mới cho trẻ em đồng bào ở vùng cao, ở biên giới này. Chân trời đó có những cánh đồng lúa bát ngát với dòng sông và câu hò, mở ra cả một đại dương với những đoàn thuyền đánh cá nặng trĩu đầy khoang cưỡi sóng bạc trở về, mở ra những phố phường ngập tràn ánh sáng và biết bao trò chơi - điều mà những đứa trẻ ở biên giới chưa một lần ra khỏi cánh rừng biên cương được tận mắt thấy. "Phòng đọc biên giới" tạo cơ hội cho các em tiếp xúc với những điều mới lạ, một thế giới sách phong phú, lôi cuốn bằng những câu chuyện đầy ý nghĩa. Đặc biệt, qua những trang sách, các em có thể trau dồi vốn tiếng Việt của mình trở nên phong phú hơn, sử dụng ngôn từ thuần thục hơn.
Sách không chỉ được lũ trẻ tìm đến đọc, mà ở đó còn có nhiều thanh niên, người lớn tìm đọc. Những cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức cho người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn là nơi để người dân có thể tiếp cận với những kiến thức bổ ích cho cuộc sống, phát triển kinh tế, nhiều đầu sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... để người dân tham khảo, ứng dụng phù hợp. “Mình đọc sách, mới biết được nuôi con dê, con heo, con gà như thế nào cho tốt, cho sạch. Trước đây, gia súc, gia cầm thường bị chết, mất do thả rông. Nhờ đọc sách báo, bà con nay đã biết làm cái chuồng cho con gà, con dê, con bò ngủ mỗi đêm nên không bị lạnh, không chết vì dịch bệnh nữa. Trồng cây lúa cũng đứng thẳng, ít bị bệnh, vui lắm!” - anh Pơ Loong Díp, xã Ga Ry chia sẻ.
Những "Tủ sách biên cương", "Thư viện biên phòng", "Phòng đọc biên giới"... không chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân có thể đến đọc sách, mượn sách, trau dồi kiến thức, tìm hiểu mô hình sinh kế làm ăn, mà đây còn là nơi gắn kết nghĩa tình quân dân. Khi người dân gặp bất kỳ chuyện gì cũng có thể dễ dàng tới trao đổi với BĐBP để cùng tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Từ hiệu quả của mô hình “Phòng đọc biên giới” đã mang tri thức về với vùng biên, tạo điều kiện thuận lợi cho các đồn Biên phòng lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.