Mang Tết cổ truyền vào trường học
Kỳ thi học kỳ 1 vừa kết thúc cũng là thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, vì vậy các trường học đã tận dụng dịp này tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về chủ đề Tết cổ truyền của dân tộc cho học sinh.
![Giáo viên Trường tiểu học Long Khánh (thành phố Long Khánh) thanh thủ giờ nghỉ trưa để trang trí Tết. Ảnh: Công Nghĩa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_20_423_51289592/8c5dc5480c07e559bc16.jpg)
Giáo viên Trường tiểu học Long Khánh (thành phố Long Khánh) thanh thủ giờ nghỉ trưa để trang trí Tết. Ảnh: Công Nghĩa
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) Hoàng Thị Ngọc chia sẻ: “Hoạt động ngoại khóa về chủ đề Tết cổ truyền của trường năm nay có nhiều nét đặc sắc, mới lạ. Đặc biệt, nhà trường sẽ mời các chuyên gia về gốm Biên Hòa đến trường để giới thiệu và hướng dẫn học sinh làm gốm”.
Hào hứng đón Tết Việt
Đến Trường tiểu học Nguyễn An Ninh vào những ngày cận Tết, ngoài sân trường, một cây mai giấy khá lớn đã được giáo viên trang trí rực rỡ sắc vàng cùng với những phong bao lì xì màu đỏ. Ở phía ngoài cổng trường, giáo viên và phụ huynh cùng xắn tay trang trí Tết với khẩu hiệu Mừng Đảng - Mừng Xuân cùng với hoa mai, hoa đào đầy màu sắc.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh Hoàng Thị Ngọc chia sẻ: “Mỗi năm, nhà trường lại cố gắng tạo những điều mới mẻ cho học sinh có được cảm nhận về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm nay, ngoài mời các nghệ nhân về gốm Biên Hòa đến hướng dẫn các em làm gốm, nhà trường còn triển lãm ảnh về Trường Sa để các em hiểu được rằng, ở đất liền bình yên đón Tết nhưng vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ đang lặng lẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, từ đó giúp học sinh trân trọng hơn từng khoảnh khắc hòa bình”.
Nghỉ Tết là lúc hướng về gia đình
Học sinh Đồng Nai sẽ có 12 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, đây chính là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm để mỗi học sinh hướng về gia đình nhiều hơn. Mỗi phụ huynh hãy tận dụng khoảng thời gian này để vun đắp tình cảm gia đình, truyền thống văn hóa của dân tộc để khi trưởng thành, gia đình và những nét truyền thống văn hóa tốt đẹp luôn lớn lên cùng các em.
Còn tại Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa), khi kết thúc kỳ thi học kỳ 1, nhà trường đã liên tiếp tổ chức các hoạt động ngoại khóa về Tết cổ truyền, qua đó giáo dục cho học sinh những nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong Ngày hội Xuân, các em còn được tự các nghệ nhân hướng dẫn gấp những con thú bằng lá dừa, vẽ thư pháp và chơi các trò chơi dân gian.
Em Nguyễn Tường Vy, học sinh lớp 8 Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu, chia sẻ: “Em cảm thấy rất thú vị vì Ngày hội Xuân của trường có rất nhiều hoạt động và học sinh được tự do trải nghiệm. Chẳng hạn như em được tận mắt chứng kiến những đường nét thư pháp rất uyển chuyển, mỗi chữ mang ý nghĩa về sự bình an, hạnh phúc…”.
Cơ hội để giáo dục kỹ năng sống
Mỗi dịp chuẩn bị cho học sinh nghỉ Tết, Trường trung học cơ sở Trảng Dài (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) lại tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống về chủ đề Tết cho học sinh. Trong đó, hoạt động được học sinh hào hứng nhất là được cùng với các thầy cô gói bánh chưng, bánh tét. Bánh khi được nấu xong được nhà trường phát cho học sinh mang về nhà thưởng thức cùng gia đình.
![Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (thành phố Biên Hòa) xem các nghệ nhân gấp con cào cào bằng lá dừa trong Ngày hội Xuân của trường. Ảnh: Công Nghĩa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_20_423_51289592/bafbf2ee3ba1d2ff8bb0.jpg)
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (thành phố Biên Hòa) xem các nghệ nhân gấp con cào cào bằng lá dừa trong Ngày hội Xuân của trường. Ảnh: Công Nghĩa
Em Lâm Thị Vân Anh, học sinh lớp 9, phấn khởi chia sẻ: “4 năm học ở trường, Tết nào em cũng được tham gia gói bánh chưng. Những Tết năm trước, em chỉ tham gia cùng các bạn rửa lá dong, vo gạo nếp và đậu xanh, còn năm nay em đã biết tự tay gói bánh, tuy bánh chưa thật đẹp và vuông vức nhưng em rất vui vì thầy cô giáo dành nhiều lời khen. Tết này em được theo cha mẹ về quê ở Quảng Trị, em sẽ “trổ tài” gói bánh chưng để ông bà nội vui”.
Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom), không khí Tết Ất Tỵ dường như đến sớm hơn mọi năm, vì năm nay trường được tỉnh đầu tư cơ sở vất chất khang trang. Hiệu trưởng nhà trường Sầm Thị Lê Thanh phấn khởi cho hay: “Không khí Tết năm nay của trường rất đặc biệt vì trường lớp mới, chính sách dành cho học sinh dân tộc được nâng lên. Bên cạnh đó, nhà trường chuẩn bị thêm cho các em những phần quà để mang về gia đình cho thêm vui và ấm áp”.
Ngày Tết là ngày vui và hạnh phúc của mọi nhà, đồng thời đây cũng là dịp để nhiều trường học giáo dục cho học sinh về tinh thần yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trấn Biên (thành phố Biên Hòa) Phạm Thị Thanh Hà cho hay, Tết này, giáo viên và học sinh nhà trường đã quyên góp được 50 triệu đồng và quà cho học sinh nghèo. Đặc biệt, giáo viên và học sinh của trường đã quyên góp được 80 triệu đồng chia sẻ giúp đỡ cho một học sinh có cha mẹ mới qua đời vì ung thư.
Trong khi đó, Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Biên Hòa) đã quyên góp được hơn 1 tỷ đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Trong những ngày qua, nhiều chuyến xe yêu thương của nhà trường đã mang hàng trăm phần quà tặng cho công nhân nghèo, bệnh nhân đang điều trị bệnh hiểm nghèo…