Mang lại ấm no cho nhân dân

Tận dụng lợi thế của địa phương cùng sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, nhà nước, Cấp ủy, chính quyền xã Noong Hẻo(huyện Sìn Hồ) vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Xã Noong Hẻo là địa bàn cư trú của dân tộc Thái với 10 bản, 1.293 hộ. Để thay đổi tư duy sản xuất, cán bộ xã đến từng bản gặp gỡ nhân dân để tuyên truyền bà con nâng cao nhận thức, không ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, từng bước khai hoang, mở rộng đất canh tác, thay thế các loại giống cũ bằng các giống chất lượng hơn. Trong quá trình sản xuất, cán bộ xã hướng dẫn người dân cách làm, từ khâu cải tạo đất, gieo mạ, sâu bệnh đến việc đánh giá tốc độ sinh trưởng cây trồng. Nhất là trong quá trình sản xuất, người dân được tiếp cận với máy móc giúp công việc nhanh, hiệu quả hơn. Đối với chăn nuôi, phương pháp cũng thay đổi, không còn tình trạng thả rông mà người dân đầu tư xây dựng chuồng trại, học hỏi kỹ thuật để tăng số lượng, phòng bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, xã vận động bà con đưa những cây trồng có giá trị cao như cây ăn quả, dược liệu vào trồng, góp đất trồng cây cao su, phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ. Phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp dạy nghề, riêng năm 2023 đã mở được 5 lớp với 150 học viên tham gia, khuyến khích người dân xuất khẩu lao động, làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nhờ đầu tư vào kinh doanh, cuộc sống người dân bản Noong Hẻo 1 (xã Noong Hẻo) thay đổi từng ngày.

Nhờ đầu tư vào kinh doanh, cuộc sống người dân bản Noong Hẻo 1 (xã Noong Hẻo) thay đổi từng ngày.

Vượt khó vươn lên, người dân tăng gia sản xuất, hăng say lao động làm giàu cho cuộc sống bản thân. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt tăng lên 1.056ha, mỗi năm 2 vụ, sản lượng ngô, thóc đạt trên 5.100 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 728kg/người/năm, không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa xuất bán. Chăn nuôi xuất hiện nhiều mô hình với số lượng lớn như: nuôi gà, vịt siêu trứng, dê sinh sản, ong lấy mật hoặc quy hoạch các bãi chăn thả tập trung hàng trăm con gia súc. Nhờ đó, tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 19.000 con. Bà con đào ao nuôi 34ha thủy sản, mỗi năm khai thác khoảng 56 tấn. Bên cạnh đó, cải tạo đất trồng thêm rau xanh, cây ăn quả với diện tích 62ha, riêng 4,2ha cây dưa hấu mang lại năng suất cao, trung bình từ 10 đến 12 tấn/ha.

Anh Lò Văn Lân (bản Noong Hẻo 2) cho biết: Nhờ xã chỉ hướng, người dân đã biết làm lúa, nương 2 vụ/năm, gieo trồng các giống chất lượng, sử dụng máy móc trong sản xuất nên vụ nào cũng thu hoạch lớn, hộ ít thì 70, 80 bao, nhiều thì gần 150 bao. Bản thân tôi mỗi năm thu được 250 bao thóc, ngô, tôi còn mở thêm cửa hàng bán hàng tạp hóa nên cuộc sống khá giả.

Niềm vui được mùa của gia đình anh Lò Văn Lân ở bản Noong Hẻo 2.

Niềm vui được mùa của gia đình anh Lò Văn Lân ở bản Noong Hẻo 2.

Nông sản làm ra không chỉ trở thành nguồn cung chủ yếu ở các điểm chợ trong xã mà còn là địa chỉ uy tín của các thương lái. Nhiều hộ trở thành hộ khá giả khi bán được nhiều sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt như chị Lò Thị Doai (bản Noong Hẻo 1), Quàng Văn Mán (bản Ná Đon), Quàng Văn Phóng (bản Phiêng Chạng)… Ngoài ra, tận dụng lợi thế về giao thông, đi lại thuận tiện giữa các xã, nên người dân các bản đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ với 45 hộ đang kinh doanh. Nhờ đó, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 45%, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Người dân bản Ná Đon phát triển chăn nuôi gia súc.

Người dân bản Ná Đon phát triển chăn nuôi gia súc.

Cuộc sống đổi thay, bản làng khởi sắc, người dân đoàn kết, chung sức vượt qua khó khăn, nhất là trong xây dựng nông thôn mới xã Noong Hẻo đã hoàn thành 11/19 tiêu chí. Bản sắc văn hóa được giữ gìn, đời sống tinh thần nâng cao, giáo dục phát triển đã tô thêm nhiều nét mới cho vùng nông thôn.

Thái Hà

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/mang-l%E1%BA%A1i-%E1%BA%A5m-no-cho-nh%C3%A2n-d%C3%A2n
Zalo